27/09/2013 09:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Đó là câu nói nổi tiếng của một nhà triết học cổ đại (Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu - Lão Tử), câu nói đó không dễ hiểu, bởi nó gắn liền với hệ thống các khái niệm triết học rất trừu tượng của ông ta. Nó có vẻ mâu thuẫn với câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” của dân gian ta. Dân gian coi trọng kiến thức, kinh nghiệm thâu nhận được từ ngoài xã hội rộng lớn, chứ “ếch ngồi đáy giếng” thì chả hiểu gì.
Có lẽ vì thế mà dân phượt ngày nay không lấy câu nói của Lão tử làm slogan cho những cuộc hành trình. Có người viết thành sách, có người chỉ post ảnh lên blog, web… nhưng qua đó ta cũng có thể thấy phần nào những trải nghiệm tuyệt vời của họ khiến những người cho chân vào gầm bàn phòng máy lạnh phải phát thèm.
Thế nhưng, từ cuốn sách trải nghiệm qua 25 nước của Huyền Chip cũng khiến ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của chuyến đi, bên cạnh những trải nghiệm cá nhân thì cái “sàng khôn” thu nhận được là gì?
2. Là người ít khi phượt chỉ để… phượt, nhưng tôi cũng đi đủ để thấy rằng đất nước này, thế giới này thật rộng lớn, với nhiều nơi còn khó khăn, vất vả, khác hẳn cái văn phòng máy lạnh của mình, có nhiều cung đường còn lầy lội, nguy hiểm khác hẳn phố xá trải nhựa…
Thế nhưng, trong những chuyến đi đó, tôi chẳng thấy hành trình của mình là quá gian nan; bởi tôi tự nhủ rằng, việc đi lại của mình chắc không thể khó bằng những người công nhân từ hàng chục hay hàng trăm năm trước đã đến đây để… làm đường. Hoặc đồng bào đi bộ cả đời trên đó để lao động, kiếm sống…
Trong những chuyến đi, tôi luôn nghĩ rằng, giá trị của nó không phải là chuyện mình đến đó vất vả như thế nào mà là mình nhận thấy cuộc sống ở nơi đó ra sao, để hiểu hơn về người dân nơi đây và qua đó cũng hiểu hơn về mình.
Không phải bây giờ mới có những cuốn sách du ký. Nguyễn Du đã có Bắc hành tạp lục (thơ), Phan Huy Chú đã có Hải trình chí lược. Phạm Quỳnh cũng có sách ghi chép về chuyến đi châu Âu của ông từ đầu thế kỷ 20. Họ không đơn thuần là để “phượt” mà những ghi chép của họ đến nay đã trở thành nguồn tư liệu địa chí quý giá, bởi ngay từ khi cầm bút, họ đã có mục tiêu rõ ràng là phản ánh, khái quát cái “sàng khôn” thu nhận được.
3. Ngày nay, phương tiện đi lại dễ dàng, tri thức của cả thế giới và trải nghiệm của từng cá nhân được liên kết và chia sẻ qua Google, Facebook… Vì thế, dù là đi phượt hay đi để viết sách du ký, viết báo “khám phá”, thì người viết phải vượt lên cái “là lạ” dễ thấy dọc đường (có thể tìm thấy trên Google) hoặc những cái người ta đã khảo cứu chán rồi, để mang đến những khám phá mới lạ giàu tri thức cho độc giả.
Giá trị của một chuyến “phượt” đối với độc giả, không phải là hành trình đến đó vất vả như thế nào, không phải là một bức ảnh chụp trước Paris, Roma với bàn tay giơ lên hình chữ V, mà là sự khám phá, cảm nhận cuộc sống ở nơi đó, là cái “sàng khôn” thu được và chia sẻ với cộng đồng. Càng đi xa càng biết ít nếu ta “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, hay vô vị hơn, chỉ thấy bản thân mình.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất