Vũ điệu tử thần lập Hat-Trick!

08/11/2008 13:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đã là chuyện lạ ở Việt Nam khi "lần đầu tiên" trong làng văn, bộ phim Vũ điệu tử thần (đạo diễn Bùi Tấn Dũng) được nhà văn Trần Thanh Hà "chuyển thể" thành tiểu thuyết. Nhưng còn lạ hơn nữa khi tới đây nhà viết kịch Văn Sử sẽ góp phần giúp tác phẩm này lập nên một cú hat-trick khi tiếp tục đưa tiểu thuyết đó “quay ngược” lại với hình thức kịch bản sân khấu.

Hiện tại, kịch bản sân khấu Vũ điệu tử thần đã được hoàn thành và đang được thẩm định tại đoàn kịch nói Nam Định trước khi đưa vào dàn dựng.

Tác giả Văn Sử có cuộc trao đổi với TT&VH về vấn đề này.
 
 Nhà viết kịch Văn Sử
* Phải chăng, những thành công nhất định của Bùi Tuấn Dũng và Trần Thanh Hà đã khiến anh quyết định “tái sinh” Vũ điệu tử thần thêm một lần nữa?

- Tôi muốn nhìn mọi chuyện ở một góc độ khác: tính “hành động” của Vũ điệu tử thần. Lấy bối cảnh Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn là hư cấu, nhưng lại mang tính dự báo rất cao, khi nhắc tới khả năng tồn tại của những băng đảng kinh khủng như… maphia phương Tây, với những tội ác theo kiểu giết người hàng loạt, tổ chức tấn công cảnh sát… Câu chuyện ấy, cùng những yếu tố đặc biệt của nó, là điều đủ sức hấp dẫn khán giả, cho dù thuộc loại hình nào.

* Nhưng, việc Vũ điệu tử thần đã tồn tại ở “phiên bản điện ảnh” và “phiên bản tiểu thuyết” liệu có làm mất đi lượng khán giả của vở diễn không, theo anh?

- Với điều ấy, Trần Thanh Hà đã phải lo trước tôi rồi (cười). Từ kịch bản điện ảnh đã được dàn dựng của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, chị vẫn đủ tự tin để mượn ý tưởng và viết thành tiểu thuyết. Theo tôi biết, Vũ điệu tử thần của Hà cũng được độc giả đón nhận khá nhiệt tình và đến nay, sách đã được tái bản lại. Thật ra, trong đời sống nghệ thuật, có không ít tác phẩm từng tồn tại dưới đủ các dạng văn học, sân khấu và điện ảnh. Chẳng hạn, nhà văn Chu Lai vẫn thường tự chuyển thể các tiểu thuyết của mình thành kịch bản sân khấu hay điện ảnh. Chỉ khác, trong trường hợp này thì có tới 3 người tham gia vào các “phiên bản” của Vũ điệu tử thần thôi (cười)

Nói rộng ra, tôi tin rằng mỗi loại hình đều có một tiếng nói riêng. Giống như điện ảnh và văn học, sân khấu cũng có thế mạnh riêng về thể loại của mình.Ít nhất, nếu trao đổi, khán giả của mỗi loại hình sẽ có điều kiện so sánh và nhận biệt về sự riêng biệt của từng thủ pháp nghệ thuật trong sân khấu, điện ảnh hay văn học. Tôi nghĩ điều đó cũng thú vị đấy chứ.
Phim Vũ điệu tử thần
* Vậy, anh có thể nói qua về nội dung của kịch bản sân khấu này?

- Câu chuyện mang kết cấu của một vụ án hình sự. Những nhân vật trong kịch đều liên quan tới việc sản xuất một loại ma túy tổng hợp khiến người sử dụng quên hết mọi thứ và trượt vào lối sống thác loạn. Khởi điểm, loại ma túy ấy bắt đầu được đưa vào các vũ trường. Khi công an phát hiện và truy quét, những băng đảng tội ác bắt đầu trỗi dậy hoạt động. Chúng tổ chức những vụ giết hại nhân chứng, thách thức công an. Cuộc đấu trí diễn ra khá căng thẳng, nhất là khi phía tội phạm có cả những người nằm trong ban lãnh đạo chuyên án…

* Nghĩa là câu chuyện rất sát với cuốn tiểu thuyết của Trần Thanh Hà?
 
 Tiểu thuyết Vũ điệu tử thần
- Hà viết khá chặt chẽ và đã bao hàm nhiều yếu tố có thể đưa được lên sàn diễn. Gần như tôi không thêm bớt gì nhiều so với cốt truyện, chỉ cắt bớt những chi tiết thừa và làm kịch bản cô đọng hơn. Thay đổi cấu trúc của câu chuyện này thật ra cũng khó, bởi đó là cấu trúc của một vụ án.

* Tác giả Trần Thanh Hà nói gì với anh về kịch bản sân khấu này?

- Thú thật, chúng tôi mới chỉ trao đổi với nhau qua điện thoại. Một người bạn giới thiệu tôi với Hà. Sau một ngày suy nghĩ, Hà đồng ý để tôi sử dụng cuốn tiểu thuyết với lời nhắn: “em tin anh hoàn toàn, mọi việc anh cứ chủ động”. Đó cũng là lí do khiến tôi muốn giữ nguyên ý tưởng và câu chuyện của Hà ở mức cao nhất có thể.

* Anh đã hình dung kịch bản này khi đưa lên sân khấu sẽ có “bộ mặt” như thế nào chưa?

- Như đã nói, đây là một vở kịch thiên về hành động. Vở diễn có lẽ cũng không thể đi qúa sâu vào khai thác tâm lý nhân vật, bởi làm vậy sẽ pha loãng tính căng thẳng và diễn biến dồn dập của vụ án. Bằng hành động, tính cách và tâm trạng của nhân vật sẽ được bộc lộ tất cả.Với tính chất như thế, tôi nghĩ rằng những chi tiết như cảnh truy quét vũ trường, cảnh thác loạn của vũ nữ, cảnh đuổi bắt tội phạm… sẽ là đất để đạo diễn sáng tạo và thu hút độc giả. 

Hiện tại, khi lúng túng trong bài toán về thu hút người xem, nhiều tác giả và đạo diễn đã thử nghiệm đủ mọi hình thức thể hiện khác nhau cho vở diễn. Một số vở kịch ma của sân khấu phía Nam thời gian qua là những ví dụ điển hình. Tôi cũng chỉ viết Vũ điệu tử thần như một phép thử thôi, hiệu quả của nó còn ở phía trước…

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
 
Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm