Tình yêu ở lại với Phan Huỳnh Điểu

05/11/2009 10:54 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vào lúc 19h30 ngày 10/11/2009 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra live show Tình yêu ở lại của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Đêm nhạc này do Công ty FPT và VTV3 phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của nhạc sĩ. Có thể nói đây là live show cá nhân có nhiều NSND, NSƯT tham gia nhất: Quang Thọ, Doãn Tần (NSND), Măng Thị Hội, Quang Lý, Quang Huy, Dương Minh Đức, Hoàng Chè (NSƯT).

Người đã “tình ca hóa” thể loại hành khúc

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924, ở Đà Nẵng, là tác giả của rất nhiều bản tình ca nổi tiếng như: Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa Thu, Những ánh sao đêm, Tình trong lá thiếp... Tuy nhiên, bài hát làm nên tên tuổi của ông trong thời kỳ đầu mới sáng tác lại là một bài hành khúc. Năm 1945, hai sáng tác đáng chú ý của ông là Trầu cauĐoàn Giải phóng quân, tuy Trầu cau được xem là sáng tác đầu tay, nhưng Đoàn Giải phóng quân mới là bài hát làm nhiều người biết đến Phan Huỳnh Điểu với tư cách là một nhạc sĩ. Bài hát ra đời trong bối cảnh sau khi đất nước ta giành được độc lập, nhưng quân giặc lăm le quay lại xâm chiếm và những người thanh niên đang hăng hái lên đường để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ.

“Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui”, lời bài hát như chính lời thề của thế hệ thanh niên thời ấy, chúng được hát vang khắp nơi, đồng hành với các đoàn quân rầm rập lên đường để chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Sau bài hành khúc này, những sáng tác của ông đa số là những bản tình ca, nhưng những bài tình ca của Phan Huỳnh Điểu cũng rất đặc biệt: trong sáng, lãng mạn, sâu lắng... nhưng cũng đầy tinh thần cách mạng. Nói đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, công chúng âm nhạc không thể quên những giai điệu đầy sức cuốn hút của các bài hát như Bóng cây Kơnia, Thuyền và biển, Anh ở đầu sông em cuối sông...

Điều đặc biệt đối với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là ông đã “tình ca hóa” thể loại hành khúc, đem lại cho hành khúc cách mạng Việt Nam một nét mới lạ, độc đáo và hấp dẫn. Hai bài hát Hành khúc ngày và đêmCuộc đời vẫn đẹp sao là một minh chứng cụ thể cho điều này. Có thể nói đây cũng là một đóng góp giá trị của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xét ở khía cạnh học thuật.

Đêm nhạc Tình yêu ở lại

Đêm nhạc này được xem là tái hiện lại chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ngoài 3 bản hành khúc nổi tiếng ở 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ là Đoàn Giải phóng quân (1945), Cuộc đời vẫn đẹp sao (1971) và Hành khúc ngày và đêm (1972), đa số những bài hát còn lại là những bài tình ca nổi tiếng của ông. 2 nghệ sĩ được xem là người thể hiện thành công nhất 2 ca khúc Bóng cây Kơnia (NSƯT Măng Thị Hội) và Thư tình cuối mùa Thu (NSƯT Quang Lý) sẽ từ TP.HCM bay ra Hà Nội để thể hiện 2 ca khúc này. Rất tiếc, nghệ sĩ Vũ Dậu không có mặt để thể hiện các ca khúc như Đêm nay anh ở đâu, Những ánh sao đêm...

Theo chị Mai Thu Huyền, Tổng giám đốc FPT Media đồng thời là MC của chương trình thì: Đêm nhạc Tình yêu ở lại sẽ như một câu chuyện được kể bằng âm nhạc và hình ảnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và MC không ngồi trên sân khấu mà ngồi một địa điểm gần khán giả, hình ảnh được truyền lên 3 màn hình lớn trên sân khấu. Nhạc sĩ sẽ trò chuyện về sự ra đời, về những kỷ niệm của những bài hát... đan xen vào đó là những phóng sự ngắn, cảnh minh họa... Đêm nhạc như sự “tổng kết” cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với những bài hát đã đi vào lòng người trong nhiều năm qua...

Ngoài 2 NSƯT Măng Thị Hội và Quang Lý còn có những ca sĩ trẻ như Trọng Tấn, Khánh Linh, Phương Anh, Tân Nhàn, Anh Thơ... Đặc biệt tiết mục cuối cùng - Cuộc đời vẫn đẹp sao - là phần biểu diễn của 5 người “bạn già”: NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSƯT Quang Huy, NSƯT Dương Minh Đức và NSƯT Hoàng Chè.

Đêm nhạc Tình yêu ở lại hứa hẹn sẽ là một đêm nhạc để “nghe” đúng nghĩa, thỏa lòng mong đợi những người yêu mến ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

NSƯT Măng Thị Hội - người từng hát Bóng cây Kơnia hay nhất

      “Năm 1973 lần đầu tiên tôi hát Bóng cây Kơnia tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ khi vào sống tại TP.HCM (1977), tôi vẫn ao ước được một lần hát lại bài Bóng cây Kơnia cũng tại Nhà hát Lớn năm xưa, như một hình thức tỏ lòng tri ân vì đã “Uống nước nguồn miền Bắc”. Hơn 30 năm qua, giờ đây điều đó đã đến, tôi vô cùng xúc động và phấn khởi, tôi sẽ hát Bóng cây Kơnia với tất cả tình yêu của mình...”.


Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm