Cây đào bất tử

22/02/2013 11:02 GMT+7


Sách giáo khoa nước ta đã qua nhiều lần cải cách, chỉnh sửa nhưng bài thơ “Anh về cùng mùa hoa” vẫn luôn được giữ lại trong chương trình văn học cuối cấp tiểu học.

Âm điệu bài thơ thật trầm bổng, thánh thót: “Rớt xuống trang thơ tôi/ Cánh hoa đào phớt đỏ/ Chiều Sơn La lặng gió/ Tôi nghe hoa thì thầm/ Tôi nghe nụ nảy nầm/ Từ kẽ tường nhà ngục/ Trở trăn và khó nhọc/ Trong giá lạnh mùa đông/ Cái hạt non anh trồng/ Nở mùa đào cộng sản/ Nụ hoa chúm chím hồng/ Khoảng trời bừng nắng rạng/ Trái tim người cách mạng/ Sẽ không héo bao giờ/ Gieo ý nhạc vần thơ/ Cho mai sau hát mãi/ Trang thơ tôi đằm lại/ Giữa nhà tù Sơn La/ Tô Hiệu ơi có phải/ Anh về cùng mùa hoa?".

Bài thơ là tác phẩm tâm đắc của Tạ Hữu Yên. Nhà thơ cho biết, khoảng năm 1977-1978, ông về thăm lại Điện Biên Phủ. Trên đường đi, ông ghé thăm nhà ngục Sơn La (xây dựng vào năm 1908), nơi địch giam cầm, đầy ải nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Hôm đó, người thuyết minh di tích dẫn nhà thơ đến một kẽ tường nhà ngục và kể: Khi đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) bị giam ở đây, đồng chí đã lấy hột đào nhét vào kẽ hở trên tường. Sau một thời gian, hạt đào nảy mầm, chui qua kẽ tường vươn lên xanh tốt. Tên chúa ngục Sơn La và lính canh thấy đó là một hiện tượng vừa lạ, vừa như có gì đó thuộc về tâm linh nên mặc nhiên để cho cây đào “bám tường sống”. Đặc biệt, lính canh người Việt rất thích đào nên không những không chặt bỏ mà còn chăm sóc khá chu đáo.

Sau khi thăm nhà ngục Sơn La trở về, nhà thơ Tạ Hữu Yên chưa viết được gì mà chỉ thấy ám ảnh với những gì ông tận mắt thấy, tận tai nghe qua lời kể của người thuyết minh. Ông không quên được hình ảnh cây đào, cũng không quên được hình ảnh căn hầm tối với những sàn xi măng lạnh lẽo; nơi giam cầm rất nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung…

Dịp 3/2/1980, Báo Quân đội nhân dân đặt nhà thơ Tạ Hữu Yên viết bài. Ông đã viết ra cảm xúc của mình, lúc đầu bài thơ mang tên “Mùa hoa cộng sản”. Sau khi đăng báo, bài thơ được chọn in vào sách giáo khoa văn học phục vụ công tác giáo dục, Ban tuyển chọn lấy câu thơ cuối của bài thơ đặt lại thành “Anh về cùng mùa hoa”.

Biết bao thế hệ học sinh đã được thưởng thức vẻ đẹp lung linh của bài thơ mang âm hưởng lãng mạn cách mạng này. Hiện nay, trên cộng đồng mạng, bài thơ được lưu truyền và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Nhiều bạn trẻ đã thốt lên rằng: Bài thơ đã khiến cho Cây đào Tô Hiệu trở nên bất tử.

Theo Thu Hà
Quân đội Nhân dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm