Cần có thêm… Cục Bồi thường sức khỏe nhân dân

22/06/2011 10:07 GMT+7

(TT&VH) - Cục Bồi thường Nhà nước đã có quyết định thành lập từ tháng 5 và sẽ ra mắt trong tháng 6 này. Với những người không am tường luật pháp, thì tên gọi của đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp này có vẻ hơi... lạ lùng. Nhưng nó là cần thiết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Rất hoan nghênh, khi Nhà nước có hẳn một đơn vị chuyên trách để thực hiện trách nhiệm này. Nhưng tôi chợt nghĩ, Nhà nước đã “fair-play” như vậy, còn các doanh nghiệp thì sao?

Khi một người tiêu dùng tố cáo một sản phẩm có vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hoặc các quyền lợi khác của mình thì họ có thể khởi kiện doanh nghiệp đó ra tòa, hoặc kêu cứu thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, có những sản phẩm bị chứng minh là nguy hại đến sức khỏe của con người hẳn hoi, nhưng “nguyên đơn” không phải là một người tiêu dùng cụ thể, mà là cả xã hội. Còn “bị đơn” cũng có thể là một doanh nghiệp cụ thể, nhưng ở bên Tây, bên Tàu. Với những vụ việc đó, ai sẽ đứng ra kiện và kiện ai?

Thạch rau câu hương vị khoai môn của New Choice bị thu hồi. Ảnh: Eway.

Những ngày qua ầm ĩ trước vụ một loại thạch rau câu có sử dụng chất phụ gia tạo đục chứa độc chất DEHP, là chất có thể gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới và về lâu dài, có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Rồi hàng loạt sản phẩm khác cũng bị phát hiện hoặc nghi ngờ có chất DEHP.

Thỉnh thoảng người tiêu dùng lại tá hỏa khi có các thông tin về sữa, nước tương... có chất nọ chất kia như melamine, 3-MCPD... Đó là chưa kể những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan ngoài chợ, có nhiều nguy cơ lạm dụng các chất như chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu... Những sản phẩm đó đương nhiên là gây hại đến sức khỏe hoặc làm thiệt hại tiền bạc của người tiêu dùng. Nhưng kết quả thì chỉ đến mức bị thu hồi hoặc bị loại ra khỏi các trung tâm thương mại, các siêu thị... là hết. Hàng ngàn, hàng triệu sản phẩm có khi vẫn trôi nổi ở các chợ cóc, chợ quê, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, ai biết mà thu hồi xử lý? Có phải người tiêu dùng nào cũng nắm được thông tin mà cảnh giác với những thứ độc hại bị thu hồi đó đâu?

Các doanh nghiệp làm ra các sản phẩm bị chứng minh là gây nguy hại đến người tiêu dùng đó, ngoài việc phải hủy sản phẩm, họ hầu như không phải bồi thường chút gì cho những người đã sử dụng. Từ khi một loại thạch rau câu bị thu hồi vì có chứa chất DEHP, biết bao ông bố bà mẹ lo lắng. Bởi con cái họ đã ăn biết bao lần. Ảnh hưởng đến sức khỏe là đương nhiên, nhưng đến mức độ nào, có cần đi khám không, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường? Hoàn toàn không rõ. Và cũng không thấy ai đặt ra. Đó là điều rất thiếu công bằng.

Thật ra với những sản phẩm như vậy, nếu một cá nhân khởi kiện thì rất khó, bởi phải chứng minh đã tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm, di hại đến sức khỏe như thế nào (Trong khi mua về thì đã ăn vào bụng từ lâu rồi, di hại thì 5 - 10, 20 năm mới phát tác). Nhưng hoàn toàn có thể chứng minh là chúng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế cả xã hội phải đòi bồi thường bằng cách, căn cứ trên tổng số sản phẩm đã bán trên thị trường nhân với số tiền phải đền bù trên mỗi sản phẩm thành một khoản tiền tương ứng. Chuyển toàn bộ số tiền bồi thường đó vào Quỹ Khám chữa bệnh của ngành y tế. Như thế những người bị ảnh hưởng từ sản phẩm bị thu hồi đến khi phát bệnh có thể dùng tiền từ Quỹ Khám chữa bệnh nói trên để chữa trị.

Ngành môi trường đã đưa ra được những số tiền cụ thể phải bồi thường khi doanh nghiệp gây ô nhiễm (như vụ Vedan đầu độc sông Thị Vải). Vậy thì không lẽ gì, lại không thể tính được số tiền phải bồi thường đối với những doanh nghiệp tung ra các sản phẩm gây “ô nhiễm” sức khỏe con người?

Vì thế tôi nghĩ, có lẽ phải thành lập hẳn một Cục Bồi thường sức khỏe nhân dân thuộc Bộ Y tế với chức năng tương tự như Cục Bồi thường Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp, nhưng để đòi quyền lợi chung cho những người dân bị ảnh hưởng sức khỏe do những người sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm gây ra.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm