20/11, nhớ Thầy Võ Nguyên Giáp

20/11/2013 10:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn)- “Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo”. Câu nói bất hủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện đầy đủ tố chất của một vị tướng vì hòa bình và một người thầy vì Tổ quốc. Một người thầy mà cả dân tộc nghiêng mình tri ân trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

1. Năm 1939, nhà giáo Võ Nguyên Giáp đã đứng lớp dạy môn Lịch sử tại trường Tư thục Thăng Long (Hà Nội). Nhưng sau đó, để chuẩn bị cho Cách mạng, Thầy đã “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung” như bao người trai đất Việt.

Mường tượng về cuộc đời của thầy giáo Võ Nguyên Giáp nếu không có chiến tranh, nhà văn chuyên viết truyện lịch sử Lưu Sơn Minh viết: “Giá như không có chiến tranh, Võ Nguyên Giáp sẽ có thể mãi mãi là một người thầy giáo dạy Sử bình thường. Một người thầy ngày ngày kể cho học sinh nghe những câu chuyện về Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... Nhưng lịch sử đã dẫn dắt cuộc đời ông theo một hướng khác và trao vào tay ông một sứ mệnh vĩ đại. Ông  không thể tiếp tục ngày ngày kể cho học sinh nghe những câu chuyện về các vị Anh hùng. Những thầy giáo dạy sử khác sẽ làm điều đó. Và hơn thế, họ sẽ kể cho học sinh nghe về ông – một Anh hùng.”

Ngoài trận tuyến, người Anh hùng ấy cũng là một “nhà giáo” khi ông đã dạy cho quân đội Pháp và Mỹ những bài học để đời. Những vị tướng được đào tạo bài bản như Henri Eugène Navarre, Des Castries, William Westmoreland, McNamara… đã thấm những bài giảng khác từ một người không qua trường lớp quân sự nào. Những đội quân hùng hậu, những học thuyết quân sự chặt chẽ, những trang thiết bị tối tân làm cho các viên tướng xâm lược này mạnh hơn nhưng không đủ để đảm bảo cho họ chiến thắng trước thầy giáo dạy sử người Việt. 

Đứng trên bục cao của chiến thắng, thầy giáo Võ Nguyên Giáp chỉ trả lời một câu duy nhất cho muôn ngàn câu hỏi về lý do thất bại của những viên tướng trên: “Các ông thất bại ở Việt Nam vì các ông không hiểu Việt Nam!”.

Và suốt 30 năm ròng, Thầy đã bền bỉ cắt nghĩa cụ thể và tỉ mỉ cho những đạo quân xâm lược hai từ “Việt Nam”. Bài học đó nước Pháp chưa quên và nước Mỹ cũng vẫn nhớ khi hội chứng cùng tên vẫn in hằn trong lòng xã hội quốc gia này.

2. Thầy Võ Nguyên Giáp còn dạy một bài học về sức mạnh của một dân tộc thuộc địa, chiến thắng Điện Biên Phủ là bài giảng dõng dạc nhất về sức mạnh của một dân tộc thuộc địa với khát khao mạnh mẽ và đấu tranh quyết liệt hoàn toàn có thể giành chiến thắng trước kẻ xâm lược hùng hậu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhiều quốc gia thuộc địa khác cũng đã lật đổ xiềng xích thực dân và giành độc lập. Cũng từ đó, chủ nghĩa Thực dân kiểu cũ sụp đổ trên toàn cầu, một dãy Domino. Bài học mang tính bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.

Ngay lúc qua đời, người thầy Đại tướng đã để lại một bài giảng thấm thía về tinh thần dân tộc, về sức mạnh đoàn kết khi con cháu Lạc Hồng nắm chặt tay nhau, quanh linh cữu Người. Mọi buồn phiền bực dọc nhau trong đời sống thường nhật bỗng chốc là thinh không trước nỗi đau chung. Nỗi đau vô tận.

Thầy đã mãi đi xa để lại trang giáo án là những ngày tháng hào hùng của lịch sử dân tộc.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm