Chìm nổi cùng… rác với bùn

23/10/2011 10:09 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chiếc ghe nhỏ của ông Ba Chúc len lỏi vào những nhánh sông nhỏ chảy qua Bình Thạnh, Gò Vấp đưa chúng tôi gặp những mảnh đời đang mưu sinh lam lũ ở đây. Những thứ rác rưởi trôi lềnh bềnh trên mặt nước đen ngòm, bốc mùi tanh hôi chính là… nguồn sống của họ.

Những người này, họ đã từng là ngư dân “vùng vẫy” ở những nhánh sông bao quanh thành phố. Giờ đây, họ làm nghề khác và chiếc ghe nhỏ vừa là “ngôi nhà” vừa là “cần câu cơm” của họ.

Lượm ve chai trên mặt nước

Ghe dừng lại trên một đoạn sông Sài Gòn chảy qua Bình Thạnh, ông Ba Chúc chỉ tay về phía bờ nơi có một chiếc ghe nhỏ. Trên đó, một người đàn ông đang lúi húi với những bao tải đựng đầy ly nhựa, vỏ hộp nhựa: “Đó là ông Nguyễn Văn Huân, nhặt ve chai trên sông Sài Gòn hơn 10 năm rồi”.

Ghe tiến sát về phía ông Huân, người đàn ông với mái tóc muối tiêu, các đầu ngón tay và ngón chân sưng húp vì ngâm nước. Trên chiếc ghe nhỏ chẳng có gì đáng giá, chỉ một thùng nước uống, bếp ga nhỏ và hai mái dầm. “Ghe tui chỉ chèo bằng tay, làm nghề ve chai, làm gì đủ tiền mà mua máy” - ông Huân nói.

Ông Nguyễn Văn Huân với đôi bàn tay sưng húp vì ngâm nước bên đống ve chai của mình

Ông Huân sống trên ghe, thích ngủ chỗ nào thì tấp ghe vào đó, ông chỉ sống có một mình từ 10 năm qua. “Trước đây tôi cũng có vợ nhưng rồi vợ bỏ đi, giờ tôi sống có một mình. Trước làm nghề đánh cá, cần phải có hai người, một người chèo, một người quăng lưới. Nay có một thân một mình thì tôi làm nghề này sống qua ngày” - ông Huân tâm sự.

Ông Huân kể, làm nghề này cũng vô chừng lắm, có ngày chỉ kiếm được vài ngàn, ngày nào nhặt được nhiều nhất cũng chỉ được 50 ngàn. Đống ly nhựa ngổn ngang trên ghe là thành quả lao động của ông từ sáng sớm cho đến gần 1h chiều, tính ra tiền thì cũng kiếm được khoảng 20 ngàn đồng. Ông nhặt ve chai ở khu du lịch đoạn sông Bình Qưới, Thanh Đa, Lái Thiêu (Bình Dương). Người ta cứ vứt chai nhựa xuống sông là ông nhặt. Ông chèo ghe xục xạo khắp nơi, thứ gì bán được là nhặt hết. Có khi ông đi chặt dừa nước để kiếm thêm.

Ông Huân kể: “Ngày xưa nhà tôi ở khu Xóm Mới, phường 15, quận Gò Vấp nhưng sau này cha mẹ chết, anh em bán nhà, mỗi người một nơi. Tôi chọn sông nước làm chốn dung thân, khi vợ đi, tôi vẫn sống một mình trên ghe. Sống vậy riết cũng quen, lên bờ biết sống bằng gì, ở đâu. May ông trời cũng thương tôi nên ít bị đau ốm”.

Mò giun ở đáy sông

Hơn 3h chiều, chúng tôi lại xuôi về một khúc sông chảy qua địa bàn phường 5, quận 8, đoạn sông bị ô nhiễm, nước đen ngòm, bốc mùi tanh hôi. Một dáng người đàn ông với chiếc áo thun rách rưới, khoác bên ngoài một chiếc áo bằng ni lông, dầm mình trong dòng nước đen để bắt trùn chỉ (giun nước). Đó là một nghề mà theo Ba Chúc, kiếm ra nhiều tiền nhưng phải chấp nhận nhiều rủi ro với đủ các loại bệnh tật, tai nạn.

Anh Nguyễn Huy Lịch dầm mình dưới nước bắt trùn chỉ

Anh Nguyễn Huy Lịch (47 tuổi), cười: “Khoác thêm áo ni lông cho đỡ lạnh thôi”. Theo anh Lịch, những con trùn chỉ rất thích sống ở khu nước bẩn, nằm sâu dưới lớp bùn. Tìm được ổ trùn, với chiếc vợt lưới, anh cúi người, thậm chí phải lặn chìm dưới nước để vớt trùn cùng với bùn nhão và lắc thật mạnh cho lớp bùn văng ra khỏi vợt lưới. Cho trùn vào xô phải lên bờ để tiếp tục cho nước sạch để xả bùn, đến khi chỉ còn một màu đỏ của trùn chỉ mới có thể bán cho những người bán thức ăn cá kiểng.

Theo anh Lịch, 1 kg trùn chỉ được các chủ vựa thức ăn cá kiểng mua với giá 21 ngàn đồng. Mỗi ngày làm cật lực từ sáng cho đến chiều, nếu thuận lợi, anh kiếm được khoảng 300 ngàn đồng. Nhưng nghề này phải đánh đổi sức khỏe ghê gớm. Làm nghề gần 20 năm, anh thường xuyên vào viện vì căn bệnh phổi, đau nhức khớp xương, chưa kể những tai nạn như mảnh chai, sắt rỉ cắt vào chân nhiễm trùng.

Anh là trụ cột kiếm tiền lo cho cả gia đình, lo cho 2 đứa con ăn học. Theo anh Lịch, trên đoạn sông này hiện có khoảng 30 người làm cái nghề “vớt giun” này. Anh bảo, sông ô nhiễm, tôm cá biến mất hết, không đi lượm ve chai thì chỉ có cái nghề bắt trùn chỉ này. Cũng may, càng bẩn, trùng chỉ càng sinh sôi.

Chia tay anh Lịch, chúng tôi lại lên đường đi đến những đoạn sông khác, ở phía sau, bóng dáng của người đàn ông vẫn cần mẫn thì thụp trên mặt nước đen ngòm.

Bài 3 & hết: Những ước mơ ở xóm chài cầu Bình Lợi

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm