Chiếc xe đạp chờ người

29/07/2012 08:30 GMT+7

(TT&VH) - 1. Thằng Vinh con bà Quản “muối” to béo phục phịch, còn tôi thì gầy và lùn, nên nó được gọi là Vinh “hộ pháp”, còn tôi là oắt con. Vinh vừa to con vừa lớn tuổi hơn nhưng tôi và nó cùng lớp 4. Lớn hơn nên nó biết rất nhiều chuyện.

Ngoài lí do cùng lớp cùng đường đến trường thì một lí do nữa không kém quan trọng là tôi thích hóng chuyện. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ chuyện ma cây đa xóm Phố của nó “nát” người qua đường vào lúc trời nhập nhoang bằng cách ném xuống đường cánh tay cụt cái  uỵch! Hoặc cái tượng đá cô Ba ở miếu Chõm người ta còn “thấy tháng”. Lúc ấy chẳng hiểu “thấy tháng” là gì, bảo giải thích thì nó nháy mắt cười ruồi: Lớn rồi mày sẽ biết. Nó làm như nó lớn lắm í!

Tôi thân với nó, còn gia đình bà Quản, ông Quản đều quí tôi. Nhiều hôm đi học về muộn quá, bụng đói dăn deo ghé nhà nó uống nước, ông bà Quản bảo gặp bữa thì ăn luôn đi. Biết ăn chực là xấu, nhưng đói cứ ăn bừa. Mâm cơm chẳng có gì, mỗi bát canh rau muống nấu khoai sọ lềnh phềnh mấy miếng tóp mỡ lèo nhèo mà ngon nhớ mãi.


2. Học hết cấp 2 thì vào tuổi nghĩa vụ quân sự, nó nhập ngũ, còn tôi vẫn học tiếp. Ngày lên đường trông nó thật ra dáng: bộ quân phục trông nó khác hẳn ngày thường. Núp sau dưới cái mũ cứng, hai mắt ti hí nhanh như mắt chuột cứ hãnh diện liếc bên này bên kia.

Hồi biết trúng tuyển, nó hào hứng bảo: Ra trận, tao bắn thằng giặc nào là thằng đó chết coong. Tôi bảo chết coong là cái gì nói tao nghe với, thì nó bảo “coong” là “quay lơ” chết luôn như con gà bị cắt tiết ấy, có thế mà không biết. Tôi nghe mà bấm bụng sợ!

Sau thời gian tập luyện ở Sơn Tây, nó qua nhà được một hôm rồi khoe đi chiến trường K. Tôi hỏi nó K. là gì, nó đặt một ngón tay lên môi, nháy mắt, đầu lắc nhẹ, không nói. Như thế có nghĩa là bí mật lắm. Cái gì nó cũng khoe tôi, nhưng hôm nay nó không nói cho biết K. là gì, nghĩa là việc tối quan trọng…Tôi thẫn thờ ngầm tị nạnh với nó. Nhưng tôi sao ganh với nó, tôi nặng có 39 cân, con cò hương còi không trúng tuyển nghĩa vụ!

3. Bố nó lúc ấy làm cán bộ được phân cái xe Thống Nhất sơn màu cánh chả. Nó không cần lồng khung vẹo người như tôi khi đạp xe, mà ngồi thẳng trên yên xe luôn. Hôm nó đi bộ đội, ông bảo bao giờ xuất ngũ sẽ cho nó để đi làm việc. Nhà ông bà có mỗi nó, quí lắm. Gớm lúc ấy có cái xe đạp thì gái nào chả theo. Nó sang trọng như cái xe Cadilac ấy.

Không ngờ ngày lên đường cũng là ngày chia tay nó vĩnh viễn. Chỉ vẻn vẹn có 3 cái thư lúc đóng quân tập kết. Bức thư cuối nói nói đơn vị bắt đầu di chuyển, rồi lặng thinh từ đó.

Thời gian với ông bà dài lê thê chờ con sau cái giấy báo “mất tích” của đơn vị gửi về. Lúc này ông Quản đã nghỉ hưu. Nhà bên đường nên bà mở quán nước. Anh lính nào vào quán, bà cũng hỏi thăm thằng Vinh con bà, cứ như ai cũng biết nó. Còn ông chỉ mở đài nghe chương trình đi tìm đồng đội.

Chiếc xe đạp Thống Nhất cũng không cần đến nữa vì có bao giờ đi đâu xa. Ông lau dầu, quấn giẻ treo nó bên sườn tường chờ thằng Vinh về. Ông vẫn chưa tắt hi vọng, biết đâu đấy lúc nào đó nó sẽ đứng giữa bậu cửa hét lên, bố ơi ơi con về đây này thì sao…

Chiếc xe ông hứa cho con ông đã thay bộ lốp mới vì lốp cũ để lâu cũng đã ải. Nhưng rồi đôi lốp mới cũng mốc thếch, rạn chân chim theo thời gian dù lâu lâu ông vẫn hạ xuống bơm căng. Ôn bảo nhỡ nó về là đi được ngay.

Khổ, bao nhiêu người hỏi mua, bao nhiêu người cần xe sẵn sàng trả đắt cho ông mà ông không chịu. của thằng Vinh đấy, bán thế nào được, tôi hứa cho nó rồi…

4. Cuối cùng, bà dù chăm hỏi tin con nhưng không anh lính vào biết thằng Vinh nhà bà vì chiến trường rộng lớn lắm. Còn ông nghe đài buổi đi tìm đồng đội mãi cũng không một lần nghe thấy có ai nhắc tên Nguyễn Văn Vinh quê bản Ngoại, Đại Từ, Thái Nguyên. Chiếc xe đạp thì ông vẫn giữ  cho tới ngày trở về lòng đất.  Biết không qua được, ông gọi em chú đến dặn dò rồi giao cái xe nhờ chú giữ, dặn bao giờ thằng Vinh về thì đưa cho nó…

Mười mấy năm rồi, mỗi lần về quê tôi đều dành thì giờ lên nghĩa trang xã thắp hương. Có hơn năm mươi ngôi tất cả trong đó có mộ liệt sĩ Vinh. Thắp để tưởng niệm thôi, ông Chủ tịch bảo tôi, phần lớn toàn “mộ gió”, chứ không tìm được hài cốt mang về.

27/7/2012

                    Bài và tranh minh họa:Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm