Cà phê nông dân: Chết Hỗn Độn

05/01/2013 16:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong kiệt tác Nam Hoa Kinh của ngài Trang Tử, chương Ứng Đế Vương, ngài có viết bài Chết Hỗn Độn như sau:

1. “Đế Vương ở Nam hải có tên là Thốc. Đế Vương ở Bắc hải có tên là Hốt. Đế Vương ở Phần Giữa có tên là Hỗn Độn.

Thốc và Hốt thường chạy tới chỗ Hỗn Độn chơi. Hỗn Độn đối với họ rất hiền hòa. Thế nên để báo đáp ân huệ của Hỗn Độn, Thốc và Hốt một hôm bàn với nhau: “Làm người ai cũng có bảy khiếu, tức bảy lỗ: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và mồm. Bảy khiếu dùng để nhìn, nghe, thở và ăn. Trái lại, Hỗn Độn đến một cái khiếu cũng không có, thật tội nghiệp. Để chúng ta giúp Hỗn Độn mở ra bảy khiếu vậy”.

Thế là Thốc và Hốt mỗi ngày giúp Hỗn Độn mở ra một khiếu. Bảy ngày sau đó, Hỗn Độn chết”.

2. Truyện của ngài Trang Tử quá ngắn gọn, nhưng ám ảnh tôi rất lâu. Một triết gia vĩ đại như ngài Trang Tử mới có quyền năng ám ảnh độc giả người đời sau lâu đến thế.

Ngài Trang Tử tên thật là “Chu” - Trang Chu là người nước Tống đời Chiến Quốc. Ngài sinh ước định khoảng năm 369 trước Công nguyên, qua đời năm 286 trước Công nguyên. Ngài viết Nam Hoa Kinh và tác phẩm này đã trở thành một kiệt tác bất hủ của nhân loại.

Về chuyện Chết Hỗn Độn của ngài, do suy nghĩ mãi, tôi mới vỡ ra nhiều điều lạ.

Hỗn Độn, tức Đế Vương Phần Giữa, vì không có bảy khiếu nên suốt ngày chẳng thấy gì, chẳng nghe gì, cũng chẳng thở, chẳng ăn, vậy mà Hỗn Độn vẫn sống. Lạ thật. Không thể hiểu nổi. Cái tài của Hỗn Độn là tài “mù”, tài “điếc”, tài “tắt thở”, tài “đói” và tài “vẫn sống”. Tóm lại, tài của Đế Vương Phần Giữa là tài “đáng lẽ phải chết mà vẫn còn cứ sống”. Hỗn Độn quả là bậc thế gian đệ nhất hy hữu.

Đến đây, một câu hỏi phải đặt ra: “Thốc và Hốt giúp Hỗn Độn mở bảy khiếu để làm gì?”

Phải mở bảy khiếu chứ. Tôi chắc chắn rằng Thốc và Hốt phải hành động như thế và ngay cả Hỗn Độn cũng muốn làm như thế.

Phải tiếp xúc thế giới, phải hòa nhập thế giới, phải sánh vai đồng hành thế giới, để hưởng thụ thế giới tuyệt đẹp, sinh động, rộng lớn và giàu có này. Như thế có phải tốt hơn không? Cớ chi mà cứ giữ mù, giữ điếc, cứ tắt thở và cứ đói cơ chứ? Sống như thế thì sống để làm gì? Hơn nữa, chính Hỗn Độn cũng hợp tác mở bảy khiếu để thấy thế giới xung quanh muôn màu muôn vẻ mà hòa nhập hưởng thụ. Buộc phải mở bảy khiếu. Chẳng đặng đừng. Việc này rất tốt, rất phù hợp sự tiến bộ và nhu cầu loài người.

Trong tiến trình khai mở từng khiếu một, Hỗn Độn đã sống háo hức trong sự mới lạ với năm châu bốn biển. Hỗn Độn rất vui tươi, rất trong sáng, sánh vai đùa giỡn với Thốc và Hốt. Hỗn Độn đã mở mang kiến thức khi được tiếp xúc với thế giới cuộc sống bên ngoài muôn vàn sinh động. Hỗn Độn đã thoát khỏi tối tăm và điếc đặc vây hãm quá lâu. Viễn cảnh của một tương lai sung sướng và hạnh phúc phía trước quá huy hoàng sáng lạn.

Nhưng thật bất ngờ. Bất ngờ đến không ngờ! Đó là khi Thốc và Hốt giúp mở đến khiếu cuối cùng là khiếu “mồm” thì Hỗn Độn chết.

3. Tại sao Hỗn Độn chết?

Ngài Trang Tử không nói tại sao. Ngài là nhà hiền triết thẳm sâu nên ngài im lặng. Nhưng tôi, kẻ hậu sinh ngu dốt thời bây giờ, tôi hiểu theo kiểu dân dã rằng. Hỗn Độn vì quá “ăn” mà chết. Mở được khiếu “mồm” là Hỗn Độn chết ngắc. Do “ăn” quá mà Đế Vương Phần Giữa chết ngắc. Liệu có trùng với ý thầm kín của Ngài không? Nếu sai, xin Ngài thứ lỗi.

Ngô Phan Lưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm