Trường mầm non nơi đảo xa

21/03/2013 11:41 GMT+7 | Giáo dục

Vì sự nghiệp trồng người cao cả, nhiều thầy cô đã không quản ngại gian khổ vượt sóng, vượt gió để đến với những trường học ở biển đảo xa xôi.

Ngày ngày, sống chung với những khó khăn thiếu thốn nhưng họ vẫn kiên trì bám lớp, bám trường với niềm tin mang con chữ đến với con em ngoài đảo. Những hi sinh thầm lặng ấy được bù đắp khi chứng kiến học trò của mình ngày càng lớn khôn.

Giờ học của cô và trò ở Trường mầm non xã đảo Ngọc Vừng

Tiếng con khóc đêm làm các mẹ rơi lệ

Chuyến tàu từ Vân Đồn ra xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) hôm ấy có một vị khách đặc biệt. Trong vòng tay mẹ, bé Trần Ánh Thư khóc nấc mỗi khi con tàu nghiêng ngả vì sóng lớn. Mới bốn tháng tuổi nhưng em đã theo mẹ ra với đảo xa. Mẹ em – cô giáo mầm non Trương Thị Tâm ngồi ôm con mà không cầm nổi nước mắt. Sau khi nghỉ chế độ thai sản, dặn chồng ở nhà chăm sóc đứa con trai đầu lòng, còn chị đưa cô con gái mới sinh ra đảo vì cháu còn nhỏ, cần có sự chăm sóc của mẹ. Bà con trên chuyến tàu, ai cũng cố gắng nựng yêu, dỗ dành để Ánh Thư thôi khóc, cũng để chia sẻ, đồng cảm với nỗi vất vả của cô giáo khi rời đất liền ra với biển đảo xa xôi.

Về trường học, nhìn những khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ của học trò, bao nhiêu mệt mỏi của một hành trình dài với cô giáo Tâm đã tan biến. Đám trẻ ríu rít gọi cô, gọi em bé. Các cô giáo ở trường mỗi người một việc, từ dỗ dành bé đến dọn dẹp phòng ở để đón thành viên mới. Những em nhỏ “ công tác” theo mẹ đã là một phần cuộc sống của các cô giáo trường mầm non xã đảo Ngọc Vừng. Chẳng ai phải bảo ai, các cô giáo cùng nhau làm vai trò của người mẹ hiền để bù đắp phần nào những thiệt thòi của các em khi đến với cuộc sống đảo xa.

Gian phòng chật chội cạnh lớp học là nơi sinh hoạt, làm việc của bốn cô giáo sau những giờ lên lớp, đồ đạc được bố trí khoa học, ngăn nắp. Giờ có thêm thành viên mới nữa là năm. Những đêm đầu đến với đảo, mới mấy tháng tuổi bé Ánh Thư chưa quen với sự thay đổi môi trường sống, cứ nóng sốt, quấy khóc suốt. Đêm đến, không có điện, các cô lại truyền tay nhau cái quạt nan để quạt cho cháu ngủ. Nghe tiếng cháu khóc giữa đêm vắng mà các mẹ đều rơi lệ.

Hằng ngày, các cô giáo đã quá quen với những ánh đèn dầu, chiếc quạt nan hay việc chắt từng ca nước ngọt. Vượt lên những khó khăn ấy, các cô luôn biết dựa vào nhau để vươn lên trong công việc cũng như trong cuộc sống. Từ chia sẻ những tâm tư tình cảm, chia sẻ những khó khăn về vật chất đến việc giúp nhau cùng tiến bộ trong công tác giảng dạy. Căn phòng nhỏ chật chội luôn có một không khí ấm cúng một gia đình là chỗ dựa để các cô vượt lên những khó khăn cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vững niềm tin vì tiếng cười trẻ thơ

Những khó khăn trong cuộc sống không làm các cô giáo đảo xa nản lòng. Hằng ngày, các cô vẫn đứng lớp, lấy tiếng cười vui của học trò làm động lực để vươn lên. Cô giáo Hoàng Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Vừng không giấu niềm tự hào khi kể về thành tích trường nhiều năm liền vận động được 100% các em trong độ tuổi đến trường. Cô chia sẻ “Từ khi lọt lòng mẹ, các em ở đây đã sống trong cảnh đèn dầu thắp sáng, quạt nan phẩy mỏi tay. Nhiều em còn nhỏ đã được bố mẹ cho lên tàu ra biển, đánh bắt hải sản kiếm kế sinh nhai. Các cô giáo trong trường phải đi đến từng nhà vận động, một lần chưa được thì hai, hai lần chưa được thì tiếp tục vận động. Cuối cùng các bậc phụ huynh đều đồng ý cho các con đi học. Các em có mặt vui đùa trong lớp là thành tích lớn nhất đối với các cô rồi”.

Như mới hôm qua thôi, mà giờ ngẫm lại, cô giáo sinh năm 1990 Lê Thị Thùy giật mình khi thời gian công tác của mình ở đảo đã hơn hai năm. Nhớ ngày chia tay chúng bạn để ra đảo nhận công tác, ai cũng bảo Thùy sướng vì được làm đúng chuyên ngành, ra đảo lại còn được ngắm biển, được ăn nhiều hải sản. Bạn bè nói thế, nhưng Thùy vẫn biết đó là sự an ủi, bởi với cô giáo trẻ, hành trình ra Ngọc Vừng lần này không phải là một chuyến du lịch ngắn ngày, thời gian của cô không để tham quan, ngắm cảnh. Nhưng cô vẫn quyết tâm đến với đảo vì cô tin ở đâu các em nhỏ cũng cần được đến trường, cần những người thầy người cô dạy đức, dạy tài. Niềm tin đó giúp nhanh chóng hòa đồng với cuộc sống nơi đây. Tình yêu với học trò, với sự nhiệt tình hăng hái của tuổi trẻ đã khiến cô quên đi những khó khăn trong đời sống hằng ngày. Để rồi, giờ đây, mỗi khi về đất liền, cô lại tự hào kể với gia đình, người thân về vẻ đẹp của Ngọc Vừng, và không quên kể những kỉ niệm gắn với những trò nhỏ nơi lớp mầm đảo xa.

Niềm tự hào của cô giáo Thùy cũng là niềm tự hào của các cô giáo trên đảo Ngọc Vừng xa xôi. Từ tình yêu bao la dành cho các thế hệ học trò, các cô đã vượt lên trên những khó khăn của cuộc sống thường ngày để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Theo Trần Ngọc
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm