Trẻ có HIV cần được đến trường thực sự!

27/10/2009 10:21 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Sau sự cố nhiều phụ huynh học sinh phản ứng mạnh mẽ việc đưa trẻ có HIV đến trường tại Trường tiểu học An Nhơn Đông và Trung Lập Hạ huyện Củ Chi, TP HCM (TT&VH đã có bài “TP HCM: Trẻ có HIV vẫn bị kỳ thị nặng nề”), chúng tôi trở lại các trung tâm nuôi dạy các em.

Những đứa trẻ có HIV vẫn mong ước một ngày sẽ được đến trường học với các bạn bình thường khác, nhưng xem ra, việc thực hiện ước mơ nhỏ bé của các em vẫn là hành trình khó khăn.

“Con chỉ có một ước mơ…”

Tiếp xúc với các em nhỏ có HIV ở trung tâm Mai Hoà (Củ Chi) và Tam Bình (Thủ Đức), thì mong muốn lớn nhất của các em là khát khao được “đi học bình thường”, dù chỉ trong thời gian ngắn. “Đi học bình thường” nghĩa là các em đến trường nhưng không phải chỉ là chuyện được học, các em muốn có thêm bạn, biết thêm nhiều điều mới lạ và không bị mọi người xa lánh. Cháu H.N.L (học lớp 2 tại trung tâm Mai Hoà) vừa nói vừa nấc nghẹn ngào: “Cháu chỉ mơ ước một ngày sẽ được như các bạn khác, được đến trường học và có thật nhiều bạn chơi với cháu”. Sở dĩ các em đều mơ ước “đi học bình thường” vì hiện giờ các em vẫn “được đi học”, nhưng là tại trung tâm và chỉ có các em có HIV học chung với nhau. Cháu H.N.L kể: Lớp cháu chỉ có bốn chị em thôi, ngày nào cũng chỉ có vậy, chị em cháu rất buồn vì chỉ bốn chị em làm bạn với nhau.

Trẻ em có  HIV luôn cần những vòng tay yêu thương


Xơ Nguyễn Thị Bảo (trung tâm Mai Hòa) tâm sự: Khi biết các xơ đi lo thủ tục cho các cháu được ra ngoài học, các cháu rất vui và háo hức chờ đợi. Suốt buổi cứ loay hoay, chạy ra cổng đợi xơ về. Điều đó cho thấy khát vọng được đến trường của các em lớn thế nào. Có lần đi làm thủ tục về, các con chạy ra hỏi “Xơ đi về có mệt không, có làm cho tụi con được đi học không?” khiến xơ ứa nước mắt. Và khi xơ nói các con không được ra ngoài học thì các tụi trẻ oà khóc nức nở, ôm lấy xơ và nói “con muốn đến trường với các bạn”. Mỗi lời của các con làm xơ cảm thấy nhức nhối, đau quặn lòng, mà không biết phải dỗ dành các con ra sao nữa.

Phải xoá đi rào cản tâm lý

Hiện nay, chủ trương của nước ta là khuyến khích việc đưa trẻ có HIV đến trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của trẻ em, nhưng điều đó đôi khi lại vấp phải một rào cản là tâm lý của một bộ phận phụ huynh học sinh. Tiếp xúc với TT&VH, ông Bùi Cao Tạng, một phụ huynh học sinh ở ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, Củ Chi đặt vấn đề: “Chúng tôi không phải quá ích kỷ mà không cho các cháu đi học chung. Nhưng nếu trong quá trình đó, xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn, thì ai chịu trách nhiệm, ai lo cho con chúng tôi?”.

Theo Uỷ ban phòng chống AIDS TP.HCM, trong số các căn bệnh nguy hiểm hiện nay là HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C… thì nguy cơ nhiễm bệnh thông qua vết xước xuyên da của HIV là thấp nhất. Cụ thể: Nguy cơ nhiễm virus viêm gan siêu vi B thông qua viết xước xuyên da là 30% (30/100 trường hợp); của viêm gan siêu vi C là 3% (3/100 trường hợp); trong khi HIV chỉ có 0,3% (3/1000 trường hợp).

Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban phòng chống AIDS TP.HCM cho biết: Những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh có con em học chung với trẻ nhiễm HIV là có thể hiểu được, sự thương yêu, bảo vệ cho con cái là chính đáng. Nhưng chúng ta cần phải giúp họ hiểu được bản chất vấn đề, để họ vượt qua rào cản là tâm lý kì thị đối với các em có HIV. HIV là căn bệnh “khó lây, dễ phòng”, việc lây nhiễm HIV không phải dễ có thể xảy ra. Thời gian qua, Uỷ ban phòng chống AIDS TP.HCM liên tục mở các đợt truyền thông, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được và vượt qua sự “kỳ thị” đối với trẻ nhiễm HIV.

Bác sỹ Lê Trường Giang nhấn mạnh: Việc tiếp xúc thông thường không thể lây bệnh HIV. Hiện nay TP HCM đã yêu cầu tất cả các trường học thực hiện công tác bảo vệ, chống lây nhiễm cho các em. Trong trường hợp không may do xây xát xảy ra, thì ngay nhà trường cũng có đủ biện pháp để chống lây nhiễm HIV. Do đó, bác sỹ Giang đã khẳng định: “Chắc chắn việc lây từ trẻ qua trẻ trong trường học là không thể xảy ra”.

Việc mở các phân viện trường học tại trung tâm chỉ là bước tạm thời, vì không thể duy trì mãi một lớp chỉ có vài học sinh và hàng năm sẽ phải mở thêm lớp mới do có trẻ đến tuổi đi học. Mặc dù thời gian qua nhờ công tác tuyên truyền, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tâm lý phụ huynh học sinh, nhưng việc các em có HIV đến trường học như các học sinh bình thường thì chưa biết đến khi nào. Không biết những ước mơ nhỏ bé của các em bao giờ mới được trọn vẹn?

Phan Vũ – Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm