Biết nhục

14/05/2013 08:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mưa lớn hơn tiếng đồng hồ, Hà Nội lại lập tức có ngay những con phố như là dòng sông uốn quanh, đủ để khơi dậy niềm khát khao sở hữu một cái thuyền thúng trong lòng không ít người dân thủ đô.

Trú mưa trong một quán cà phê, vì mưa thế này, tiện đâu trú đấy, chứ đừng mong một mái hiên lãng mạn, có thiếu nữ mắt trong veo xòe tay hứng mưa rơi. Kinh nghiệm bao năm gặp mưa giữa đường của N. là chỉ có cách nhảy đại vào quán xá nào đó nếu không sẵn áo mưa mang theo. Bởi cả Hà Nội không kiếm đâu ra một mái hiên rộng đủ che, một chỗ đứng không bị mưa hắt, nên trú mưa là phải mất tiền. Ngồi nhìn mưa tuôn, nghe người ta bình luận rằng hệ thống thoát nước Hà Nội bao năm rồi là thứ gì đó rất đau, thậm chí đáng cho một đô thị văn minh hiện đại, một thủ đô lấp lánh nghìn năm văn hiến.

Thoát nước mà nhục thì rác rưởi cũng nhục, một người khác bảo vậy, chắc nhìn trong dòng nước mưa lênh láng những vỏ túi nylon bập bềnh cùng vỏ dưa và cọng rau. Đến giờ ném rác ra đường thì mưa, cả thành phố mưa xong ngập rác. Mấy cái chuyện cỏn con ấy nhục cũng đúng, nhưng nhục làm gì, N. nghe một người khác nữa lẩm bẩm. Nếu có định nhục, thì nhục, thì đau vì đói nghèo, vì mất đạo đức, mất nhân phẩm trong xã hội, chứ mưa ngập, rác rưởi, nhục, đau chẳng bõ!

Bàn bên cạnh, rầu rĩ trong mưa, có hai người. Một người kể cho người kia, chắc là đồng hương, rằng quê mình thanh niên bỏ sang xứ người làm thuê nhục lắm. Bị đánh đập, khinh rẻ, phân biệt đối xử chẳng ra con người. N. nhớ một bài viết đăng trên báo cách đây chưa lâu, thủy thủ Việt Nam làm thuê trên một tàu cá Đài Loan đã liều mình lao xuống biển để trốn cảnh bị đánh đập, bóc lột và đối xử tàn nhẫn như súc vật. Nước lạnh, sâu và xiết, họ cứ bơi, nhằm hướng có màu xanh để bơi vì nghĩ có vườn cây, có ruộng đồng là sẽ tìm được việc ở một nơi xa xôi tận cùng thế giới.

N. nhớ cảm giác cay cay sống mũi khi đọc bài ấy. Chuyện làm thuê xứ người đau đớn là chuyện từ lâu đã nghe. Làm ô-sin, đẻ thuê, kể cả làm dâu…, có những nỗi nhục, cái “đau” lớn phải dính dáng đến hai từ quốc thể.

Cái nhục liên quan đến quốc thể, kể ra đau lòng. Nhưng hôm qua, có một vị giáo sư khả kính bỗng dưng phát biểu rằng ông thấy nhục vì nước mình chưa có…quốc phục. N. nghe xong suýt nữa… Dào ôi, quốc phục, dù sao cũng chỉ là cái mặc bên ngoài, tức là chỉ hình thức, xưa nay chưa có, cũng chẳng vì thế mà nhục.

Nói gì thì nói, một đất nước còn nghèo và vay nợ, kinh tế chậm phát triển, tham nhũng là quốc nạn, sách vở đọc chẳng mấy, suy thoái đạo đức rõ rệt thể hiện hàng ngày trên các báo mạng, chẳng kiếm tìm ví dụ làm gì vì mỗi ngày hàng đống tin tức cờ bạc, đâm chém, hiếp dâm…, trước hết phải nhục vì dân mình còn khổ, còn bị coi thường khi đi ra bên ngoài. Hơi đâu vì mấy thứ linh tinh...

Cái chính yếu chả nhục, cứ nhục phân tán thế này, khó mà nghĩ đến chuyện coi trọng danh dự thật sự với một quốc gia muốn tiến bộ.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm