17/04/2013 08:57 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,
Liệu có đúng không nếu nói rằng tuyệt đại đa số người Việt chúng ta thường hay tự hào khi một đứa trẻ trong nhà tỏ ra là “thần giữ của”. Những đứa trẻ như thế không chịu cho ai chạm vào cái gì ở trong nhà của chúng chứ đừng nói lấy đi.
Có vẻ như nhiều người chúng ta coi đó là bằng chứng của sự nhận thức sớm, chứng tỏ đứa trẻ trí não phát triển, hay nói nôm na là thông minh.
Sự tự hào, hài lòng này thể hiện qua những tiếng cười, lời khen dễ trở thành sự khích lệ khiến đứa trẻ lúc nào cũng khư khư giữ của.
Hình như người ta không khuyến khích cách dạy trẻ kiểu này ở Mỹ, nơi mà sự chia sẻ được coi là văn hóa và yếu tố cốt lõi của giáo dục ở nhà trường và trong xã hội.
Nếu dành ra một buổi ngồi quan sát hàng chục, thậm chí cả trăm đứa trẻ trên một sân chơi công cộng với các thứ đồ chơi từ đu quay, cầu trượt, bập bênh hay những chiếc xe cút kít, xẻng xúc cát..., bạn sẽ khó bắt gặp cảnh những đứa trẻ tranh giành đồ chơi. Các ông bố bà mẹ ngồi ngoài lặng lẽ quan sát, tỏ ra sẵn sàng can thiệp khi đứa trẻ nhà mình tỏ ra ích kỷ và muốn chiếm hữu một đồ vật nào đó.
Những đứa trẻ được giải thích rằng chúng cần phải chia sẻ, tạo niềm vui cho bạn của chúng (dù không quen) và sau đó chúng sẽ được sẻ chia trở lại. Một cô bé xinh xắn dù đang rất mê trò bập bênh nhưng ông bố trẻ nhất quyết yêu cầu đứng lên bởi cô bé đã chiếm giữ nó năm phút rồi trong khi có hai ba đứa trẻ khác đứng nhìn một cách thèm muốn. Một cậu bé chơi trò xúc cát lên xe ô tô nhựa, được khuyến khích chia sẻ chiếc xẻng nhựa duy nhất, nếu không cu cậu sẽ phải trở về nhà sớm hơn dự định.
Cũng không phải chỉ có những đồ chơi chung. Ngay cả những món đồ chơi cá nhân, trẻ ở Mỹ cũng được khuyến khích phải biết cho bạn mượn, chơi chung. Phát triển ý thức nhóm, cùng chia sẻ, cùng vui vẻ là châm ngôn và là bí quyết để cùng vui chơi lúc tuổi thơ và sau này trở nên có ý nghĩa khi trưởng thành.
Nó là cơ sở giải thích vì sao người Mỹ nói riêng và người phương Tây có xu hướng và kỹ năng phối kết hợp tốt hơn để tạo nên một một tập thể, một cộng đồng nhân lên sức mạnh, chứ không chỉ là những cá nhân xuất sắc nổi trội nhưng đơn độc.
Nó cũng giúp cho con người biết cảm thông hơn, biết trợ giúp người khác, và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong danh sách 25 cá nhân có ảnh hưởng nhất trên Internet do tạp chí Forbes bình chọn cách nay 4 năm, có 3 người - Kawasaki, Jeff Jarvis và Steve Rubel- kêu gọi mọi người sử dụng Internet rằng hãy chia sẻ hết những gì có thể. Kể cả những bí quyết trong kinh doanh cũng nên được chia sẻ, bởi qua đó, nó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh bền vững.
Vậy, chúng ta có nên tiếp tục hài lòng với chuyện một đứa trẻ biết “giữ của” sớm hay không, khi các nhà khoa học đã khẳng định rằng “nhân chi sơ thì ích kỷ” và tính cách này nếu kéo dài cho tới khi trẻ lớn lên sẽ chỉ làm chúng tự cô lập và xã hội sẽ mất đi một nguồn lực tuyệt vời…
Chúc anh chị mạnh khỏe và hẹn gặp ở thư sau.
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất