Tại sao "Cô dâu đại chiến" hút khách?

14/02/2011 11:25 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Đến hôm nay, Cô dâu đại chiến (CDĐC) đã thu về hơn 23 tỷ đồng tiền vé, vượt qua mức mong đợi ban đầu của nhà sản xuất (20 tỷ đồng). Với sự tham gia tích cực và thiết thực của các nhà sản xuất tư nhân, doanh thu trong tương lai gần của điện ảnh Việt sẽ còn tăng nhiều.

Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh chất lượng tác phẩm để giải trí, việc xuất hiện của CDĐC gợi cho chúng ta nhiều liên tưởng đến bối cảnh xuất hiện của Dòng máu anh hùng (DMAH).

Giúp khán giả bớt e ngại

Khi sắp công chiếu vào tháng 4/2007, DMAH gặp phải một e ngại, thậm chí là định kiến khá lớn từ phía khán giả: Phim Việt không đáng xem, phim thuộc thể loại cổ trang, hành động dã sử thì càng không đáng xem hơn nữa.

Nhưng rồi, người ta cũng bắt đầu tò mò vì một loạt cái tên lạ như đạo diễn Charlie Nguyễn, hóa trang Gordon Phong Banh, đạo diễn ánh sáng Dominic Pereira, nhạc sĩ Christopher Wong, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm; các diễn viên Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn... Và người ta quyết đi xem thử. Từ xem thử, thành xem thiệt, tiếng lành đồn xa, DMAH đã thành một hiện tượng về phim cổ trang, võ thuật, giúp khán giả bớt e dè, còn giới chuyên môn thì có một phen tranh luận.

Cảnh trong phim CDĐC. Ảnh do đoàn phim cung cấp
Với CDĐC, ngay từ khi nhà sản xuất quyết định chọn Victor Vũ, một đạo diễn còn đang trong vòng “cương tỏa” của dư luận về chuyện có hay không việc “đạo phim” Giao lộ định mệnh, thì những e ngại, kì thị là khó tránh khỏi. Cho nên, đến khi CDĐC ra rạp, nhiều người không muốn đi xem, vì sợ mình lại bị “một vố lừa” nữa. Sau những ngày đầu e ngại, cũng tiếng lành đồn xa, kiểu như “xem được lắm”, “rất đáng xem”, “khá vui”, “đáng đồng tiền bát gạo”... đã làm cho nhiều suất chiếu cháy vé.

Rõ ràng, so với các phim chiếu dịp Tết 2011, và so với các phim đã ra rạp từ DMAH cho đến nay, CDĐC chịu nhiều e ngại nhất. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chính sự “trục trặc” từ cái tên của đạo diễn đã kích thích sự tò mò thêm gấp bội. Còn nhớ, khi Giao lộ định mệnh bị đặt nghi vấn, những suất chiếu cuối cùng đã đông nghẹt khách; nếu các rạp còn thêm suất chiếu, chắc chắn còn nhiều người đi xem.

Nhìn lại, nếu người ta đi xem DMAH vì những nhân tố mới, thì người ta đi xem CDĐC (một phần) vì tò mò với những “nhân tố” quen.

Giải mã Cô dâu đại chiến

Cũng giống như DMAH đã giải quyết được khá trọn vẹn câu chuyện dã sử - võ thuật, qua cách dựng phim tài tình của Hàm Trần, CDĐC cũng đã khá hoàn thiện một chuyện tình đầy nghịch cảnh và hài hước.

Ngoài chọn một đề tài khá phù hợp với ngày Tết là đám cưới, CDĐC còn “đáp ứng” được mấy ước muốn của giới xem phim giải trí. Thứ nhất, cũng giống Để Mai tính, phim này đã chọn bối cảnh sang trọng, nơi được xem là ước mơ của người Việt, khi cuộc sống thật của họ còn nhiều khó khăn - xem phần lớn các phim truyền hình Việt gần đây cũng cho thấy điều này. Thứ hai, như một hương vị hoàn toàn mới, CDĐC đã chọn phong cách kể chuyện khá hiện đại, pha trộn hương vị Hollywood với Hong Kong, Hàn Quốc và cả truyện tranh, phim hoạt hình. Về mặt nghề nghiệp, CDĐC được xem là có nhiều thủ pháp mới, còn về cấp độ giải trí, chính các thủ pháp này làm cho câu chuyện thêm logic, cuốn hút.

Cô dâu nổi giận, ghen tuông là một đề tài quen thuộc của điện ảnh, xem xong CDĐC mới thấy đạo diễn đã khá thông minh khi chọn cách kể chuyện như vậy. Nhiều phân đoạn, Thái (do Huy Khánh thủ vai) như bước ra khỏi màn ảnh để đối thoại và dẫn dắt người xem qua các thắt nút tưởng chừng như lơi lỏng.

Khi DMAH công chiếu ở Mỹ, dưới con mắt của giới sản xuất, họ ước đoán bộ phim phải được đầu tư từ khoảng 15 đến 20 triệu USD (nếu thực hiện ở Mỹ), vậy mà nó chỉ tròm trèm 1,5 triệu USD khi sản xuất tại Việt Nam. CDĐC cũng chứng minh cho giới làm nghề thấy một một điều tương tự rằng nếu chọn một hướng đi hợp lý, mức đầu tư và nguồn nhân lực, vật lực tại Việt Nam cũng có thể đáp ứng được phần lớn các yêu cầu.

Nếu như lúc DMAH công chiếu tại rạp, các yếu tố ngoại trở thành một nhân tố để hút khách, thì tới CDĐC, nhân tố ngoại đã hoàn toàn bình đẳng với thực tế nội địa. Đến lúc này, sự hút khách của một tác phẩm là do tổng hòa các yếu tố, chứ không phải ở “tiểu sử” xuất thân nổi trội nào. Dễ thấy điều này ở góc độ truyền thông, khi mà CDĐC cũng đầy yếu tố ngoại, nhưng chẳng còn thấy được “tô đậm” nữa, mọi thứ đã thay đổi. Có thể nói, nếu DMAH mở ra một cơ hội lớn cho các nhà làm phim Việt kiều, thì đến CDĐC, các khuynh hướng và phong cách làm phim đã dần lộ diện. Thực tế này sẽ vẽ nên một diện mạo hoàn toàn mới cho điện ảnh và người xem trong những năm tới.

Đạo diễn Lê Hoàng:

“Xem xong 3 phim Tết năm nay, tôi thấy CDĐC là phim khá nhất. Thứ nhất, phim rất hấp dẫn. Thứ hai, phim không đi theo lối mòn. Thứ ba, từ tiết tấu đến cách xây dựng nhân vật đều rất hiện đại. Theo tiêu chuẩn của một bộ phim ăn khách và đàng hoàng, nó đều đáp ứng được”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn:

“Ở khía cạnh khán giả, thường thì khi xem phim hài, tôi khó cười hơn những người xung quanh. Sau khi xem CDĐC thú thật tôi có những trận cười rất sướng. Còn ở khía cạnh chuyên môn, Victor Vũ đã thành công khi xây dựng các tuyến nhân vật. Ở mỗi nhân vật, mỗi cô dâu đều có nét đặc trưng rất rõ ràng. Tình tiết rất có duyên, những miếng hài đầy bất ngờ, nhất là đoạn Thái mua những chiếc nhẫn để cầu hôn. Tôi đã có được tràng cười thoải mái”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm