110 tuổi Sa Pa còn không?

02/11/2013 08:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thị trấn miền núi xinh đẹp ở vùng Tây Bắc được người Pháp phát hiện trong quá trình điều tra về người dân tộc thiểu số vùng cao đang kỷ niệm 110 năm tồn tại với phần trọng lễ diễn ra từ 1-3/11/2013.

Các hoạt động kỷ niệm được bắt đầu từ 25/10 đến hết 3/11, nhưng rầm rộ nhất là trong 3 ngày từ 1-3/11. Tại đây sẽ có triển lãm Sa Pa - Hành trình vươn tới đô thị du lịch quốc gia; hội thảo quốc tế với chủ đề Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc miền núi gắn với phát triển sản phẩm du lịch bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa; chương trình du lịch khám phá Fansipan năm 2013; lễ khởi công xây dựng quần thể du lịch, ẩm thực, vui chơi, giải trí Fansipan; chương trình festival đường phố Sa Pa; chương trình khám phá di sản văn hóa các dân tộc Sa Pa; lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa; giao hữu quần vợt; bắn pháo hoa tầm trung và tái hiện hoạt động văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc ít người trong chương trình Đêm giao duyên tại khu vực sân quần vợt và vườn hoa Xuân Viên. Cũng trong dịp này, chính quyền Sa Pa sẽ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) sẽ chính thức công nhận kỷ lục Ô Quý Hồ là đèo dài nhất Việt Nam và Thửa ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất ở thôn Lùng Sung, xã Trung Chải (121 bậc).

Sự kiện đánh dấu sự ra đời của thị trấn Sa Pa diễn ra vào mùa Đông năm 1903, khi đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả khi họ đang tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ. Sau đó, người Pháp tiếp tục đến đây tìm hiểu về địa lý, khí hậu, thảm thực vật rồi xây dựng một khu điều dưỡng. Những biệt thự dần dần được mọc lên. Họ đã biến nơi đây thành một “thủ đô mùa Hè” của miền Bắc khi xây dựng cả tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và thành lập phòng du lịch. Qua mấy cuộc chiến tranh, Sa Pa từng bị phá hủy nhiều lần, rừng thông bao phủ thị trấn và những căn biệt thự Pháp cổ lần lượt biến mất. Những năm 1990, Sa Pa mới được tái thiết lại và trở thành điểm du lịch hấp dẫn của cả du khách nội địa lẫn khách du lịch nước ngoài.

Sa Pa thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên với thác Bạc, cầu Mây, cổng Trời, bãi đá cổ, ruộng bậc thang (được tạp chí du lịch Travel And Leisure của Mỹ bình chọn nằm trong Top 7 ruộng bậc thang đẹp và kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới vào năm 2009), hay đèo Ô Quý Hồ (được mạng thông tin du lịch quốc tế Globalgras Hopper khẳng định là 1 trong 10 danh thắng đẹp nhất Việt Nam)… mà còn bởi những nét văn hóa đặc sắc của người thiểu số sinh sống ở đây. Tuy nhiên, nếu cảnh quan Sa Pa ít nhiều vẫn còn giữ được sự quyến rũ thì văn hóa lại là thứ đã mai một. Không còn chợ tình đúng nghĩa, người dân tộc thiểu số ở Sa Pa đã sơ sài hóa những nghi thức đặc sắc và lẫn cả vào những người Kinh đến đây kiếm kế sinh nhai. Họ cũng tụ họp ở khắp các khu nhà nghỉ, khách sạn, resort để chèo kéo khách du lịch bán những món đồ Trung Quốc hoặc thậm chí để xin tiền…

Đến Sa Pa để thưởng thức những lễ hội được làm theo “công thức” của cả trăm lễ hội kỷ niệm thành lập đã và đang diễn ra từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, e rằng không phải lựa chọn của những du khách sành chơi. Khi quần thể du lịch, ẩm thực, vui chơi giải trí Fansipan được xây dựng, Sa Pa sẽ ra sao?

Chừng nào Sa Pa hiểu được Sa Pa được yêu là vì sự dung dị, trầm lắng với những gì vốn có, Sa Pa sẽ tồn tại mãi mãi với những ai đã từng đến đây và thu hút thêm nhiều du khách chưa từng đặt chân đến.

Nhật Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm