Những diễn viên không biết nói: Anh em chúa sơn lâm

27/06/2012 06:18 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Đưa chúa sơn lâm lên màn ảnh? Chắc chắn đó là một trong những niềm ước mơ và thử thách lớn nhất của các nhà làm phim! Two Brothers (Anh em chúa sơn lâm) là một trong những bộ phim hiếm hoi đã làm được điều đó…

Từ con gấu đến con cọp

Không ai khác hơn là đạo diễn Pháp nổi tiếng Jean-Jacques Annaud đã quyết định trở lại với chủ đề động vật hoang dã mà ông từng rất thành công trong bộ phim The Bear (1988). Bản thân ông là một người rất say mê với sức mạnh và uy lực của chúa sơn lâm. Ngay từ thời The Bear, nếu tìm được một câu chuyện thích hợp, lẽ ra ông đã chọn con cọp là nhân vật trung tâm chứ không phải con gấu. 


Chờ cả chục năm mà không có một câu chuyện hay kịch bản nào về chúa sơn lâm khả dĩ làm Annaud hài lòng. Ông cùng với nhà biên kịch lâu năm của mình, Alain Godard, tập trung viết một kịch bản phim dành cho thiếu nhi, với nhân vật chính là 2 hai chú cọp con. Annaud không cho chúng nói chuyện, và không sử dụng công nghệ CGI (kỹ xảo kỹ thuật số).

Đó là câu chuyện về hai anh em cọp con, Kumal cứng cỏi và gan dạ, Sangha, nhút nhát rụt rè hơn. Chúng sống hạnh phúc vui vẻ cùng cha mẹ trong khu phế tích đồ sộ của đền Angkor (Campuchia). Nhưng sự yên bình đó đã bị phá vỡ bởi cuộc cướp phá phế tích Angkor của nhà phiêu lưu Aidan McRory (Guy Pearce đóng), và gây ra chuỗi sự kiện khiến hai anh em cọp con bị tách rời nhau. Sau khi giết cọp bố, Aidan đem Kumal về nuôi làm thú cưng, sau đó gài bẫy Sangha và cọp mẹ rồi tặng Sangha cho đứa con trai nhỏ (Freddie Highmore đóng) của một quan chức Pháp.

Khi cốt truyện theo chân từng chú cọp con gặp từ người tốt tới người ác, Annaud vẽ ra một câu chuyện ngụ ngôn hoàn toàn thân thiện với hiệp hội bảo vệ động vật PETA: Những con cọp này hóa ra biết quan tâm và cảm thông, trong khi con người mới là những ác thú thật sự!

Hai chú cọp con… cứu kịch bản

Cho dù bạn khá là chán cốt truyện này, thì cũng khó mà không yêu mến những con cọp tuyệt vời trong phim. Chúng khiến diễn xuất của các diễn viên người trở nên nhạt nhẽo. Công bằng mà nói, đó thực sự không phải là lỗi của diễn viên. Bộ đôi biên kịch lâu năm Annaud và Alain Godard không cho diễn viên nhiều lời thoại, kể cả diễn viên tài năng như Guy Pearce (phim Memento). Annaud có lẽ bỏ ra rất nhiều thời gian để cố gắng nắm bắt cảm xúc trong các cử động và nét mặt của các con cọp, tới nỗi ông quên rằng mình lẽ ra mình cũng phải làm cho các nhân vật người trở nên lôi cuốn.

Dù kịch bản và các diễn viên hai chân để lại điều gì đó chưa thỏa mãn, nhưng với những cận cảnh đáng yêu của những chú cọp con cất lên những tiếng kêu dễ thương và những cảnh chúng chạy tung tăng khắp khu rừng để chơi banh, Two Brothers đã không làm những gia đình có trẻ em thất vọng. Đây là một điều rất khó bởi các khán giả nhí ngày nay không dễ xúc cảm, và sức hấp dẫn của Two Brothers đã làm hài lòng các phụ huynh bởi tính vô hại và đơn giản của nó. Ngoài ra, bộ phim thậm chí kết thúc bằng một thông điệp có tính giáo dục rằng, những con cọp ở ngoài đời cũng đang gặp nguy hiểm như những con trong bộ phim.

Two Brothers là một bộ phim thiếu nhi ngọt ngào, dễ thương và hấp dẫn. Nhất là trong thời đại mà sự thống trị của công nghệ CGI, đã can thiệp quá nhiều đến sự chân thực của các bộ phim về động vật. Sự độc đáo và thuyết phục của Two Brothers đối với khán giả, phần lớn là do đạo diễn Annaud đã liều lĩnh không cần dùng tới công nghệ CGI, thậm chí cả trong cảnh nhướng lông mày trên mặt của các chú cọp con.


Chỉ đạo diễn xuất… cho cọp

Thách thức thực sự trong quá trình phân vai là con cọp nào sẽ đóng vai Sangha và Kumal tại nhiều giai đoạn khác nhau trong câu chuyện, và cả những con đóng vai cha mẹ chúng. May thay, Annaud biết chính xác những con cọp nào sẽ đóng các nhân vật chính, và người nào sẽ có thể làm cho chúng diễn xuất khi cần thiết trước ống kính. Chuyên gia huấn luyện thú hàng đầu Thierry Le Portier, một đồng hương Pháp đã cộng tác với đạo diễn này 16 năm trước trong phim The Bear và gần đây hơn là tham gia làm bộ phim đoạt giải Oscar Gladiator, với huấn luyện thú người Mỹ Randy Miller.

“Ngay khi tôi quyết định làm bộ phim, tôi gửi bản nháp đầu tiên của kịch bản tới Thierry Le Portier, người đã làm cảnh quay con báo hoang dã trong The Bear. Ông là một chuyên gia đích thực và tôi không có gì ngoài lòng ngưỡng mộ dành cho ông. Một chuyên gia hết sức được kính trọng trong lĩnh vực động vật hoang dã. Có lẽ ông là chuyên gia huấn luyện thú giỏi nhất thế giới. Ông ấy rất quan tâm tới nhiều cách huấn luyện khác nhau và cách làm cho cọp diễn xuất”

Những con cọp được chọn cho bộ phim có thể là một sự pha trộn giữa các giống cọp Bengal, Sumatra và Siberia. “Chúng tôi sử dụng tổng cộng 30 con cọp”,  Le Portier cho biết. “Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là phải luôn có sẵn các con cọp con, từ 7 tới 12 tuần tuổi. Chúng tôi theo dõi tất cả các ca đẻ cọp, trên khắp thế giới. Các sở thú được thông báo về cuộc tìm kiếm của chúng tôi và luôn cập nhật tin tức về các ca đẻ của cọp cho chúng tôi biết. Chúng tôi tìm ra hầu hết cọp con tại Pháp, và một vài con khác ở Thái Lan. Một số được nuôi bằng sữa bình em bé. Chúng tôi chọn nhiều con mới sinh mà đã bị mẹ xa lánh, một hiện tượng xảy ra khá thường xuyên ở cọp cái.”

Le Portier áp dụng một sự kết hợp giữa tiếng nói, âm thanh và ra dấu bằng tay để đạo diễn lũ cọp. Các cách thức huấn luyện của ông dựa vào khả năng của ông trong việc đoán trước các cử động của cọp và chọn đúng cọp cho cảnh quay, và có thể uốn nắn hành vi tự nhiên của cọp sao phù hợp với hành động. “Mỗi con cọp có tính cách riêng”, Annaud nhận xét. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng chúng có thể khác biệt nhau đến vậy. Mỗi con được chọn cho nhân vật của nó, một con cọp cái giàu tình mẫu tử được chọn cho vai cọp mẹ, hai con cọp rắn rỏi hơn thì được chọn cho hai nhân vật anh em lúc trưởng thành, và một con cọp đực yếu ớt thì được chọn cho vai con cọp già mệt mỏi.”

Le Portier cho biết, “Tôi biết tính cách của từng con cọp của tôi và tôi biết chúng sẽ phản ứng ra sao trong những tình huống khác nhau và với các con cọp khác. Ví dụ, tôi có một con cọp cái to lớn thường không sợ bất kỳ thứ gì. Nó là con mà tôi sẽ chọn cho những pha mạo hiểm khó khăn. Nó cũng rất tử tế với các con cọp khác và đặc biệt là với cọp con.”

Để cho những con cọp không họ hàng gì với nhau tương tác với nhau như một gia đình thì cực kỳ khó, nhất là khi tới lúc khắc họa mối quan hệ độc nhất giữa cọp mẹ và các con của nó. Thường thì trong xã hội cọp gồm có cọp mẹ và cọp con. Cọp đực bẩm sinh sống đơn độc hơn. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm tới Khu bảo tồn động vật hoang dã Ranthambhor ở Rajasthan, Ấn Độ, Annaud bắt gặp các nhóm gia đình cọp thực sự bền vững. “Các con đực tới thăm các con cái,” ông kể, “săn bắt với chúng, chơi với cọp con, chia sẻ con mồi hoặc bảo vệ gia đình khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng.” Khía cạnh ít được biết đến này của đời sống xã hội loài cọp đã truyền cảm hứng cho nhiều cảnh trong Two Brothers.

Đối với những cảnh có cọp cái và cọp con, Le Portier sử dụng một trong những con cọp mà ông yêu thích nhất, Indra. “Thật đáng ngạc nhiên, con cọp con, không phải là con của nó, chơi với nó suốt 37 phút,” ông giải thích. “Cọp con nghịch đuôi của nó và cuối cùng nó liếm cọp con. Tôi ở cách nó khoảng 5 mét trong toàn bộ cảnh quay, và khi nó bắt đầu bực mình con cọp con, tôi làm cho nó bình tĩnh trở lại để có được cảnh đó”.


* Những thách thức khác   

Hơn cả những khó khăn khi làm việc với lũ cọp là những thách thức hậu cần phức tạp khi quay phim tại những địa điểm hẻo lánh. Quay trong khu đền Angkor đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều.

“Đặc tính của cây cỏ và ánh sáng ở đây thật tuyệt, chúng tôi cần khởi sự một tháng trước khi mùa mưa kết thúc,” chủ nghiệm sản xuất Xavier Castano giải thích. “Khu đền Angkor là một trong số những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất trên thế giới. Điều này có nghĩa là tất cả các công ty dịch vụ lữ hành phải được thông báo trước vài tháng vì một số đền sẽ bị đóng cửa và chính xác là vào khi nào…”

Annaud kể, “Chúng tôi đang quay tại một trong 7 kỳ quan của thế giới, vì thế phải thận trọng tối đa để đảm bảo rằng mình không có làm điều gì có hại cho địa điểm này.” Castano giải thích, “Các kiến trúc sư và các nhà khảo cổ thiết lập một chương trình làm việc, bao gồm cả việc đặt hàng dặm đường bằng bao cát để chống rung, bao bọc và bảo vệ tất cả những khu vực mà đoàn phim sẽ đi qua bằng những tấm ván phủ xốp che chắn các hình chạm nổi. Chúng tôi có một công việc to lớn là phải xác định từng vị trí camera trước nhiều tháng.”

Dù khu đền gần Angkor dễ dàng đi đến từ Siem Riep, nhưng các địa điểm khác thì không dễ đi tới. Ví dụ, Kbal Spean, một con sông xinh đẹp đầy những linh vật Linga và Yoni (hai biểu tượng thờ cúng thần Siva và nữ thần Sakti), nằm cách Siem Reap 60 km và chỉ có thể đến được sau 30 phút cuốc bộ vượt một ngọn núi. Hầu hết trang thiết bị, cũng như lũ cọp, đều phải được vận chuyển bằng trực trăng. Các nhu yếu phẩm thì được phu khuân vác mang tới hoặc được ngựa chở tới. Đoàn phim cũng phải xây dựng những con đường mới để có thể đi tới Phnom Koulen, việc này mất hai tháng và 10 cây cầu mới hoàn tất. Bất chấp những con đường được cải thiện, Phnom Koulen vẫn mất hơn 90 phút đi bằng xe từ Siem Reap.

Một địa điểm khó khăn khác là dãy núi Phnom Koulen, thành trì cuối cùng của các lãnh đạo Khơ-me đỏ, những kẻ đã ở đó cho tới năm 1998. Các chuyên gia ước tính rằng, vẫn còn có từ 4 tới 6 triệu quả mìn sót lại ở Campuchia. Một đơn vị rà phá bom mìn phải làm việc một tháng trước khi quay ở đó theo lịch trình. Việc này khá phức tạp vì thường phải dọn sạch cây cỏ trước khi bắt đầu rà phá bom mìn, nhưng đạo diễn lại cần cây cỏ còn mới nguyên. Cuối cùng rồi cũng có cách rà phá bom mìn ở khu vực này một cách triệt để mà không cần phải cắt bỏ cây cỏ. Đoàn phim liên tục được khuyến cáo là không được đi ra khỏi những khu vực được đánh dấu là đã được rà phá bom mìn.

Guy Pearce đòi được bấm máy với một con hổ trưởng thành. Thường thì những cảnh này được bấm máy riêng rẽ. Bất chấp mọi biện pháp an toàn, Guy Pearce vẫn bị một trong những con cọp có tính khí thất thường cắn một phát trên vai.

Những con cọp có nguồn gốc từ Pháp thì được vận chuyển sang Campuchia một tháng trước khi bộ phim được khởi quay để cho chúng cơ hội thích nghi với môi trường ẩm ướt.

Để có được sự diễn xuất của những con cọp con ở mức độ nào đó, chúng được bấm máy ngay sau khi được bú bình. Điều này làm cho cọp con trở nên điềm tĩnh và ngoan ngoãn hơn trước khi chúng ngủ thiếp đi. Trong tất cả những cảnh cần cọp con nhìn về phía camera, thật ra nó đang nhìn chằm chằm… người huấn luyện đang giữ bình sữa của nó!

Được quay trong thời gian năm tháng với kinh phí khá lớn là 59,7 triệu Bảng Anh, nhưng bộ phim lại thất bại ở phòng vé khi chỉ thu được có 62.2 triệu USD.

Đạo diễn Jean Jacques Annaud và ê kíp của ông ở trong những chiếc lồng được khóa cẩn thận khi quay những con cọp thật. Các con cọp máy được sử dụng trong bất kỳ cảnh nào có thể gây nguy hiểm thực sự cho diễn viên. Năm con cọp trưởng thành bằng máy có kích thước giống như cọp thật được chế tạo cho bộ phim. Nam diễn viên nhí Freddie Highmore không được phép tới gần bất kỳ con cọp thật nào vì thế cậu chỉ diễn chung với cọp máy.


Bá Vũ 




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm