Bán tranh trên sàn đấu giá dễ hay khó?

12/12/2016 09:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều người, muốn đấu giá tranh thì chỉ cần đến một phiên đấu giá đăng ký tham dự, nếu giá mình đưa ra hợp lý, thì sẽ chiến thắng. Suy nghĩ này hoàn toàn đúng với phần lớn nhà đấu giá tên tuổi trên thế giới, nhưng với Việt Nam, chưa hẳn đúng và đủ.

Để bán được một bức tranh, nhìn bề mặt thì chỉ cần có bức tranh và có người mua là xong, nhưng phía sau, không hề đơn giản như vậy.

Đầu tiên, để biết bức tranh ấy có giá khoảng bao nhiêu không hề đơn giản, vì giá của tranh khác với giá vàng bạc, đá quý (có thể cân đo), khác với địa ốc, xe hơi, phi thuyền (có mặt bằng chung của thị trường), tranh rất “quái đản”, nhiều khi cùng một tác giả, bức to giá rẻ bèo, bức nhỏ lại đắt đỏ.

Vì vậy phải cần đến các nhà nghiên cứu - phê bình, các chuyên gia hoặc tổ chức định giá, làm giá khách quan, đủ uy tín, điều này Việt Nam chưa hề có.

Kế đến, đó là các việc pháp lý cho bức tranh như vấn đề hải quan, ngân hàng, bảo hiểm, thuế và hoàn thuế, luật di sản…, tất cả phải đồng bộ, minh bạch thì giá bán ở nhà đấu giá mới có giá trị tương đương tại ngân hàng, tòa án.

Ví dụ, nếu một công ty nào đó mua bức tranh 1 tỷ đồng tại phiên đấu giá, đến khi phát mãi hoặc phá sản, công ty đó sẽ được cầm cố bức tranh ấy bao nhiêu? Theo dự kiến thì trong năm 2017 Luật Đấu giá được đưa ra Quốc hội để thảo luận, điều này cho thấy Việt Nam đang dần kiện toàn các văn bản pháp quy.


Tác phẩm "Mẫu đơn đỏ" của Lê Phổ tại phiên đấu giá "Vị nghệ thuật - Treasures of the Arts"

Thứ ba, đó là hệ thống chế tài pháp luật để bảo vệ người mua trước nạn tranh giả, tranh nhái. Dù đã có nhiều điều khoản trong Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Kinh tế… đủ bảo vệ người mua, nhưng thực tế thì rất ít khi áp dụng. Ăn cắp chiếc xe đạp, bán chiếc xe máy giấy tờ giả thì xét xử rất gọn gàng, minh bạch, trong khi mất bức tranh 100 triệu đồng, hoặc mua nhầm bức tranh giả, thì ít khi được hưởng quyền lợi pháp lý tương xứng.

Cuối cùng, tranh là một mặt hàng xa xỉ phẩm và “vô dụng”, mua hoặc không mua chẳng sao cả. Nhiều tỷ phú trên thế giới suốt đời không mua một bức tranh, cũng chẳng bị ảnh hưởng gì. Thế nhưng, một phiên đấu giá bài bản thì không thể hình thành ở một nơi có quá ít người mua tranh.

Vì để đúng là đấu giá thì phải có ít nhất 2 người cùng muốn mua một vật phẩm nào đó. Những đất nước, những thành phố có phiên đấu giá bài bản thì nơi đó phải đủ lượng người mua để hình thành nên thị trường căn bản cho nghệ thuật.

Vào lúc 19h ngày 17/12/2016 tại Caravelle SaiGon Hotel, phiên đấu giá Vị nghệ thuật - Treasures of the Arts theo hướng bài bản sẽ diễn ra, do Lythi Auction và Lạc Việt Auction phối hợp tổ chức. Phiên đấu chứng kiến sự “hợp bích” của các họa sĩ cùng thời tại Đông Nam Á như Lê Phổ (1907 - 2001) và Affandi (1907 - 1990), Trần Đông Lương (1925 - 1993) và Hasim (1921 - 1982), Lê Văn Xương (1917 - 1988).

Ngoài ra, phiên đấu còn có tác phẩm của Lê Thiết Cương, Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lim Khim Katy, Trần Thanh Cảnh, Lương Lưu Biên, Nguyễn Hoài Hương, Lê Kiệt, Hồ Hồng Lĩnh, Mạc Hoàng Thượng, Nguyễn Ngọc Đan, Nguyễn Trung Nghĩa, Lê Minh Đức,  Trần Ngọc Đức, Trần Thế Vĩnh, Phạm Đình Tiến, Văn Thạnh…  

Còn hơi sớm để khẳng định điều gì, ngay cả cách thức tổ chức, đôi chỗ vẫn còn những lấn cấn, vấp váp, nhưng đáng để hy vọng. Vì thật sự nền mỹ thuật Việt Nam đang cần nhiều hơn các phiên đấu như thế này, và chuyên nghiệp hơn, để dần dà hình thành nên một thị trường thực thụ. Vì thế sự thành công hoặc thất bại của phiên này sẽ phản ánh một phần thực tế của thị trường mỹ thuật nội địa.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm