Vẫn quyết “cứu sống” kính viễn vọng Hubble

26/04/2009 15:24 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cách đây 4 năm khi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đề xuất ý tưởng gửi 7 nhà phi hành lên sửa chữa kính viễn vọng không gian Hubble, sứ mạng đó được đánh giá là quá nguy hiểm và bị hủy bỏ.

Tuy nhiên NASA vẫn không đầu hàng. Theo sau sự trở lại thành công của các tàu con thoi, họ đã tiếp tục lên kế hoạch mới nhằm sửa chữa lần cuối chiếc kính đã gần 20 năm tuổi này.


* "Bệnh nhân" giá 1,5 tỉ USD


Kính viễn vọng không gian Hubble (HST) là một sản phẩm khoa học của NASA mang tên nhà thiên văn học Mỹ Edwin Powell Hubble. Đây là kính viễn vọng phản xạ được trang bị hệ thống máy tính và một gương thu ánh sáng có đường kính 240 cm.


Hình ảnh cuộc sữa chữa kính viễn vọng Hubble lần đầu tiên


Các kính viễn vọng không gian được đề xuất xây dựng từ năm 1923. Kính Hubble được đầu tư vốn trong những năm 1970 và dự định phóng lên quỹ đạo vào năm 1983, tuy nhiên dự án sau đó bị thay đổi do vấn đề kỹ thuật, ngân sách và thảm họa nổ tàu Challenger. Khi được phóng lên vào năm 1990, các nhà khoa học thấy rằng tấm gương chính của kính đã bị đặt sai vị trí và làm giảm sút nghiêm trọng khả năng của kính. Tuy nhiên sau một sứ mạng sửa chữa vào năm 1993, chiếc kính đã khôi phục chất lượng ban đầu.

Hubble đã tạo ra một bước đột phá quan trọng trong quan sát thiên văn trong phổ quang học, tử ngoại và hồng ngoại cho thời kỳ này, nhờ vào ưu điểm là quan sát các thiên thể mà không bị ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất. Nó có thể thu nhận ánh sáng từ vật thể cách xa 12 tỉ năm ánh sáng. Nó lần đầu tiên sử dụng công nghệ Multi-Anode Microchannel Array (MAMA) để ghi nhận tia tử ngoại nhưng loại trừ ánh sáng. Nó có sai số trong định hướng nhỏ tương đương với việc chiếu một tia laser đến đúng vào một đồng xu cách đó 320 km và giữ yên như thế.

Mặc dù không phải là kính viễn vọng không gian đầu tiên, Hubble là chiếc kính lớn nhất và tinh xảo nhất, được coi là công cụ nghiên cứu quan trọng và là một sản phẩm khiến người ta đam mê ngành thiên văn học. Nhiều người nhờ Hubble đã đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên thể. Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động, chiếc kính này đã bị hư hỏng một số bộ phận. Các nhà khoa học cho biết nếu không có sự sửa chữa và nâng cấp các thiết bị cùng việc thay pin, kính sẽ ngừng hoạt động.

* Sứ mạng nguy hiểm

Vì lẽ đó, NASA đã tổ chức sứ mạng sửa chữa kính thiên văn Hubble số 125 nhằm kéo dài thêm thời gian sống của thiết bị có biệt danh "con gà tây công nghệ này". Hubble đã được thiết kế theo dạng modul để các phi hành gia tháo gỡ, thay thế hoặc sửa chữa từng mảng bộ phận. Kể từ khi ra đời tới nay, Hubble đã trải qua 4 sứ mạng sửa chữa. Nhưng sứ mạng cuối này được coi là rất đặc biệt.

Để tới được với Hubble, tàu Atlantis chở các phi hành gia phải đuổi theo và bắt kịp chiếc kính ở tốc độ khoảng 28.000km/h rồi leo lên nó để sửa chữa ở độ cao khoảng 500km cách mặt đất. Tuy nhiên con tàu sẽ phải hoạt động trong một quỹ đạo có nguy cơ bị rác vũ trụ tấn công cao hơn tiêu chuẩn thông thường, với tỉ lệ 1/185 trong khi các hướng dẫn an toàn của NASA chỉ chấp nhận nguy cơ tối đa là 1/200. Đó là còn chưa kể tới hàng loạt các mảnh vỡ sau vụ va chạm hai vệ tinh viễn thông mới đây, làm tăng mối đe dọa với con tàu và các phi hành gia.


Phi hành đoàn tham gia sửa chữa kính Hubble


“Trong khi các chuyến bay lên trạm vũ trụ quốc tế cũng gặp nguy cơ về rác vũ trụ, phi hành đoàn có thể ở lại trên trạm và chờ đợi một con tàu vũ trụ khác tới giải cứu. Tuy nhiên chúng tôi không có sự lựa chọn đó" - chỉ huy sứ mạng, đại úy Scott Altman cho biết. Chuyến đi kéo dài 11 ngày, dự kiến bắt đầu từ ngày 11/5 và sẽ chỉ mang đủ nước, oxy và thực phẩm để ở lại trên không gian 25 ngày.

Nguy cơ quá lớn mức mức NASA đã phải điều Endeavour, một chiếc tàu "chị em" với Atlantis, sẵn sàng trên bệ phóng để giải cứu cho phi hành đoàn nếu con tàu bị rác vũ trụ phá hỏng. NASA cũng phải vời tới những con người giàu kinh nghiệm như Altman. Ông là một cựu phi công bay thử với đầy chiến tích của Hải quân Mỹ. Ông đã bay hơn 40 loại máy bay với hơn 4.000 giờ bay và được tặng thưởng 7 huy chương trước khi chuyển tới NASA và tham gia vào ba chuyến bay lên không gian khác nhau. Đây là lần đầu tiên trong 28 năm lịch sử chương trình tàu vũ trụ, NASA lại có động thái cẩn trọng như vậy. Song tất cả chỉ để đảm bảo cho các phi hành gia có một chuyến đi và trở về an toàn.

Sau nhiệm vụ bảo trì lần cuối này, Hubble sẽ "sống" thêm 5 năm nữa. Sau đó nó sẽ bị thay thế bởi những nhân vật kế nhiệm hiện đại hơn như kính thiên văn James Webb hay kính thiên văn ATLAST.


Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm