NSND Quý Dương: Người đi, tiếng hát còn chưa dứt

01/07/2011 10:50 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Quý Dương, ca sĩ giọng nam cao quý hiếm, người học và hát opera đầu tiên ở Việt Nam, đã ngưng đập trái tim yêu thương lúc 13 giờ 45 ngày 28/6. Những ngày buồn vừa qua, chim vẫn về hót vườn nhà ông, như tiếng hát Quý Dương đang vút lên trong trí nhớ công chúng, bạn bè khắp chốn.

Với đa số khán giả, việc gặp người nổi tiếng trong đời thường không dễ. Tôi lại thường có dịp “cận cảnh” họ mỗi ngày, tự hào về những hàng xóm tiếng tăm, bởi hơn 30 năm sống tại Khu văn công Cầu Giấy, nơi cư ngụ của nhiều nghệ sĩ. Trong số ấy, được đông đảo bà con hâm mộ lâu bền, là NSND Quý Dương.

Không mở lớp nhưng rất đông học trò Thỉnh thoảng, tôi lại gặp ông cùng vợ đi bộ thể dục về, mặc soóc trắng, bata trắng, lúc nào mặt cũng tươi. Cách đây 1 tháng, tôi gặp bà nhà đẩy ông trên xe lăn, qua con đường lớn giữa khu đã thành chợ cóc mỗi sáng từ lâu. Lúc ấy, thần sắc Quý Dương sa sút. Chỉ thế, ông mới chịu dừng dạy hát tại nhà.


Quý Dương lần cuối trên sân khấu (Nhà hát TP.HCM, 2006)

NSND Phạm Quý Dương sinh năm 1937, quê Gia Lâm, Hà Nội. Tang lễ NSND Quý Dương từ 10 đến 12 giờ sáng nay, thứ Sáu, 1/7/2011 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 - Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. An táng tại nghĩa trang Yên Kỳ, Ba Vì, Hà Nội.

Nhà số 45 của vợ chồng NSND Quý Dương gần cuối con ngõ rợp xanh hương hoa mát lành. Không mở lớp nhưng rất đông học trò tìm đến học ông, cả sinh viên Nhạc viện lẫn người học cho vui, học chơi, ông đều tận tình dạy dỗ bằng hết tâm huyết. Hai cô giáo cũ của tôi: Lương Quỳnh Khuê và Trần Thị Trâm (PGS, TS - Học viện Báo chí Tuyên truyền) theo học ông từ 2007, tuần 1 buổi 1 tiếng. Cô Trâm kể: “Anh Quý Dương chơi piano, hát mẫu, sửa lần lượt từng người từ lúc luyện thanh tới khi hát các bài dân ca, nhạc nhẹ và cả ca khúc Ý do thầy dạy. Anh không thu học phí của ai. Học trò tự đưa bồi dưỡng tùy tâm. Ông Kerry Growes, Tham tán (AusAID - cơ quan hợp tác phát triển) Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vẫn đi taxi đến học đều, tiến bộ tới mức tự tin lên ti vi hát, mặc áo the khăn xếp. Một năm nay, thầy yếu nhiều nên không thị phạm được, chỉ nghe và chỉnh. Chúng tôi đã ngừng học nhưng vẫn đến chơi nhà, thăm khi đau ốm. Người nghiêm túc hết mình như Quý Dương vô cùng hiếm”.

“Ngoại hình thuộc hàng đẹp nhất”

Bất giác vang lên trong tâm trí tôi giọng Quý Dương: “Vì đường gian lao mà đôi chân thêm khỏe” (Tấm áo mẹ vá năm xưa, Nguyễn Văn Tý), bài hát ông đã làm rơi lệ bao bà mẹ, người vợ hậu phương và chiến sĩ. Cảnh Quý Dương ngồi xe lăn mờ chồng sau lớp lớp hình ảnh ông đạp rừng xông pha tới các mặt trận ác liệt Trường Sơn và Nam Lào thời chống Mỹ hát phục vụ bộ đội. Đôi chân bước dài lên các sân khấu trong, ngoài nước, sang trọng và lịch lãm.

Chàng trai Hà Nội Quý Dương hơn nửa thế kỷ trước dấn thân nghiệp cầm ca và tỏa sáng bởi tài sắc vẹn toàn, ông là nam ca sĩ có ngoại hình thuộc hàng đẹp nhất trong các ca sĩ cách mạng VN thế kỷ 20, là thầy của nhiều ca sĩ thành danh: Ngọc Tân, Trung Đức, Bích Việt, Phương Thảo...

Và, khi giọng tenor ấy vút từ “cổ họng bằng nhung” những giai điệu VN và quốc tế, suối âm thanh trong vắt, tình tứ, êm mượt như tuôn cùng ánh sáng, cho người nghe bay lên! Xem Quý Dương biểu diễn, khán giả luôn bị cuốn hút. Sân khấu có Quý Dương luôn giữ chân khán giả, bởi người ca sĩ kia là thanh nam châm 1m71 quyến rũ vô cùng. Duyên dáng, hào hoa, cười cả mắt, mà khi thể hiện bài sâu lắng, những aria cực khó, các vai chính ở các vở opera kinh điển, thì đôi mắt ấy lại đẫm tình làm sao! Giọng nói Quý Dương trong đời thường giàu nhạc cảm, điều không phải ca sĩ nào cũng có. Khán giả nữ các thế hệ, xem Quý Dương, dễ bị “mê”. Cái sự mê, cảm liên hoàn bởi chất giọng, hình thức, phong cách và lối sống tình cảm chan hòa.


Vợ chồng NSND Quý Dương và con cháu. Ảnh: Bình Minh

“Người học trò may mắn”

Người tài lại đẹp trai như ông, nhiều đồng nghiệp, học trò yêu quí là tất yếu. Vợ ông chính là một học trò may mắn. Quê gốc Thanh Hóa, bà Lê Anh Thư vốn là ca sĩ Đoàn Công an nhân dân. Để lấy được ông, bà phải chuyển ngành. Người phụ nữ bé nhỏ ấy, vì yêu say Quý Dương, chấp nhận làm công nhân ép cao su rồi mới sang đội văn công ngành đường sắt.

Chiều 28/6, tôi qua nhà ông. Bàn thờ bày trái cây, khung ảnh trống đợi ảnh sau tang lễ. Đầy ảnh ông tươi cười trong các album, mỗi căn phòng, trên tấm ảnh cả gia đình phóng lớn treo tường, mà ông không còn đây nữa. Bà Lê Anh Thư nước mắt chứa chan, mỗi khi có điện thoại gọi đến chia buồn, lại nức nở. “Cháu soạn tin ngày giờ mất và tang lễ rồi lưu lại máy này cho bác!”, bác Thư đưa tôi máy di động của chồng. Chiếc Nokia cũ bàn phím sờn mờ hết chữ số, pin sắp cạn. Tin nhắn nhiều ứ. “Bác trai chỉ dùng để nghe - gọi, không biết đọc, nhắn tin”. Điện thoại được xếp vào túi đồ mà bà Thư luống cuống thu xếp “gửi theo” người chồng: pijama, complet, dép trong nhà, giày da, khăn mặt, bàn chải...

40 năm sống bên nhau, bà chăm chút chiều chồng, lo từng bộ quần áo, chuẩn bị nước tắm gội từ khi ông còn trẻ. Nghiệp diễn chuộng hình thức, vì giản dị hay “cậy” đẹp sẵn, mà Quý Dương không “ăn chơi” trưng diện, bởi việc mua sắm toàn do bà Thư đảm trách. Ông chỉ cầu kỳ trong âm nhạc. Vóc dáng và khuôn mặt ấy, vẫn sáng và nổi bật dù mặc quần áo bình thường.

Theo bà Thư, Quý Dương có tiêu chuẩn tại nghĩa trang Thanh Tước nhưng bà quyết định để ông yên nghỉ tại Yên Kỳ, nơi có mộ phần họ hàng hai bên. “Chúng tôi chưa một lần được du lịch cùng nhau. Sang Mỹ thăm con 3 lần cũng đi lần lượt vì phải trông nhà. Đưa anh ấy lên Yên Kỳ, tôi đã chuẩn bị sau này cũng nằm tại đó. Chết rồi chúng tôi mới chu du bên nhau”.

Yêu âm nhạc đến hơi thở cuối

NSND Quý Dương không chỉ cống hiến sự nghiệp âm nhạc, mà còn đóng góp 4 người con theo nghệ thuật. Con gái cả Lan Hương, học ĐH Ngoại ngữ hiện dạy organ, con trai Chí Trung là Trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ - là con người vợ đầu, nghệ sĩ cello Phạm Thúy Lan. Hai con của ông với bà Anh Thư đều là thạc sĩ piano: chị Quỳnh Trang (1971) là giảng viên Học viện Âm nhạc QG VN, nơi bố từng dạy thanh nhạc; anh Phạm Lê Phương (1978) dạy tại Chicago, Mỹ, vừa về chịu tang cha.

Bảo vệ lá phổi, thanh quản tránh xa nicotine, mà cuối đời phổi yếu vì có dịch khiến ông không hát được khi cần. Hễ hút dịch về thì ông lại hát. Bệnh viện là chốn ra vào thường xuyên của ông trong thập niên cuối cùng. Ở đó, ông được ưu đãi bởi sự quan tâm của các bác sĩ, y tá hâm mộ. Trái tim ông phải đặt stent (thiết bị làm giãn mạch để máu chảy qua) tại BV Bạch Mai chưa hết một mùa thì ngừng, dù khao khát nhịp thiết tha sự sống.

Thiết tha, như những bài ca ông đã hát suốt cuộc đời mình. Từ Paris, danh ca Lệ Quyên bồi hồi: “Quý Dương có giọng tenor hiếm, ấm cao vút, rất tình. Ông hút hồn khán giả lẫn bạn nghề bởi chất giọng, bởi đôi mắt đẹp, diễn rất có duyên”.

70 tuổi, ông vẫn lên sân khấu. Bộ ba giọng ca vàng Quý Dương - Trần Hiếu - Trung Kiên hát bè Chiều hải cảng là tiết mục để đời cho một bài hát Nga bất hủ.

Yêu âm nhạc đến hơi thở cuối, linh hồn Quý Dương sẽ siêu thoát lãng du thiên đường như lúc sống, ông đã thăng hoa và tỏa sáng ở thánh đường sân khấu. Sự ra đi của danh ca Quý Dương cuối tháng 6, làm tôi liên tưởng tùy bút Tháng Sáu của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai: “Đỗ vũ, đỗ quyên, tử quy, là con chim cuốc, miệng lớn, đuôi dài, cứ hết Xuân sang Hạ thì kêu ra rả, kêu dữ nhất vào tháng Sáu, kêu hết mùa Hạ thì thổ máu ra mà chết”.

Quý Dương đã đến tận cùng mà chưa muốn hết tiếng hát đời.



Tam ca "3C" trong đêm diễn ngày 8/3/1999 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán




Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm