Bỏ bóng đá người

07/07/2012 09:11 GMT+7

Gần đây, giới văn học nghệ thuật đang có cuộc truy tìm những người dùng bút hiệu để viết những bài có thông tin phát hiện, nhưng ngôn ngữ lại mang tính bài xích, ác ý.

Xét ở góc độ thông tin, những gì họ viết là những thông tin đúng, có khi đúng đến… từng chi tiết. Nhưng ở góc độ tranh luận, tuỳ thuộc vào lời lẽ, ngôn từ, những bài viết này có khi gây ác cảm cho người tiếp nhận. Chính vì vậy đã tạo ra một cuộc bút chiến mạnh đến nỗi dùng cả lời lẽ lăng mạ, sỉ nhục lẫn nhau.

Đã có nhiều lời ví von cho thế giới văn học nghệ thuật ở nước ta kiểu như: “đó là cái chợ đời ồn ào, bát nháo hơn cả chợ thật theo nghĩa đen”, “đó là nơi các nghệ sĩ trí thức nhà ta ném rác vào nhau”, “không chỗ nào bốc mùi hơn giới đó”… tràn lan trên mạng và cả càphê vỉa hè.

Ở các nước phương Tây, các văn nghệ sĩ không phải không có những tranh luận nảy lửa đến nỗi không thèm nhìn mặt nhau nữa. Nhưng hành xử tới mức để công chúng thấy đó là cái chợ, bãi rác… thì là điều tối kỵ. Họ có thể phải ra toà chịu tội lăng mạ, vu khống và cả đi tù. Vì vậy, dù rất gay gắt, nhưng tất cả những tranh luận cho ra lẽ cũng chỉ nhằm vào công việc chứ không đả kích cá nhân. Họ phân biệt sự việc với cá nhân.

Theo “truyền thống” của người Việt trong tranh luận lâu nay, tật “bỏ bóng đá người” đã làm mất đi không khí văn hoá của nhiều cuộc tranh luận. Đã quá phổ biến việc nhục mạ nhau bằng cách lạm dụng tính diễn cảm của tiếng Việt, hay dùng chữ nghĩa màu mè, bóng bẩy để khích bác nhau, đến ngay cả công chúng cũng thấy bị xúc phạm. Muốn có văn hoá tranh luận, có lẽ cần phải tập.

Mặt khác, một tiến sĩ ngôn ngữ học còn cho rằng, nguồn gốc của vấn đề còn là tư duy bạo lực đã lan vào cả giới trí thức. Và buồn thay, khi không ít người tự nhận là trí thức, những người dùng ngôn ngữ để diễn đạt nỗi vui buồn, cay đắng của xã hội, khi thực hiện chức năng “ngôn sứ” của mình lại huỷ hoại vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm