Giữ lễ và vô lễ trong lễ hội tâm linh

01/03/2013 09:44 GMT+7

Vì sao hết mùa lễ hội năm này đến năm khác và riêng mùa rằm tháng giêng Quý Tỵ này, những biểu hiện thất lễ, vô lễ ở các thánh tích linh thiêng lại càng trầm trọng? Không ai không đau giận khi chứng kiến một số tín đồ vừa cúi lạy cầu xin rất là thành kính nhưng tức thì lại côn đồ vô lễ nhào lên cướp ấn đền Trần, xả tiền như rác đầy Văn Miếu, chùa lớn chùa nhỏ bỗng nhiên thành thùng rác đầy tiền lẻ và tiền vàng mã, đồ cúng...

Có người biện minh rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn, đạo đức xã hội hỗn mang, niềm tin của nhiều người trở nên chông chênh, bất định nên họ khẩn thiết cầu cho mình và gia đình sự phù hộ của giới thiêng linh. Nhu cầu hướng vọng thiêng tâm là nhu cầu chính đáng của con người, nhưng đừng biện minh cho thái độ cầu xin bằng mọi giá, kể cả việc phơi bày hành vi vô lễ trước cộng đồng và vô lễ với chư vị cõi thiên.

Lỗi ở đâu?

Lỗi không phải tại đền chùa miếu phủ. Lỗi không phải tại lễ hội. Lỗi không phải tại bộ Văn hoá – thể thao và du lịch. Lỗi không phải tại những người đến lễ hội.

Là bởi người ta đến với lễ hội không để tham gia thực hành thụ hưởng văn hoá mà chỉ xin xỏ, cầu cạnh mua thần bán thánh… tức là chẳng có, chẳng cầu văn hoá gì cả. Mười người đi lễ hội thì chín người rưỡi như vậy, đông đúc như vậy, khách hàng của lễ hội lớn như vậy nên những người tổ chức lễ hội cũng bắt buộc đẻ ra các “loại dịch vụ tín ngưỡng” để thoả mãn nhu cầu xin xỏ, mua bán của khách hàng – lễ hội.

Không có, không cầu văn hoá, cả một xã hội chạy theo đồng tiền và danh vọng, chen chúc, tranh giành, giẫm đạp lên nhau để có tiền, có danh. Họ mất hết niềm tin vào mình và vào cuộc sống thì mới đi lễ để xin xỏ thần thánh. Xin được có nhiều tiền, nhiều danh.

Thực là một cú trượt dài đến mức thảm bại của văn hoá Việt. Sao người Việt Nam hôm nay lại đến nông nỗi này? Thê thảm quá. Nếu đền Bà Chúa Kho cho vay văn hoá thì có đông người đến lễ không?

Nếu đền Trần ở Nam Định phát ấn, ai có ấn đó sẽ có thêm văn hoá thì liệu còn cảnh mua bán ấn, chen chúc giành giật, giẫm đạp lên nhau để cướp ấn không? Cả một thời gian dài người ta không coi trọng văn hoá, mặt bằng văn hoá của xã hội bị tụt xuống nên mới xảy ra thực trạng tê buốt này. Cái lỗi, là ở đấy.

Lê Thiết Cương

Trong cộng đồng văn minh, cả người duy tâm và không duy tâm đều coi việc giữ lễ ở nơi công cộng là chuẩn mực phẩm giá. Ở nơi chốn phụng thờ của mọi đức tin, mọi tôn giáo, chuẩn mực giữ lễ càng nghiêm hơn để làm sáng danh đức tin và phẩm hạnh. Cái được lớn nhất của người hành hương đến đền, chùa, miếu, am... là sửa mình giữ lễ để sự nguyện cầu có sức mạnh chân thành mà chuyển hoá ứng nghiệm.

Nhưng hơn hết, việc sửa mình giữ lễ ở chốn linh thiêng còn là việc thực thi giá trị văn hoá cao nhất của con người. Một thanh niên ở Chợ Lớn cho biết từ bé anh đã được cha mẹ đưa đi chùa miếu suốt từ tết đến rằm tháng giêng; lúc nhỏ anh thấy rất chán, nhưng bây giờ thì hiểu nhờ đi chùa từ bé mà anh học được từng lời văn đức cầu nguyện, từ lễ vật cúng dường, từng cách đi, đứng, quỳ, lạy... đúng lễ đức ở chốn thiêng nghiêm. Sửa mình giữ lễ ở nơi thiêng nghiêm còn là sự trao truyền cho thế hệ kế tục những giá trị tinh tuý của văn hoá và đức tin.

Nếu thế hệ hôm nay không thực hiện trách nhiệm giữ lễ, sửa mình trong các lễ hội văn hoá tâm linh; nếu cứ để tình trạng giẫm đạp lên những chuẩn mực lễ giáo như hốt cướp thánh tích, dán tiền thật, xả vàng mã lên tượng thánh thần... nhằm phục vụ cho chuyện xin cầu ích kỷ cá nhân thì ai cũng biết lễ hội tâm linh ở xứ ta trong tương lai có nguy cơ sẽ là một thứ lễ hoạ phỉ báng thánh thần, tổ tông.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những lễ hội tâm linh với màu sắc văn hoá riêng, mỗi lễ hội là cách giới thiệu bản sắc cộng đồng dân tộc ra thế giới và sự kính trọng ngưỡng vọng chỉ có nếu những người đi lễ hội biết giữ lễ đức của mình, giữ lễ quy cho cộng đồng và lễ thiêng nghiêm cho đức tin. Ai cũng có thể cầu xin thánh thần, nhưng chỉ người biết giữ lễ đức nơi phụng thờ của cộng đồng mới được cả cõi trời, cõi người và cõi ngạ quỷ tôn trọng phù hộ.

Thương mại hoá “mùa lễ hội”

Không biết từ bao giờ, khoảng thời gian sau tết âm lịch kéo dài qua hết tháng 2, tháng 3 thậm chí qua tới tháng 4, được gọi là “mùa lễ hội”. Chỉ biết khoảng mươi năm nay, lễ hội bỗng dưng nở rộ dồn dập, khi mà cơ cấu thời gian hiện nay của xã hội đã là thời gian công nghiệp và đô thị. Hơn 800 lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh (chưa tính những lễ hội chưa được thống kê) diễn ra trong khoảng ba tháng, tức là một phần tư của một năm, lại là quý đầu năm, thời điểm cần phải bắt đầu, khởi động kế hoạch của một năm mới. Thử thống kê số lượng người đến các lễ hội này bao nhiêu phần trăm là công chức nhà nước? Chắc chắn là một tỷ lệ không nhỏ, bởi vì, ngoài việc đi lễ hội để thoả mãn tâm lý “cầu cạnh” các vị thánh thần ban cho tài lộc chức tước thì việc công chức viên chức nghỉ việc đi lễ hội có bị trừ mất đồng lương nào đâu (và thu nhập thêm, nếu có), thậm chí còn “trốn” được nhiều việc mà… không làm cũng chẳng ai chết (“dân có cần nhưng quan chưa vội” – ca dao mới)

Chưa nói đến những giá trị đích thực của các lễ hội còn hay mất, chưa nói đến hình thức các lễ hội còn là truyền thống hay không, chỉ cần nhìn hiện tượng các địa phương đua nhau “nâng cấp” lễ hội cả về quy mô và hình thức, có thể nhận biết mục đích chính của hiện tượng lễ hội được tổ chức tràn lan đến mức không kiểm soát được, như thừa nhận của ngành văn hoá: thực chất ở rất nhiều lễ hội đó là sự thương mại hoá. Không thể phủ nhận, khi lễ hội trở thành một sản phẩm văn hoá thì mục đích thương mại không thể không đặt ra, nhưng mục đích thương mại phải đặt sau, đặt dưới mục đích bảo tồn giá trị văn hoá của lễ hội, tức là bảo tồn di sản văn hoá cho đời sau, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam đến thế giới.

Việc các phương tiện thông tin và ngành du lịch đua nhau quảng bá rầm rộ về “mùa lễ hội” cũng góp phần kích thích tâm lý “lễ hội” của người dân và xu hướng thương mại hoá các lễ hội.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm