Harvard, chính trị... và 'Ly cocktail hảo hạng' Pink Martini

18/03/2015 14:50 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Đặt mục tiêu theo đuổi con đường chính trị nhưng cuối cùng âm nhạc tìm thấy họ cùng sứ mệnh cao cả: “trả lại sự lãng mạn cho âm nhạc”.

20 năm qua nhóm Pink Martini “là thứ âm nhạc dành cho những kẻ suốt đời chỉ luôn tìm kiếm giai điệu đẹp”. Ngày 3/4 tới đây, công chúng TP.HCM sẽ được đắm chìm trong những giai điệu tuyệt đẹp ấy…

Kẻ pha chế đại tài

Nếu Thomas Lauderdale kiên định với con đường của mình, giờ có lẽ đã trở thành một nhân vật có máu mặt trên chính trường Mỹ, ngay cả giấc mộng Thị trưởng Portland không phải là quá xa vời. Đam mê chính trị, hoạt động xã hội cực kỳ năng nổ, tốt nghiệp bằng ưu tại Harvard, từng là trợ lý cho cho Thị trưởng Bud Clark…, con đường công danh rộng mở với Thomas Lauderdale chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhưng thời gian cũng đã khắc lên cuộc đời Thomas Lauderdale một mảng màu sẫm hơn để khi vừa tốt nghiệp đại học Thomas nhận ra rằng mình là người… hoài cổ. Những người bạn thiếu thời của Thomas vẫn nhớ hoài cậu bạn học lúc nào cũng ẩn mình trong những bộ trang phục lạ mắt, một kiểu pha trộn tân thời với cổ điển mà lại chẳng theo xu hướng nào, phát ngôn dị biệt và luôn khác lạ với những người xung quanh. Lạ hơn, Thomas là một tay piano cổ điển cừ khôi nhưng lại rất thích âm nhạc cấp tiến.

Cho đến một ngày Thomas phải tự trả lời mình một câu hỏi: “Đi theo con đường chính trị, hàng ngày đối mặt với cả núi công việc, phải tự tay cắt đi 75% ngân sách bang và làm việc dưới ánh đèn huỳnh quang cả ngày trời hay trở thành một nhạc sĩ và tự do ca hát?”. Cuối cùng Thomas chọn tự do và âm nhạc của anh sẽ không mang theo chính trị. Năm 1994, nhóm nhạc Pink Martini ra đời và khởi thủy của nó là ca hát để gây quỹ cho các… chính trị gia.

Sự mâu thuẫn trong những hành động và việc làm của Thomas Lauderdale nhiều khi lại là sư may mắn cho âm nhạc. Để giải quyết các mâu thuẫn, Thomas trở thành một kẻ pha chế. Và ở lĩnh vực âm nhạc, Thomas là một tay pha chế đại tài.

Ly cocktail hảo hạng

Pink Martini có thể xem là một nhóm nhạc lạ lùng của Mỹ. Người ta không biết nên xếp nhóm này vào dòng nhạc nào…

Như thể một ốc đảo nhỏ, Pink Martini chọn cho mình một chỗ chơi đùa vùa đủ, ở đó âm nhạc của họ như một kiểu party ngoài trời vui vẻ, có jazz, swing, Latin, cổ điển… Cứ thế bữa tiệc lớn dần lên và dần dà ốc đảo trở thành một hòn đảo lớn, các thần dân của nó đông dần.

New York Times gọi Pink Martini là một dàn nhạc nhỏ với chất lượng âm nhạc đẳng cấp. Còn Thomas Lauderdale nói rằng “Sứ mệnh của chúng tôi là đem âm nhạc trở lại. Sự trở lại này theo hàm nghĩa là dựa vào những giá trị cũ để tiếp tục mở rộng thị phần công chúng. Chúng tôi không đặt nặng chuyện tài chính, vấn đề là đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người bởi trong cuộc đời chúng ta, chỉ khác nhau thời điểm, lúc nào cũng buồn”.

Pink Martini hoài cổ nhưng không nệ cổ. Âm nhạc của họ là một sự pha trộn bằng âm nhạc và cả văn hóa vùng miền. Chỉ khoảnh khắc trước có cảm giác như đang lâng lâng trong hương vị của quán Café De Flore tận Paris nhưng ngay bài sau bạn thấy mình như đang ở tâm lễ hội samba tận mãi Brazil. Âm nhạc của Pink Martini tạo một men say vừa đủ để khuấy lên trong lòng một chút hoài niệm và trong cơn lâng lâng, quá khứ sẽ mỉm cười. Chẳng có nỗi buồn trong âm nhạc của Pink Martini, chỉ là sự rung động và những niềm hy vọng phấp phới.

Năm 1997 album đầu tay của Pink Martini trình làng, Sympathique, với sáng tác của Thomas và giọng hát quyến rũ thần sầu của China Forbes. Chính China Forbes đã biến Sympathique thành một bữa tiệc diễn xuất bằng âm nhạc gợi cảm đến run người. Cây viết Nate Chine của NYT phải nói rằng: “Khi cô ấy hát tiếng Pháp, không nghi ngờ gì nữa, giọng hát run rẩy ấy đích thị là hình bóng của Edith Piaf. Khi Forbes chuyển sang bài Nhật thì những tiếng thì thầm không thể lẫn vào đâu được còn khi chuyển sang nhạc Arab thì cô ấy như thể đang đeo chiếc khăn voan che mặt. Tất cả không có hình dáng nào là mô phỏng. Cô ấy thật sự đã hóa thân”. Ca khúc đầu tiên trong album này, Amado Mio (bài hát rất nổi tiếng từ bộ phim phát hành năm 1946, Gilda), được xem là bài hát hay nhất trong sự nghiệp của China Forbes.  

Ca khúc khác, La Soledad, cũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao khi Thomas mở đầu bài bằng đoạn piano intro trích từ bản Andante Spianato Op số 22 của Chopin và sau đó là những giai điệu Latin mượt mà tuôn chảy theo. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà rất thích ca khúc này và ông đã đặt lời Việt thành Ngủ đi em một thời cũng rất được yêu thích qua tiếng hát Nguyễn Hưng.

Sympathique được xem là tuyên ngôn âm nhạc của Pink Martini và điều ấy chưa bao giờ thay đổi. Cả 7 album của Pink Martini đến giờ này vẫn là một là một thứ cokctail hảo hạng và chưa bao giờ nhàm chán. Âm nhạc của họ khiến người nghe bần thần ngay từ giai điệu đầu tiên. Nhạc tính của Pink Martini rất mạnh phần giai điệu và kỹ thuật chơi nhạc cụ của họ cũng rất cao. Họ chắt ra những âm thanh rất tinh tế, ngẫu hứng, tràn ngập sự mới lạ.

Bí quyết cho sự thành công của Pink Martini, như lời Thomas mô tả là “sự cực đoan dịu dàng”, bất chấp có những người khó chịu khi nhóm nhạc này không đếm xỉa gì đến văn hóa rock ’n’ roll hay R&B. Vì với Pink Martini, âm nhạc phải đến trước tất cả những thứ đó…

Nhóm nhạc Pink Martini sẽ có một buổi biểu diễn duy nhất tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) vào ngày 3/4 tới trong tour lưu diễn tại Đông Nam Á. Chương trình sẽ gồm những bài hát hay nhất của nhóm trong 20 năm qua như Amado Mio, Lilly, Let’s Never Stop Falling In Love, Sympathique... Giá vé từ 500.000 đến 3 triệu đồng.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm