“Đụng hàng” nhạc Phạm Duy

09/11/2008 09:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua người nghe nhạc tha hồ… thưởng thức nhạc Phạm Duy, bởi gần như cùng thời điểm thị trường có đến 3 album nhạc Phạm: Kiếp nào có yêu nhau (Đức Tuấn), Cỏ hồng (Thanh Thúy) và Phạm Duy - Người từ trăm năm (Tấn Sơn). Tuy nhiên, nếu so với album của Đức Tuấn, album ra sớm nhất trong loạt 3 album nói trên, thì 2 album của Thanh Thúy và Tấn Sơn có đến gần một nửa số bài trùng lặp với album Đức Tuấn. Trên thị trường nhiều cạnh tranh như hiện nay, album nào sẽ nổi bật để người nghe lựa chọn hay cả 3 đều có những màu sắc riêng và đều thu hút người mua?
Album Người từ trăm năm (Tấn Sơn)
Tấn Sơn - nên dành tặng bạn bè...

Trước hết với Tấn Sơn, anh đã từng ra album nhạc Trịnh (Ru), tuy vậy giọng hát này vẫn là dân ngoại đạo bởi nghề của anh không phải là ca sĩ. Cũng có những trường hợp giọng nghiệp dư và bản năng (như Thủy Tiên hát nhạc Trịnh) song đã lôi cuốn người nghe bởi sự chân thành, mộc mạc trong diễn cảm (và một phần nào đó từ hoàn cảnh đặc biệt của người hát). Nhưng có lẽ Tấn Sơn không có được điều đó. Chất giọng Tấn Sơn cũng kha khá, nhưng là để hát 1, 2 bài mang tính chất văn nghệ. Còn để hát nguyên một album, sự đa dạng về màu sắc, về xúc cảm của nhiều bài hát (nhất là nhạc Phạm Duy), nếu không có sự diễn đạt tinh tế và những kỹ thuật thanh nhạc cần thiết, rất dễ lộ chất nghiệp dư của người hát. Trong album của Tấn Sơn, có những bài như: Nghìn trùng xa cách - cần sự tinh tế trong thể hiện cảm xúc; Tiếng đàn tôi - cần xử lý khéo léo của kỹ thuật, của chất giọng khi nhẹ nhàng, lả lướt trên nền tiết tấu tango... những điều này gần như vượt quá tầm đối với Tấn Sơn. Thêm vào đó, lối hòa âm không có gì mới mẻ, trong phối khí một số chỗ chuyển đoạn còn trúc trắc (bài Kỷ niệm) hoặc dàn dây (điện tử) có khi tắt đột ngột (chứ không nhỏ dần) tạo cảm giác hụt hẫng... Nhìn chung phần nhạc đệm chưa hỗ trợ tích cực cho giọng hát. Chất lượng âm thanh của album cũng không được tốt lắm. Có thể nói, nếu album này để tặng bạn bè thì “very good”, còn nếu để bán ra thị trường thì sản phẩm khó lòng chinh phục người mua. Ở đây cũng cần mở ngoặc để nói thêm một chút về trào lưu các doanh nhân mê ca hát ra album tương tự trường hợp Tấn Sơn. Một thời gian, việc ra album đã được “dân chủ hóa” tới mức không chỉ doanh nhân mà bất cứ ai có chút “kinh phí” và ham mê ca hát cũng có thể thực hiện, với mục đích vui là chính. Từ làm vui, làm quà tặng, thời gian gần đây, những album kiểu này đã ra mắt thị trường như một album chuyên nghiệp, có họp báo quảng bá đàng hoàng và được phát hành theo kênh chuyên nghiệp. Có thể hiểu trào lưu này sẽ làm đa dạng hóa thị trường ca nhạc, và cũng có thể hiểu nó sẽ làm nghiệp dư hóa thị trường băng đĩa vốn đã chưa thật sự chuyên nghiệp.

Thanh Thúy - một lựa chọn khác cho người nghe

Trong số 3 ca sĩ ra loạt 3 album nhạc Phạm Duy như đã nói trên, Thanh Thúy là ca sĩ nữ duy nhất, đây cũng là lợi thế của Thanh Thúy trong cuộc “cạnh tranh” này. Chất giọng của giải Nhất Tiếng hát Truyền hình TP.HCM 1994 này là chất thính phòng, khá phù hợp với những bài hát của Phạm Duy. Âm vực của giọng Thanh Thúy như đã thể hiện trong album này, có thể xếp vào loại giọng nữ trầm, nhưng chất giọng không dày mà mang chất thánh thót của giọng nữ cao. Điều này phần nào giúp album Cỏ hồng của Thanh Thúy có những nét khác biệt để tạo nên sự hấp dẫn.
Album Cỏ hồng (Thanh Thúy)
Với các bài hát trong album, Thanh Thúy đã thể hiện khá tốt, lời ca trong những giai điệu thong thả, chậm rãi được nắn nót “tròn vành rõ chữ” với việc xử lý chất giọng khá tinh tế. Đặc biệt trong bài Em lễ chùa này, cả phối khí và xử lý bài hát giữa các đoạn nhanh - chậm - nhanh khá hợp lý, tạo nên mạch cảm xúc âm nhạc logic, tạo được nét riêng cho mình. Phần phối khí, nhạc sĩ Bảo Chấn có lẽ với phương châm “dễ nghe” nên không có những mới mẻ mang tính đột phá nhằm tạo nét đặc sắc cho album như chủ ý của một số album khác. Các phần đệm vừa phải, đủ để làm nền cho giọng hát. Nhìn chung sự thể hiện của Thanh Thúy không phải dở nhưng cũng không quá xuất sắc, album có thể cũng là một lựa chọn của người nghe nếu muốn thưởng thức các ca khúc Phạm Duy với những thánh thót, nhẹ nhàng và trong trẻo của một giọng nữ.

Riêng với Thanh Thúy, album vol.3 Thúy hát với những bài pop và rock ballad trẻ trung nhưng cô cũng chưa thể “vút bay” với hướng lựa chọn này. Có thể với album Cỏ hồng (vol.4), trở lại với cách hát thính phòng, với những ca khúc mang tính chất thính phòng được xem là thời thượng, nó sẽ là mở đầu cho giai đọan sáng sủa hơn khi cô đầu tư vào những sản phẩm theo đúng sở trường của mình…

Đức Tuấn - “vượt qua chính mình” và... hấp dẫn

Trước hết, về lợi thế cạnh tranh trên thị trường, có lẽ Đức Tuấn có ưu thế nhất bởi anh được xem là giọng ca đã có “thương hiệu” đối với dòng nhạc trữ tình. Về thực lực, Đức Tuấn có giọng nam cao mang chất thính phòng khá đẹp, sang trọng và truyền cảm. Xử lý kỹ thuật tinh tế, có thể thể hiện những cảm xúc đa dạng. Nhiều ca khúc của Phạm Duy, giữa các đoạn nhạc là sự tương phản về cảm xúc, về nội tâm chứ không phải tương phản về tiết tấu, âm điệu... như thường thấy. Việc này Đức Tuấn thực hiện khá rõ nét và hiệu quả, điều mà không phải ai cũng làm được. Ngoài việc “chuyên trị” nhạc trữ tình nói chung, Đức Tuấn đã nhiều lần trình diễn ca khúc Phạm Duy và đã có một album Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy trước khi phát hành album Kiếp nào có yêu nhau lần này.
Album Kiếp nào có yêu nhau (Đức Tuấn)
Về giọng hát, nếu so với album trước, giọng của Đức Tuấn không có sự khác biệt mấy, có lẽ đã đạt đến một “ngưỡng” nhất định. Tuy nhiên về hiệu quả âm nhạc thì album Kiếp nào có yêu nhau có những khởi sắc. Nếu album trước (Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy) với việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc, và dùng một số hợp âm mang màu sắc Đông phương (như trong các bài Tình hoài hương, Đưa em tìm động hoa vàng), việc sử dụng các yếu tố mang màu sắc Việt Nam này chưa tạo được ấn tượng hoặc hiệu quả khả dĩ. Tuy nhiên, nhìn chung nếu phần phối khí của album trước, nó đã góp phần mang lại sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho các bài hát, thì album Kiếp nào có yêu nhau lần này, ngoài ban nhạc nhẹ, ban nhạc thính phòng và dàn hợp xướng đóng một vai trò đáng kể mang lại hiệu quả tương phản giữa cảm xúc nhẹ nhàng và kịch tính. Những cảm xúc nội tâm sâu lắng được thể hiện ở tầm mức “hoành tráng” hơn như trong các bài: Con đường tình ta đi, Chuyện tình buồn, Phượng yêu... Các bài hát:Nha trang ngày về, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, giai điệu ở điệp khúc gần như vẫn dùng âm hình tiết tấu cũ trước đó, nhưng hợp xướng và dàn nhạc đã làm “bùng cháy” cảm xúc tạo nên sự tương phản với đoạn nhạc trước.

Thành công của Kiếp nào có yêu nhau, ngoài giọng ca của Đức Tuấn, sự đóng góp của hòa âm phối khí là rất lớn. Đó là việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc nhẹ và thính phòng, việc sử dụng những vocal nữ (bài Phượng yêu, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà) đúng chỗ tạo nên sự phong phú về màu sắc đối với một album nam ca sĩ, việc dùng những âm hình đệm mới lạ gây ấn tượng (Nha Trang ngày về)... Tất cả những điều đó đã giúp Đức Tuấn “vượt qua chính mình” so với album nhạc Phạm Duy trước đó để tạo thêm một album nhạc Phạm Duy khá hấp dẫn.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm