Cáp treo

15/11/2014 07:57 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến hôm nay, mọi người vẫn chưa thể biết Quảng Bình có chính thức triển khai nghiên cứu cáp treo vào hang Sơn Đoòng, di sản thiên nhiên đặc biệt hay không.

Chính thức hay không thì vấn đề cáp treo đã được đặt ra và tiếng ồn đã loang đi toàn quốc.

Ôi cáp treo!

Tôi nhớ khi Hội Gióng được vinh danh là Di sản phi vật thể của thế giới đã có ngay một ông tiến sĩ đứng ra năng nổ  xin viết lại kịch bản lễ hội. (Đó là một thứ “cáp treo” cá nhân hòng ăn theo di sản. May mà việc ấy không được chấp nhận).

Dân ca quan họ vừa được vinh danh xong thì có ngay “cáp treo” biểu dương rầm rộ: hai ngàn người hát quan họ, sáng kiến của quan tỉnh nhằm lập “ghi-net” cho quan họ. Một nhận thức quá  méo mó về cách vinh danh giá trị di sản.

Còn cáp treo thứ thiệt làm xấu đi di sản văn hóa và có thể phá vỡ môi trường thiên nhiên thì có khá đủ rồi, như Chùa Hương, chẳng hạn. Và giờ đây hang Sơn Đoòng đang thắc thỏm chờ sự tàn phá…

Cáp treo là một giải pháp khoa học rất hay để giải quyết việc đi lại trong điều kiện thiên nhiên khó khăn. Trong du lịch nó thật sự hữu dụng. Nhưng cần phải theo phương châm “ăn tùy nơi/ chơi tùy chốn” chứ không phải chỗ nào cũng cáp treo tía lia dễ dãi như ở ta. Thái độ làm cáp treo ở ta là thái độ “ăn lấy được”.

Có những lý  lẽ đặt ra để đòi đặt cáp treo chẳng thuyết phục được ai  như là “ vì nhân dân”, rằng di sản, đó là của chung dân tộc ai cũng có quyền được hưởng”, hoặc Quảng Bình là tỉnh nghèo, làm cáp treo thì sẽ khai thác di sản tốt hơn để cải thiện kinh tế của tỉnh… Muôn vàn biện lí cuối cũng cũng thòi ra chuyện hoa mắt vì tiền.

Câu chuyện cáp treo leo vào các khu vui chơi thì không nói làm gì , nhưng khi nó leo vào di sản dày đặc như ở ta bỗng cho cảm giác chán chường: Thì ra mục đích tôn vinh di sản là  để nhằm  khai thác lợi nhuận chứ không phải vì văn hóa, văn hiến của đất nước! Ví thì nó khập khiễng nhưng có gì đó tương đồng với việc có một số thi người đẹp, tôn vinh siêu mẫu chỉ để nhằm mục đích  khai thác vốn tự có giá cao sau đó.

Còn gì buồn hơn khi người ta khai thác di sản theo kiểu bóc lột bằng mọi giá. Và nghèo nàn thay cách kiếm tiền của bộ máy quản lí đất nước. Trí tuệ để đâu cả mà chỉ còn cách kiếm tiền thô lậu thế.

Các vị tưởng cáp treo sẽ giúp làm giàu thì nhầm to, đó là sự ỉ lại ăn bám vào di sản của đứa con lười nhác trong suy nghĩ tính toán, càng lâu di sản càng xơ xác rạc dài mất giá! Hãy mở mang trí tuệ phát triển kinh tế theo cách nhìn khác thì mới mong ngẩng đầu lên được!

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm