“Đại sứ” Tanabe

24/02/2013 11:55 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Để ý rằng, ngay sau chuyến đi về đất nước mặt trời mọc, thị sát, học hỏi kinh nghiệm, một số dự thảo hợp tác đã  được ký kết giữa 2 nền bóng đá, cũng như giữa J-League và V-League. Hôm VPF ra mắt bộ nhận diện thương hiệu và Ban Tư vấn Đạo đức, cũng có sự hiện diện của đại diện J-League.

Ở khía cạnh nào đó, nó được xem như những thành công ban đầu của VPF. Thậm chí, muốn học hỏi – mô phỏng cách tổ chức giải đấu của người Nhật, VPF đã nghĩ ra những cái tên như V-League 1 và V-League 2, dự định áp dụng với giải VĐQG Việt Nam (V-League) và giải hạng Nhất hiện hành.



Chuyên gia Tanabe (áo trắng) đóng vai trò cầu nối giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản. Ảnh: V.V

Trở lại với vấn đề của ông Kazuyoshi Tanabe. Chuyên gia người Nhật có thể cảm thấy chạnh lòng đôi chút, khi ông không được người trong cuộc chào đón và không được ngồi vào chiếc ghế CEO của VPF như tính toán ban đầu. Tuy nhiên, vẫn có lý do để vị chuyên gia người Nhật tiếp tục gắn bó với Việt Nam.

Đấy là nhu cầu quảng bá văn hóa Nhật và bóng đá Nhật rộng khắp Đông Nam Á, mà Việt Nam có thể là quốc gia đầu tiên, chứ không phải duy nhất. Cần nhớ rằng trước khi có sự hợp tác này, một người Nhật khác là Kokichi Kimura cũng đã có hợp đồng làm HLV trưởng ĐT Lào thi đấu ở AFF Cup 2012.

Một “đại sứ” cần phải có “CV” (lý lịch trích ngang) đẹp và cho đến lúc này, đó lại là dữ kiện duy nhất mà Kazuyoshi Tanabe sở hữu, còn khả năng như thế nào cần phải có thời gian để thẩm định. Ông Tanabe vì thế chấp nhận lương bổng bèo bọt (như tiết lộ của Chủ tịch HĐQT VPF, ông Võ Quốc Thắng – PV).

Bên cạnh những ánh nhìn dò xét, cũng có ý cho rằng nên tạo điều kiện làm việc tốt nhất có thể cho ông Kazuyoshi Tanabe (dù với vai trò gì), để ít nhất tự làm mới mình, sau những điều rất cũ, với cả những gương mặt cũng rất cũ đã điều hành nền bóng đá Việt Nam từ hơn chục năm nay, mà hiệu quả chẳng bao nhiêu.

Nói thì nói thế thôi, chứ dễ gì Kazuyoshi Tanabe và số ít những người ủng hộ ông nhận được sự đồng thuận?! Cái cơ chế làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam, từ xưa đến nay, như thể đã là cái vòng kim cô rồi. Ở một góc độ nào đó, duy nhất Henrique Calisto từng một đôi lần thoát ra được và thành công!

Còn Kazuyoshi Tanabe ư? Chờ xem!

CCKM
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm