20 năm và một tình yêu người lính

22/12/2012 08:03 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay 22/12, Quân đội Nhân dân Việt Nam kỷ niệm 68 năm thành lập cũng là ngày CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ kỷ niệm 20 năm hình thành. Nhân dịp này, CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ cùng lúc tổ chức hai cuộc triển lãm Ánh sáng thépTrường Sa qua ống kính nhiếp ảnh chiến sĩ tại trung tâm Q.1, TP.HCM.

Điều đáng ghi nhận của CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ là các thành viên tham gia sáng tác về hình ảnh người lính đều hoàn toàn tự lực chứ không hao tổn “cây kim, sợi chỉ” nào của Nhà nước và nhân dân. Trong khi đó rất nhiều hội nghệ thuật khác, ví dụ như Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đã được Chính phủ đầu tư 65 tỷ đồng để các nhà văn sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ có sự tham gia của các tay máy gạo cội bước ra từ chiến tranh và nay họ tiếp tục sáng tác về người lính trong thời bình một cách vô tư, trong sáng.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh, Đại tá Đoàn Hoài Trung, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ.

* Được biết ngày 22/12 năm nay CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ tròn 20 tuổi, long trọng tổ chức lễ tại Nhà hát Quân đội TP.HCM, đồng thời khai mạc triển lãm ảnh Ánh sáng thép và Trường Sa qua ống kính nhiếp ảnh chiến sĩ. Xin anh cho biết tiêu chí hoạt động của CLB?

- Thành lập ngày 22/12/1992, đến nay CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ bước sang tuổi 20. CLB là một tổ chức thành viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM, CLB được Ban Đại diện phía Nam báo Quân đội Nhân dân sáng lập và bảo trợ với sự tham gia của các nhà nhiếp ảnh đã hoặc đang mặc áo lính.

NSNA Đoàn Hoài Trung đi tác nghiệp tại Trường Sa

Mục tiêu của CLB là sáng tác ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang (LLVT) và các đề tài khác; động viên, khích lệ phong trào nhiếp ảnh ở các đơn vị quân đội; có nhiều tác phẩm ảnh đăng các báo trung ương và địa phương, đồng thời  tham gia triển lãm, dự thi ở các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.

Nhân kỷ niệm 20 năm, CLB đã ra quyển sách ảnh thời sự nghệ thuật Ánh sáng thép. Cuốn sách này vinh dự được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng viết lời tựa. Sách ảnh gồm 171 tác phẩm ảnh về các hoạt động quốc phòng của các hội viên CLB dày 216 trang với kích thước 25cmx25 cm.

Nhiều người thắc mắc về cụm từ Ánh sáng thép. Theo chúng tôi, “ánh sáng” chính là nhiếp ảnh, những người cầm máy ảnh hiểu rất rõ “chơi” nhiếp ảnh, nghĩa là “chơi” ánh sáng, người nào chơi giỏi ánh sáng trong nhiếp ảnh thì người đó sẽ có những tác phẩm độc đáo. Còn chữ “thép” ở đây với nghĩa bóng chỉ LLVT. “Ánh sáng thép” đó chính là tiêu chí của CLB sáng tác nhiều ảnh nghệ thuật đẹp về LLVT và khắc họa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ hôm nay.

* CLB trực thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM nhưng đến nay hội viên đã mở rộng ra cả nước với rất nhiều tay máy đang là quân nhân. Xin anh cho biết CLB đã đóng góp gì trong việc xây dựng hình ảnh người lính thời bình nói riêng và nghệ thuật nhiếp ảnh nói chung?

- Từ khi ra đời đến nay, CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ đã có vai trò tích cực trong Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM nói riêng và lĩnh vực nhiếp ảnh nói chung, đặc biệt là mảng ảnh về LLVT. Các hội viên đã đoạt hàng chục giải thưởng nhiếp ảnh trong các cuộc thi, đặc biệt các cuộc thi ảnh về LLVT do Bộ Quốc phòng tổ chức, hội viên CLB đoạt hầu hết các giải cao. CLB đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh giới thiệu hình ảnh đẹp về LLVT đến đồng bào TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Riêng năm nay, nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập QĐND, CLB có 2 triển lãm ảnh ngay trung tâm TP.HCM là Ánh sáng thép gồm 68 ảnh dọc đường Đồng Khởi và Trường Sa qua ống kính nhiếp ảnh chiến sĩ cũng gồm 68 ảnh ở công viên Chi Lăng, Q.1, TP.HCM . CLB đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND TP.HCM, Tổng cục Chính trị, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM, Hội Cựu chiến binh Việt Nam…

DK1 - Cột mốc chủ quyền biển Tây Nam, giải Nhì Bộ Quốc phòng 2009 của Đoàn Hoài Trung tại triển lãm Trường Sa qua ống kính Nhiếp ảnh chiến sĩ

* Một thế hệ cầm máy thời chiến hay còn gọi là phóng viên ảnh chiến trường đã tạo được nhiều dấu son trong nhiếp ảnh, thế hệ của anh có những thuận lợi và khó khăn gì so với thời các bậc tiền bối?

- Đúng là các thế hệ cầm máy đi trước đã có những khoảnh khắc bi hùng ở chiến trường để tạo nên những dấu son trong nhiếp ảnh. Ví như NSNA Đoàn Công Tính với những khoảnh khắc trên chiến trường Quảng Trị đã làm nên tên tuổi “vua” ảnh chiến trường Đoàn Công Tính. Ông hiện nay cũng đang là hội viên CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ. Tuy không có những thời khắc như vậy, nhưng những sự kiện trong đời sống hằng ngày vẫn cuồn cuộn chảy, là mạch nguồn để cho các nghệ sĩ chiến sĩ sáng tác. Thuận lợi cơ bản cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh ngày nay là thiết bị máy ảnh ngày một hiện đại, các chương trình phần mềm xử lý ảnh ngày một đổi mới. Song để ghi được dấu son trong một cuộc thi không phải dễ dàng, vì người chơi ảnh ngày một nhiều.

* Với những người cầm máy ngoài quân đội nhưng muốn tham gia sáng tác về người lính cụ Hồ, CLB có sẵn sàng mở rộng cửa tiếp đón họ hay không? Và những điều kiện để tham gia CLB này sẽ phải cần những gì, thưa anh?

- Hiện nay thành phần CLB rất đa dạng, có người là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM và các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, luật gia, doanh nghiệp cũng như có cả tướng lĩnh quân đội.

CLB sẵn sàng tiếp nhận hội viên mới, tiêu chí của CLB trước hết phải yêu mến người lính và phải có những tác phẩm đẹp về LLVT. Để trở thành hội viên mới cần có 2 người giới thiệu, trình làng ít nhất 10 tác phẩm đẹp. Được Ban chủ nhiệm họp đồng ý và trong lễ kết nạp phải có mặt tại CLB.

Trạc Tuyền (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm