BĐVN sẽ như thế nào nếu các ông bầu ngân hàng rút lui?

06/12/2011 13:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Bài viết “Chuyên gia ngoại hiến kế cải tổ ngân hàng VN” trên chuyên trang eBank của báo điện tử VnExpress hôm qua có đoạn: “Quan điểm được hầu hết các chuyên gia thống nhất là VN hiện có thừa các ngân hàng nhỏ với những bất ổn triền miên về thanh khoản cũng như khả năng quản trị rủi ro. Theo Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered VN Louis Taylor, những bất cập của tình trạng này đã lộ rõ trong giai đoạn vừa qua, các nhà băng đều gặp khó khăn trong huy động vốn khi lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt”.

Từ thông tin này bỗng liên tưởng tới V-League 2012, khi có 6 đội bóng trên tổng số 14 CLB trực tiếp hoặc gián tiếp sống nhờ vào bầu sữa của các ngân hàng (SLNA với ngân hàng Bắc Á, K.Kiên Giang với ngân hàng Kiên Long, N.SG với ngân hàng Navibank, Hà Nội với ngân hàng ACB, HN.T&T và SHB.ĐN cùng thuộc “nhà” T&T, kinh doanh cả ngân hàng (SHB), chứng khoán cũng như bất động sản). Không chỉ có 6 đội bóng này, bóng đá VN ở cấp độ CLB đang chứng kiến ưu thế rất lớn của các đại gia ngân hàng, khi giải VĐQG được ngân hàng Eximbank tài trợ trong 3 năm (2011-2013), còn 2 giải giao hữu trước mùa bóng mới đang diễn ra ở Pleiku (Vietbank Cup 2011) và TP.HCM (Navibank Cup 2011) cũng đều do các ngân hàng tài trợ.


Navibank SG (trái) là một trong 6 đội bóng ở V-League 2012 sống nhờ vào bầu sữa của các ngân hàng. Ảnh: Quang Nhựt

Theo thông tin từ bài viết nói trên, việc tái cơ cấu ngân hàng tại VN là một trong 3 trụ cột của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, và đại diện các tổ chức và định chế tài chính nước ngoài đều thống nhất cho rằng đây là một quá trình “đau thương”, trong đó việc mua-bán, sáp nhập là một giải pháp quan trọng nhưng khó khăn.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong số các ngân hàng đang tham gia đầu tư vào bóng đá, có bao nhiêu ngân hàng đủ khả năng tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn này, và nếu chẳng may có ngân hàng nào không qua được cơn sóng dữ thì số phận đội bóng mà họ đang tài trợ hoặc sở hữu sẽ như thế nào? Có phải là nghịch lý không khi tổng lợi nhuận trước thuế của Navibank quý 2/2011 đạt 67,2 tỷ đồng, nhưng chỉ 2 cầu thủ Quang Hải và Việt Cường cũng khiến CLB N.SG ngốn mất gần 20 tỷ tiền chuyển nhượng, chưa kể hàng loạt ngôi sao khác trong đội bóng cùng những khoản chi tiêu khác, mà tính tổng cộng cả mùa giải có khi lên tới cả trăm tỷ đồng.

Rõ ràng giữa doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá VN và bản thân bóng đá VN là một sự chênh lệch cực lớn, và không ai ngạc nhiên khi nền kinh tế bắt đầu khó khăn cũng là lúc các cầu thủ phải nếm trải cảm giác của sự thiếu thốn về mặt tiền bạc, dù chỉ là trong giai đoạn tạm thời.

Giữa VFF và các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào bóng đá VN hiện nay gần như không có bất cứ sự cam kết hay ràng buộc nào, nên giả sử xảy ra trường hợp các ông bầu lũ lượt rủ nhau ra đi thì VFF cũng không có biện pháp nào để ngăn chặn. Không chỉ có ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực khác mà có tham gia đầu tư vào bóng đá VN, cũng đều đang gặp ít nhiều khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh những mảng kinh doanh dễ mang lại lợi nhuận đột biến sau một thời gian ngắn như bất động sản hay chứng khoán giờ đều đang ở giai đoạn đóng băng hoặc suy thoái.

Thế mà trong số 14 đội bóng tham dự V-League 2012, số CLB có khả năng tự cấp tự túc như SLNA là cực kỳ hiếm hoi, còn thành phần những đội bóng được xây dựng nhờ túi tiền của ông bầu như HN.T&T, Hà Nội, V.NB… lại chiếm số lượng áp đảo, và không cần nói cũng biết điều gì sẽ xảy ra nếu như một ngày nào đó các ông bầu này đột nhiên không còn hứng thú với bóng đá.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm