Điện ảnh cũng thèm có “bầu” Kiên…

27/09/2011 10:50 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - (LTS) Sau khi đăng bài:“Bắt bệnh” và “kê toa” cho điện ảnh Việt (báo TT&VH ra ngày 26/9/2011), TT&VH nhận được bài viết với nhiều nỗi niềm, tâm huyết của đạo diễn Phạm Lộc chỉ ra cho điện ảnh Việt những phương thuốc hữu hiệu… Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết này.

Thực trạng điện ảnh không khác gì bóng đá nước nhà (*)

Thực trạng điện ảnh VN thế nào, đến nay ai cũng biết, bởi trong thời gian vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin bài và hình ảnh tiêu điều, khốn khó đến mức khó tin của ngành điện ảnh.

Thực trạng khốn khó ấy không phải mới xảy ra, mà nó âm thầm hàng chục năm rồi. Sở dĩ ngôi nhà điện ảnh lâu nay vẫn êm đềm bởi tính hữu khuynh “dĩ hòa vi quý” ăn sâu vào nếp sống của từng nghệ sĩ. Ai cũng ngại va chạm. Ai cũng sợ mất quyền lợi được làm phim, được khẳng định một chức danh hay giải thưởng nào đó... Bởi vậy đời sống của nghệ sĩ đầy ẩn ức, đến cả chục năm nay.

Ở Hãng phim Truyện VN nơi tôi công tác, trải qua ba, bốn đời giám đốc, nghệ sĩ vẫn chỉ hưởng mức lương tối thiểu 230.000 đồng, 450.000 đồng rồi 630.000 đồng nhân với hệ số. Mức lương tột bậc của đạo diễn hoặc lương chuyên viên của đạo diễn chính cũng chỉ hai đến ba triệu đồng/tháng. Lương rất thấp nhưng vẫn không ai lên tiếng. Thế rồi, một ngày đẹp trời, cơ quan quản lý đưa ra chính sách về hưu non- 41 để giải quyết số lao động dôi dư, để tháo gỡ khó khăn... Nhưng thực chất có rất nhiều nghệ sĩ và những người làm được việc xin về, bởi họ không trông thấy một tương lai nào ở điện ảnh.

Cánh đồng hoang – bộ phim kinh điển của điện ảnh VN

Vụ 42 tỷ đồng (mới đây các cơ quan chức năng chính thức công bố là 36,8 tỷ đồng) bị thất thoát của điện ảnh như giọt nước tràn ly để mọi người nhìn “bóng cây đại thụ” của nền điện ảnh VN nghiêng ngả như thế nào.

Thực trạng điện ảnh không khác gì bóng đá nước nhà, có điều khác là bóng đá có “bầu” Kiên lên tiếng một cách thẳng thắn và xây dựng, cộng thêm các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, cùng với rất nhiều câu lạc bộ, nhiều doanh nghiệp làm bóng đá tuyên bố rời cuộc chơi, thì lúc đó người ta mới nhìn thẳng vào sự thật để cải tổ, để sửa chữa cơ cấu mang tính hệ thống. Phương ngôn người xưa có câu: “Cái kim trong bọc mãi rồi cũng lòi ra”. Đã đến lúc điện ảnh cũng phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra một liều thuốc hữu hiệu nào đó, tránh nguy cơ phá sản và có thể chết yểu như hiện nay...

Cùng với sự phát triển của đất nước, điện ảnh cũng trải qua nhiều biến cố để trở mình, như chuyển từ bao cấp sang sự nghiệp có thu. Từ sự nghiệp sang thị trường, cổ phần hóa, để rồi từ cổ phần hóa lại quay về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nửa vời như hiện nay. Thế nhưng, hiện thực đáng buồn cho sự chuyển đổi ấy của điện ảnh chỉ dừng lại hình thức tên gọi này nọ, còn nội dung mô hình vẫn như nguyên với phương thức làm ăn xưa cũ, là trông chờ vào tiền tài trợ một phần cho tác phẩm để tồn tại? Kết cục các hãng phim nhà nước không những không phát triển được, mà ngày càng ọp ẹp, sập sệ... cho đến bến bờ tồn vong.

Mô hình tập đoàn quốc gia để “cứu” điện ảnh? (*)

Công bằng mà nói, nhà nước đã từng đầu tư lớn cho điện ảnh, trong những năm 1990, nhằm vực điện ảnh dậy bằng chương trình chấn hưng, để điện ảnh có thể phát triển mạnh mẽ, có phim đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, nghệ thuật, để có thể hội nhập với nền điện ảnh thế giới, số tiền được đầu tư lên đến trên 500 tỷ đồng. Gần đây, Hãng phim Giải phóng được đầu tư 186 tỷ đồng, Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương cũng được mấy chục tỷ để xây dựng, phát triển, nhưng hình ảnh của các hãng thì khán giả đã được mục kích trên truyền hình rồi...

Rất tiếc, tiền đầu tư đó, cộng với số tiền nhỏ giọt hằng năm của Nhà nước cho điện ảnh, như đá ném ao bèo, bởi sự đầu tư đôi khi không đúng chỗ, không đúng người quản lý, dàn trải, phương tiện máy móc để quay phim, làm âm thanh, hay in tráng dù rất hiện đại, nhưng chỉ để đắp chiếu kiểu “cha chung không ai khóc”... Không có ai kiểm tra, không có ai giám sát. Đến nay, các hãng muốn phim đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về âm thanh và hình ảnh vẫn phải mang sang Thái Lan để làm.

Đi tìm nguyên nhân cho nó, các nghệ sĩ kết luận: Lý do là những người chủ đầu tư không quy hoạch ngành, không tìm ra một mô hình hiệu quả để phát triển điện ảnh trước mắt cũng như lâu dài, mang tính vĩ mô. Họ chia nhỏ cái bánh từ trung ương đến địa phương, theo cơ chế xin - cho, “hoa thơm mỗi người ngửi một tí” để có được diện mạo điện ảnh mang đầy tính hình thức... Và kết cục, đến nay, người ta chỉ nhìn thấy thực trạng điện ảnh mỗi ngày một teo tóp đi đến mức không còn nhận ra gương mặt của nó là gì nữa.

Dư luận ngày một ồn ào khẳng định, điện ảnh tư nhân đang phát triển mạnh mẽ như là một cứu cánh cho điện ảnh nước nhà. Các hãng phim tư nhân tồn tại, phát triển bằng gì? Mô hình của họ không chỉ sản xuất phim. Họ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bất động sản và các dịch vụ điện ảnh. Họ có cả hệ thống rạp riêng để chiếu phim. Ngoài ra, họ nhập phim ngoại về chiếu để bù lỗ cho phim sản xuất cầm chừng, lấy thu của phim nhập bù lỗ cho phim trong nước...

Hy vọng điện ảnh có được nhiều doanh nghiệp, nhiều ông chủ ngân hàng đầu tư cho điện ảnh vô tư như đầu tư cho bóng đá. không có khán giả, không có lợi nhuận họ vẫn đầu tư, vì họ bù bằng kinh doanh khác, vì sự đam mê vô bờ bến... như bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hiển...

Thực trạng của điện ảnh như  vậy, giải pháp cho điện ảnh tồn tại thế nào phát triển ra làm sao là một câu hỏi lớn... Có lẽ, đã đến lúc điện ảnh phải có một mô hình vĩ mô, như là một tập đoàn điện ảnh quốc gia để khép kín các hoạt động điện ảnh lại làm một. Từ sản xuất, phát hành, chiếu bóng, xuất nhập khẩu và dịch vụ điện ảnh lấy thu bù chi để cân bằng các hoạt động điện ảnh. Một phần tối ưu quan trọng là phải rà sát lại các nhà quản lý điện ảnh từ trung ương đến các hãng sản xuất, thay thế các nhà quản lý “ngồi cho đủ mâm, xếp cho đủ chỗ”- những người đã và đang góp phần cho nền điện ảnh èo uột như hiện nay.

(*): Các tít phụ do TT&VH đặt.

Đạo diễn Phạm Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm