Chuyện nước Mỹ: Cô gái khiếm thị bán Iphone

29/11/2013 10:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa các anh chị,

Tôi đang viết thư này từ chiếc máy tính mua từ tay một người khiếm thị. Olivia dường như không nhìn thấy bất cứ thứ gì trước mặt cô dù khoảng cách chỉ là nửa mét.

Nhưng không phải tôi đã gặp Olivia ở ngoài đường để mua lại chiếc máy tính đã qua sử dụng. Và tôi cũng không tới một tổ chức khiếm thị nào đó đang gây quỹ để mua hàng từ thiện.

Olivia là nhân viên bán hàng ở Apple Store, cửa hàng bán sản phẩm của hãng chuyên sản xuất máy tính và điện thoại thông minh có logo là quả táo cắn dở, chỉ cách Nhà Trắng chưa đầy 10 phút lái xe.

Olivia thường đứng ở lối vào, đón khách, thăm dò nhu cầu, kiểm tra lượng hàng trong kho qua chiếc iPhone chuyên dụng, giải đáp mọi thắc mắc khác nhau... Tóm lại, cô làm tất cả công việc của một người bán hàng bình thường.

Trợ giúp cho Olivia trong việc đi lại trong không gian cửa hàng rộng chừng 200m2 là một chú chó gắn trên người cái biển ghi dòng chữ “Chó dẫn đường cho người khiếm thị”.



Sự thành thục của Olivia không tạo cảm xúc với tôi. Vì người khuyết tật thường có những nỗ lực phi thường.

Còn người bạn đi cùng mới từ Việt Nam qua đây công tác thắc mắc tại sao Apple, một trong những thương hiệu hàng đầu nước Mỹ và thế giới lại lựa Olivia - một người khiếm thị đứng bán hàng ở cái cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của hãng duy nhất ở Thủ đô Washington.

Câu trả lời (suy luận thôi), là liệu các sản phẩm của Apple có nên được được định danh là thông minh hàng đầu thế giới nếu như nó không thân thiện với những người khuyết tật, hay nói ngược lại là những người khuyết tật lại không thể sử dụng chúng để phục vụ cuộc sống và nhu cầu giải trí thời công nghệ số?

Vậy có phải Olivia vô tình trở thành một diễn viên quảng cáo cho Apple? Không hẳn, vì cô làm việc hiệu quả như bao nhân viên khác. Và, Apple không làm điều gì nổi trội khác thường so với mặt bằng xã hội Mỹ trong việc đối xử với người khuyết tật. 

Biểu hiện của nó là quan sát mỗi lần tới cửa hàng, tôi chưa bao giờ thấy các khách hàng tới đây tránh mặt Olivia để được một trong khoảng hai chục nhân viên khác giúp đỡ.

Và là câu chuyện mới đây khi khoảng hơn ba chục hành khách đã rời máy bay tẩy chay việc một nữ tiếp viên đã đòi mời một vị khách khiếm thính xuống máy bay trước khi máy bay khởi hành từ Philadelphia đi New York, vì ông không thể đưa chú chó dẫn đường của mình từ lối đi vào dưới gầm ghế phía trước (như cách người ta vẫn làm với một cái túi xách).  

Truyền thông và dư luận Mỹ coi đây là chuyện hiếm hoi, khi một người khuyết tật bị kỳ thị.  Đối xử công bằng và tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật là một tiêu chuẩn ở đây, từ sắp vị trí đỗ xe, xếp hàng mua bán, xây dựng lối đi... cho tới cả việc sử dụng hệ thống dịch vụ công cộng (như sân tennis) chẳng hạn.

Mà đó là người bạn tôi còn chưa được thấy người cụt cả hai chân vẫn lái xe hơi đi chợ vào những dịp cuối tuần. Cái chính là hệ thống cơ sở và ý thức phục vụ cho người khuyết tật. Cứ cho họ đủ các điều kiện, người khuyết tật ở đâu cũng làm được như thế.

Chúc anh chị sức khỏe. Hẹn ở thư sau!

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm