Chiếc công tơ điện và sự hổ thẹn của người lương thiện

16/07/2015 06:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -Tôi đương nhiên là một khách hàng của ngành điện, đứng tên trên hóa đơn thanh toán hẳn hỏi. Hàng tháng tôi vẫn đóng tiền đầy đủ, nhưng thực tình tôi không thể phân biệt được cái công tơ điện nhà mình giữa chi chít những cái hộp kín bưng treo trên cột điện ngoài ngõ.

1.Thường thì, hóa đơn thanh toán ghi bao nhiêu thì tôi chỉ biết “xùy” tiền ra đóng bấy nhiêu, chứ không thắc mắc, khiếu nại làm gì. Vì có thắc mắc khiếu nại thì tôi cũng không thể tự leo lên cột điện để kiểm tra được, rủi điện giật ngã xuống thì khốn.

Có thể nhiều người không tin, và họ có đủ lý do để không tin, nhưng cá nhân tôi tin tưởng ở sự công tâm của ngành điện, dù các anh có bắc thang leo lên theo cách truyền thống, hay gắn ipad vào đầu “gậy tự sướng” để chụp lại màn hình công tơ.

Nhưng tôi đặt câu hỏi ngược lại: Vậy các anh ngành điện có tin tưởng vào chúng tôi - những người dùng điện - không?


Nhân viên điện lực chốt số công tơ điện

Câu trả lời hình như là không.

Một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội từng bộc lộ nỗi xấu hổ của mình khi dẫn bạn bè ngoại quốc đi dạo trên đường phố Hà Nội. Bạn bè hỏi, trên cột điện treo chi chít những cái hộp như những cái mụn cóc kia, là để làm gì? Ông bảo đó là những cái hộp công tơ. Tại sao công tơ lại phải đóng hộp, và tại sao công tơ không treo ở nhà mà lại phải treo lên “đỉnh” cột điện? Ông không biết trả lời thế nào. Chẳng lẽ lại bảo, ở Việt Nam chúng tôi phải “gông” chiếc công tơ lại và treo chúng lên nơi công cộng mới chống lại được nạn ăn cắp điện?

2. Nạn ăn cắp điện là có, có lúc là phổ biến. Báo chí loan tin, ngoài những vụ ăn cắp điện theo kiểu “truyền thống” như cắt niêm chì để vặn ngược số, câu trực tiếp trước điện kế... thì tình trạng ăn cắp điện qua máy tạo dòng ngày một gia tăng...

Nhưng không phải tất cả những người dùng điện đều có thể và có ý định ăn cắp điện.

Chiếc công tơ điện treo ở vị trí dễ kiểm soát trong nhà, không chỉ là câu chuyện của lòng tin, mà còn có thể giúp các khách hàng tự kiểm soát việc dùng điện của mình hàng ngày. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với việc tiết kiệm điện. Chẳng hạn, mới được nửa tháng mà thấy chỉ số công tơ nhà mình đã “phi nước đại” thì người tiêu dùng sẽ biết đường mà tắt bớt điều hòa, để tránh tình cảnh phải khóc thét khi nhân viên ngành điện gõ cửa đưa hóa đơn.

Nhưng ngành điện lại sợ người dùng “táy máy” quanh chiếc công tơ, nên kẹp chì chưa đủ, mà còn phải gông chúng lại và treo lên những vị trí mà... chỉ có họ mới dám leo lên. Không chỉ thế, với việc bán điện trực tiếp từ... cột điện, họ còn đẩy việc mua sắm đường dây và các hao phí điện năng trên đường dây từ sau công tơ về phía người dùng (Lẽ ra họ phải bán điện tận nhà người dùng thay vì bán điện từ cột điện).

Biết bao giờ chiếc công tơ mới thoát khỏi cảnh bị gông cùm, bị bêu ở nơi công cộng, vừa làm mất mỹ quan, vừa cho thấy cách chống ăn cắp điện như thế này chỉ có ở Việt Nam?

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm