TBN và Italia từ Johannesburg đến Kiev: Kẻ thay đổi, người hoài niệm

01/07/2012 11:37 GMT+7

(TT&VH) - Mùa Hè 2010, Italia đến Nam Phi với một bộ mặt bạc nhược trong khi Tây Ban Nha lần đầu tiên bước lên đỉnh cao thế giới. Bây giờ, thời thế đã thay đổi. Cuộc cách mạng mà Cesare Prandelli thực hiện đã đưa Azzurri trở lại vị thế hàng đầu thế giới, và sẵn sàng để phá vỡ sự thống trị của người TBN - với bộ khung được giữ nguyên từ hai năm trước.

Năm 2010 đánh dấu ngã rẽ lớn của hai nền bóng đá Italia và Tây Ban Nha. Dù Inter giành danh hiệu quán quân Champions League, nhưng đội bóng ấy không hề mang chất Italia, khi kiến trúc sư và những gương mặt chủ lực đều là người nước ngoài. Ở cấp ĐTQG, Italia thất bại thảm hại ngay từ vòng bảng World Cup - dù các đối thủ của họ không mạnh.

Italia đi xuống, còn Tây Ban Nha bước lên tột đỉnh vinh quang. Lần đầu tiên trong lịch sử, TBN được nếm trải hương vị của ngai vàng bóng đá thế giới. Bằng nền tảng sức mạnh Barca, La Seleccion vượt qua mọi rào cản để khẳng định sự thống trị.

Hai năm sau ngày ấy, TBN vẫn là một quyền lực khó bị đánh bại, nhưng Italia cũng không còn bạc nhược như trước. Azzurri đã khoác lên mình một hình ảnh mới, tươi đẹp và đầy sức sống.

Cuộc cách mạng của Prandelli

“Tôi có một ý tưởng quan trọng, và muốn phát triển nó với Italia” - Prandelli nhắc đi nhắc lại về mục tiêu của ông với Azzurri. Ý tưởng ấy, theo những gì mà ta đang được thấy qua màn trình diễn của Italia ở EURO 2012, xoay quanh hàng tiền vệ. Tuyến giữa của Azzurri trở thành chìa khóa vận hành lối chơi; ngăn chặn từ xa mọi đợt tấn công của đối thủ; kiểm soát bóng và thế trận bằng những pha phối hợp nhịp nhàng; tạo đột biến nhờ sự gắn kết mạch lạc. Một điểm nữa, ý tưởng của Prandelli chính là việc giúp các cầu thủ cảm nhận được rằng, không gì có thể ngăn cản khát vọng của họ. Italia là đội bóng giàu truyền thống, có bản sắc, và luôn chiến đấu với tinh thần cao nhất.


Italia rất thành công với những nhân tố mới - Ảnh: Getty

Để biến ý tưởng thành hiện thực, Prandelli đã thực hiện cuộc cách mạng toàn diện về nhân sự. Cánh cửa Azzurri mở rộng cho bất kỳ ai, kể cả những cầu thủ ngoại mang quốc tịch Italia (Ledesma). Vòng loại EURO 2012 là khoảng thời gian quan trọng nhất cho những cuộc sàng lọc và thử nghiệm. Kết quả của việc “đãi cát tìm vàng” là 13 nhân tố mới so với giai đoạn của người tiền nhiệm Marcello Lippi.

Sự đa dạng của “PrandItalia” được thể hiện khi luôn có những nhân tố đặc biệt tỏa sáng. Motta chơi rất hay ở trận ra quân, và khi chấn thương đã có Montolivo đóng thế thành công (đường chuyền tuyệt vời ở trận bán kết); Diamanti luôn biết cách tỏa sáng; Balzaretti ấn tượng ngay cả khi đá cánh phải…

Hai năm sau ngày chết chìm ở Nam Phi, Italia đang tự tin hướng đến đỉnh cao danh vọng.

Del Bosque và ký ức Johannesburg

13 Trong đội hình Italia dự EURO 2012, có đến 13 người hoàn toàn mới so với hai năm trước, khi HLV Marcello Lippi còn tại vị.

0 Dưới sự dẫn dắt của Prandelli, Italia không thua bất kỳ một trận chính thức nào, tính đến thời điểm này (gồm 10 trận vòng loại, 5 trận VCK EURO 2012).

4 HLV Del Bosque đã mang đến 19 người từng có mặt ở Nam Phi đến EURO 2012. Trong số bốn người mới, chỉ có Alba giành được vị trí chính thức.

Italia phải thay đổi, nhưng Del Bosque chẳng có lí do gì để làm điều tương tự với Tây Ban Nha. Trong đội hình nhà ĐKVĐ châu Âu và thế giới, chỉ có đúng 4 vị trí không góp mặt ở Nam Phi 2 năm trước, gồm Jordi Alba, Santi Cazorla, Negredo và Juanfran. Trong số này, chỉ Alba được đá chính, và vai trò của những cầu thủ còn lại là ghế dự bị. Juanfran thậm chí còn chưa đá phút nào.

Điều đó cũng đồng nghĩa, chắc chắn sẽ có đến 10 gương mặt từng nâng cao Cúp vàng thế giới sẽ dự trận chung kết với Italia. Del Bosque thậm chí có thể tung ra sân ít nhất 7 người từng đá chính với Hà Lan trên sân Soccer City (Johannesburg). Họ là Casillas, Ramos, Pique, Alonso, Busquets, Xavi và Iniesta. Con số này có thể là 8, nếu Del Bosque xem Pedro là một nhân tố đặc biệt, và xếp anh đá chính trận đầu tiên (cũng là cuối cùng) tại EURO 2012.

Những ký ức của mùa hè 2010 vẫn còn đậm nét trong tâm trí “ngài râu kẽm”, và ông đang muốn sống lại cảm giác đầy ngọt ngào ấy. Đội hình có sự gắn kết và quá hiểu nhau từ nhiều năm qua là một lợi thế. Tuy vậy, đó cũng có thể là con dao hai lưỡi, nếu cách chơi của họ bị người Italia bắt bài. Không đâu xa, ở trận ra quân, Italia đã khiến TBN gặp nhiều vất vả.

Tây Ban Nha vượt trội về kinh nghiệm

Dante Panzeri, cố nhà báo Argentina (1921-1978), sinh ra tại Rosario (quê hương của Messi), đã viết trong một cuốn sách nghiên cứu về bóng đá của mình: “Bóng đá là một cuộc chơi năng động hơn bất kỳ sự tưởng tượng nào. Nó là thứ mà không phải được giảng dạy là giỏi. Bởi vì, nó là cuộc chơi của 22 người, với chỉ một quả bóng. Một phần kết quả phụ thuộc vào kinh nghiệm của người chơi”.

Quả thực, kinh nghiệm làm nên bản lĩnh, và nó tác động rất lớn vào kết quả cuộc chơi. Trong trận chung kết giữa TBN và Italia, kinh nghiệm của các học trò HLV Del Bosque - gồm phần lớn là những người bước lên đỉnh cao ở Nam Phi 2 năm trước, cũng như EURO 2008 - vượt trội so với đối thủ.

Xét theo đội hình chính của hai đội ở vòng bảng, Jordi Alba là thành viên duy nhất của TBN đá dưới mốc 40 trận. Ngoài ra, TBN có đến 3 người đá nhiều hơn 100 trận (Casillas, Alonso, Xavi). Riêng Casillas đang giữ kỷ lục 136 lần khoác áo La Seleccion, vượt xa con số 119 trận của Gigi Buffon - người chơi nhiều nhất của Azzurri hiện tại.

Tổng số trận của 11 người đá chính bên phía TBN trận ra quân là 781. Nghĩa là trung bình mỗi cầu thủ TBN đã dự 71 trận quốc tế.

Trong khi đó, Italia có 4 người đá chưa đến 20 trận cho ĐTQG (Maggio, Bonucci, Balotelli và Motta); 6 người đá dưới 40 trận (có thêm Cassano và Marchisio). Tổng cộng, các cầu thủ Italia đá 462 trận, trung bình mỗi người đã dự 42 trận quốc tế, con số thấp hơn rất nhiều TBN. Dù vậy, khi mà Prandelli đang cho thấy ông có thể khắc phục được điểm yếu này, Italia sẽ là thách thức lớn cho nhà ĐKVĐ.


Ngọc Huy

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, Italia hay Tây Ban Nha sẽ là nhà vô địch châu Âu 2012?


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm