Bằng cấp, chuyện cũ viết lại

17/12/2010 16:23 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Nhân chuyện Đà Nẵng bỗng dưng nói không với bằng tại chức, mà làm tổn thương vô số những bằng tại chức học thật (và chắc cũng mát lòng vô số bằng chính quy dù học không thật), lại thấy cái sự bằng cấp nước mình sao mà rắc rối đến thế.
 
Dân mình yêu bằng cấp, yêu đắm đuối, chuyện này chẳng nói ai cũng biết. Mà trong cái sự yêu ấy, bằng tại chức nào có đáng là gì. Năm nay, còn nhớ vụ ông Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Phú Thọ rồi ông Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, mỗi ông mất 17.000 USD cho cái trường Đại học Nam Thái Bình Dương “rởm” để có bằng tiến sĩ, ầm lên một dạo rồi thôi. Vì chẳng riêng hai ông ấy, lâu lâu vẫn thấy vài vụ bằng cấp mù mờ. Cho nên, cám cảnh đến mấy cho cái sự ham bằng cấp và nhãn mác của các quan chức nước ta, thì cũng thấy rằng sở dĩ các vị ấy đều do động cơ trong sáng mà bị lôi kéo vào bệnh hình thức, không may bị phát hiện nên đành mang tiếng. Chứ ối người bằng giả cũng có sao đâu.  
 
 
Đi đâu cũng thấy càng ngày càng có nhiều người học vị học hàm cao, mà chẳng hiểu sao nền giáo dục nước nhà vẫn bị coi là bi đát. Đương nhiên thành tích học tập của Việt Nam vẫn rất cao. Hễ thi quốc tế là đầy những giải vì “gà nòi’ không hiếm trong các trường chuyên. Nhà nước còn sẽ đầu tư kinh phí để mở rộng hệ thống trường chuyên trong thời gian tới. Trẻ em Việt Nam đi đâu học cũng giỏi. Một bài báo của vị Đại sứ Đức mới đây cho biết: “Không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam: Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu. Như vậy số trẻ em Việt Nam phấn đấu lấy bằng tốt nghiệp trung học hệ 12 năm nhiều hơn trẻ em Đức. So với các em cùng trang lứa đến từ các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ hay Italia, thì số học sinh trung học người Việt cao gấp 5 lần. Vì sao trẻ em Việt Nam lại học giỏi như thế? Tác giả hỏi, và được trả lời: Vì mọi ông bố bà mẹ Việt Nam đều muốn con cái mình học giỏi. Hẳn nếu dịch nghĩa ra thì như thế này: “Lũ trẻ sớm nhận ra rằng chúng mắc nợ cha mẹ mình những điểm giỏi và vì vậy chúng phải học thật nhiều”. Nhưng thế cũng vẫn là bi đát, vì qua khỏi bậc phổ thông, phần lớn trẻ em cảm thấy món nợ đó giảm bớt, và chúng sẽ truy lĩnh thời gian chơi trong thời kỳ đi học đại học hoặc đi làm công chức.

Quay lại với Đà Nẵng, đành rằng bất ngờ đưa ra ý kiến tỏ ý coi bằng tại chức là khả nghi về mặt kiến thức (mà cái sự khả nghi ấy rõ ràng không chỉ ở bằng tại chức), và nói không với nó, thì việc ấy dù phạm luật và phần nào đó thiếu công bằng, vẫn cứ nên xảy ra và nên có thêm những lần nói không như vậy ở nhiều nơi nữa, nhiều cấp nữa. Ít nhất cũng bày tỏ một thái độ với việc đào tạo kém chất lượng ở cấp đại học hiện nay. Nhất là khi đào tạo liên quan đến sử dụng, mà cán bộ đầu vào không đảm bảo chất lượng thì việc đảm đương công việc cũng chẳng dễ dàng.  

Chỉ lo thế này, còn đang tranh cãi về bằng tại chức chưa ngã ngũ, lại ngớ ra đến cả chính quy thật ra cũng không bảo đảm. Ngay cả tiến sĩ bằng quốc tế còn quy ra được giá 17.000 USD, nói gì đến chính quy trong nước. Lại không đảm bảo, phải nhìn sang bằng du học, rồi du học ở đâu, trường đại học nào, có vào top nào trên thế giới không? Ngẫm ra sự bằng cấp sẽ ngày càng phức tạp, càng tốn kém…  

Vẫn biết ngành giáo dục ở các tỉnh miền núi thiếu kinh phí cho trẻ em đi học. Nhưng đấy là việc khác. Đào tạo cán bộ là việc khác. Đất nước còn cần nhiều cán bộ có trình độ cao để đưa dân thoát khỏi cảnh nghèo. Thế nên để nâng cao trình độ cán bộ cần đi học… Mà đi học, lại tại chức. Khổ thế! Sau Đà Nẵng, còn tỉnh nào nói không với tại chức nữa để ngành giáo dục có lý do cải tổ hệ thống đại học hoặc hệ thống bằng cấp của mình? 

Remote 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm