Dịch giả Lục Hương và "1Q84"

23/09/2012 10:19 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Vào ngày khai mạc Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế lần thứ tư (17/9), tại gian hàng của Nhã Nam, bên quầy trưng bày sách 1Q84, thấy dịch giả Lục Hương - một anh chàng mắt to, đeo kính cận, người dong dỏng gầy, cắm cúi viết lời đề tặng kèm chữ ký cho độc giả đang vây đông xung quanh. Hôm sau tới, anh chàng vẫn ngồi nguyên chỗ đó, lại hí hoáy ký tặng…

1. Dịch giả Lục Hương tên thật và đầy đủ là Nguyễn Xuân Minh, sinh năm 1985 tại Hà Nội. Thời cấp 3, Minh vốn là dân học khối A. Ngay từ khi vào lớp 10, anh đã xác định sẽ thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội với mơ ước trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, một nghề thật “hot” (theo anh), lúc bấy giờ.

“Tuy nhiên, ngoài các môn trong ban tự nhiên, tiếng Anh của tôi cũng tương đối khá, vậy nên khi đăng ký thi đại học, tôi thi thêm khối D, một phần vì thêm một cơ hội vào đại học, một phần vì thi cho biết. Tôi lại thích đọc truyện kiếm hiệp từ nhỏ, vì vậy, học tiếng Trung để có thể đọc được sách nguyên bản trở thành một lựa chọn không tồi. Kỳ thi năm đó, tôi trượt khối A và đỗ khối D vào trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự, vốn chỉ định học một năm rồi sẽ thi lại trường Bách Khoa, nhưng ngôn ngữ và văn chương cứ quấn chặt lấy mình lúc nào không biết”.

Minh bắt đầu dịch sách từ năm thứ hai đại học, mới đầu chỉ đăng lên một diễn đàn cho các bạn đọc, dịch thuần tuý chỉ vì thích và cũng như một hình thức để tăng khả năng ngoại ngữ của mình. Cũng nhờ bản dịch đó, “tôi quen với vợ của tôi bây giờ”.

Trước khi có bản dịch 1Q84, Minh đã chuyển ngữ rất nhiều đầu sách tiếng Trung được bạn đọc yêu thích: Tứ đại kỳ hiệp của Ôn Thụy An, Sinh năm 1980 của Từ Triệu Thọ, Bên cạnh thiên đường của Quản Ngai, Thất Dạ Tuyết của Thương Nguyệt, Gái Công Xưởng của Leslie T. Chang... đặc biệt là bộ tiểu thuyết Mật Mã Tây Tạng của Hà Mã và Ma thổi đèn của Thiên Hạ Bá Xướng.

2.1Q84, tác phẩm mới nhất của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami quả thực quá dày dặn. Bản dịch tiếng Việt cũng phải in tới ba tập, mỗi tập dày gần 500 trang, khổ 15x24cm.

Minh mất khoảng 10 tháng làm việc khá tập trung cho hai tập đầu của 1Q84, hầu như tối nào cũng làm việc khoảng ba tiếng.

Khi dịch tập một, anh đối chiếu hai bản tiếng Trung phồn thể và giản thể để đảm bảo có thể dịch một cách chính xác nhất. Đến khi dịch tập hai thì thật may, bản dịch tiếng Anh của Jay Rubin đã được xuất bản, anh có thêm một nguồn tham khảo nữa.

Sau khi dịch xong, bản dịch được biên tập đối chiếu 1:1 với bản tiếng Nhật để đảm bảo mức độ chính xác về ngữ nghĩa và văn phong. Sau đó, bản dịch này lại lần lượt qua tay các dịch giả “gạo cội” của Nhã Nam: Trần Tiễn Cao Đăng, Cao Việt Dũng, Trác Phong, Huyền Vũ biên tập để loại bỏ các lỗi tiếng Việt và những chỗ hành văn rề rà dài dòng khó tránh khỏi khi dịch qua bản tiếng Trung.

“Murakami Haruki là một trong những nhà văn yêu thích của tôi, vì vậy, đương nhiên tôi không thể bỏ qua tác phẩm của ông sau 5 năm “bế quan” được rồi”, dịch giả Lục Hương chia sẻ. “Bản dịch tiếng Trung (phồn thể của Lại Minh Châu xuất bản ở vùng lãnh thổ Đài Loan, giản thể của Thí Tiểu Vĩ xuất bản ở Trung Quốc đại Lục) có sớm hơn bản tiếng Anh của Jay Rubin và Philip Gabriel rất nhiều. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc một tác phẩm của Haruki Murakami qua bản tiếng Trung”.

Ban đầu, Nhã Nam dự định dịch trực tiếp 1Q84 từ bản tiếng Nhật, nhưng vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, không tìm được dịch giả tiếng Nhật cho cuốn sách. Trong thời điểm đó, bản tiếng Anh, tiếng Pháp lại chưa được xuất bản, mà thời hạn xuất bản sách lại cũng không còn nhiều.

“Cá nhân tôi cảm thấy, cả hai bản dịch tiếng Trung đều khá xuất sắc, đồng thời lại cũng rất thích Murakami, vì vậy mới quyết định xin nhận dịch 1Q84, đồng thời nhờ anh Lương Việt Dũng, một dịch giả tiếng Nhật rất xuất sắc hiệu đính qua bản tiếng Nhật” - Minh trả lời khi được hỏi vì sao lại chọn cuốn sách dày dặn như thế để dịch và lại dịch từ tiếng Trung.

Việc dịch qua bản tiếng Trung, một ngôn ngữ khá gần với tiếng Nhật có khá nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng có nhiều trở ngại đối với Minh. Thuận lợi ở chỗ, nhiều khái niệm văn hoá Á Đông, một số chữ tiếng Anh không thể dịch được mà buộc phải để phiên âm tiếng Nhật và đặc biệt, bản tiếng Trung không lược bỏ một số đoạn giống như bản tiếng Anh. Tuy nhiên, vì ngôn ngữ tiếng Trung khá rề rà, làm nhịp điệu câu chuyện chậm lại, nên việc xử lý câu chữ rất mất thời gian, và việc tìm đúng các tên riêng đã được phiên âm theo kiểu Trung Quốc cũng làm anh tốn không ít công sức.

“Tôi dịch cuốn sách này khi vợ đang mang bầu và sinh con nhỏ, nên cuộc sống cũng hơi có một số xáo trộn nhỏ. Nhưng rất may mắn, vợ tôi cũng thích văn chương, đặc biệt là Murakami nên rất ủng hộ tôi về mọi mặt” - Minh cười, đáp khi tôi tò mò về cuộc sống phía sau những trang sách dịch của anh – “Trong tương lai gần, tôi sẽ hoàn thành nốt tập 3 của bộ tiểu thuyết này, và một cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim rất nổi tiếng của nhà văn Đài Loan, Cửu Bả Đao: Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”.

Việt Quỳnh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm