Ai vạch 'thói hư tật xấu' người Việt?

26/12/2013 08:34 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cuối năm, các báo thường đưa ra những bảng tổng kết, đủ cả văn hóa, kinh tế, xã hội… Năm nay, xuất hiện những bảng đánh giá ngược, tổng kết những hành vi xấu.

Tổng kết thì không thể chỉ với cá nhân, mà phải của số đông. Đó là chuyện: Vô cảm, tham lam, hôi của bất chấp người gặp nạn van xin; tranh giành đồ ăn khuyến mãi; chửi tục tĩu, a dua giống như vùi dập Facebook của Bill Gates, rồi chuyện phân biệt vùng miền với người Thanh Nghệ…

Bảng tổng kết kiểu này, tỉ mỉ ra, còn dài, rất dài. Nó bắt nguồn từ những thói hư, tật xấu căn cốt mà không phải ai cũng dám nhận.

Nhà văn Nguyễn Khải sinh thời ca thán, nền văn nghệ thiếu tác phẩm đủ tầm soi vào thói xấu của người Việt, đủ để người ta thấy xấu hổ, thấy đau đớn để sửa mình. Cũng không dễ, chưa nói đến cái “tầm”, một cộng đồng quan niệm “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, vốn phải “lựa lời mà nói”, với một người còn sợ nữa là nhằm thẳng cả vào một cộng đồng.

Từng ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta nhớ Đôi mắt nhà văn Hoàng. Không thuộc vào hàng kiệt tác của Nam Cao, nhưng từ độ vừa ra đời cho đến nay, bước sang thế kỷ 21 rồi, nó vẫn cứ nóng.

Bỏ qua chuyện nguyên mẫu đã đè lên thanh danh nhà văn Vũ Bằng mà phải mới đây mới hóa giải, thông qua cái nhìn của nhân vật Hoàng, quần chúng là một đám đông hiện ra với mấy “tố chất”: ngu dốt, tàn nhẫn, ngố và nhặng xị.

Trước đổi mới, ai cũng thấy Hoàng thuần là phản diện, đáng chửi. Nhưng rồi lại bắt đầu nảy ra ý kiến rằng, Nam Cao còn khắc họa Hoàng như một trí thức tỉnh táo, thấy trước hạn chế của người nông dân làm cách mạng vào giữa lúc họ đang lên ngôi.

Hoàng bị chửi, nhưng dù sao đã dám nói ra suy nghĩ của mình.

2. Bên Tàu, Lỗ Tấn đã nói thẳng về căn bệnh của dân tộc Trung Quốc: AQ, với phương pháp thắng lợi tinh thần. Mỗi khi bị đánh thì anh lại nghĩ “chúng đang đánh bố chúng”. AQ hay bắt nạt kẻ yếu hơn mình, sợ hãi trước những kẻ mạnh hơn mình và tự thuyết phục bản thân rằng mình có tinh thần cao cả với những kẻ đè nén mình ngay khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược.

Lỗ Tấn đã vạch tật xấu của dân tộc mình.

Ở Tây Ban Nha là câu chuyện về hiệp sĩ Don Quixote, đầu óc lúc nào cũng đầy những mê hoặc, hoang tưởng.

Chàng ám ảnh với những vụ gây gổ, thách đấu, thương vong, nô lệ, oán trách, tình tứ, dằn vặt, những người khổng lồ, những lâu đài tráng lệ, những thiếu nữ bị bắt cóc và các cuộc giải cứu.

Sau rất nhiều cuộc phiêu lưu, kiệt sức vì đau buồn, thất vọng và thất bại, Don Quixote trở về nhà lúc thập tử nhất sinh.

Nhân loại đã thừa nhận, Cervantes không chỉ nói 1 nhân vật, ông đã mô tả tính cách tiêu biểu của cả dân tộc mình.

Cả thế giới kính trọng Lỗ Tấn và Cervantes.

3. Tượng đài thơ ca Nga Pushkin đã nói: “Phải, tôi yêu nước Nga, yêu dân tộc Nga một cách chân thành, đầy lo lắng”.

Cùng với những người bạn, Pushkin đã thành lập tờ tạp chí Người đương thời chuyên nói về “thói hư, tật xấu”. Nhưng người Nga ngoảnh mặt với những bài viết phê phán hiện thực sâu sắc. Độc giả quá ít, không có đủ tiền để in ấn và trả cho cộng tác viên. Nó đã đình bản nhanh chóng.

Nhưng cả thế giới biết Pushkin đã đúng.

Người Việt đang rất cần tình yêu chân thành, đầy lo lắng ấy, trước cái xấu tràn lan.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm