Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi: Tôi thấy vẫn còn ít thẻ

18/05/2010 14:14 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Vòng 12 V-League có dấu hiệu biến chứng khi số thẻ vàng cùng đỏ tăng đột biến và lối chơi bạo lực vẫn là điểm nóng. Điều gì đã và đang xảy ra với giải chuyên nghiệp? TT&VH phỏng vấn ông Mùi nhằm tìm ra câu trả lời cho vấn đề nói trên.

* Vòng 11, số thẻ vàng là 26, số thẻ đỏ là 1 nhưng đến loạt trận thứ 12 đã tăng lên đột biến với 38 thẻ và và 3 thẻ đỏ. Ông có thấy bất thường không?

- Không, tôi thấy bình thường. Thậm chí, như thế vẫn còn ít thẻ so với sức nóng ở các sân. Có nghĩa trọng tài vẫn còn bỏ sót thẻ, vẫn chưa thực sự dũng cảm để đương đầu triệt để với các hành vi bạo lực. Ví dụ Chinedu đánh nguội Lazaro, đấy là tình huống phải lập tức rút thẻ đỏ. Chúng tôi đang chờ mở băng xem trọng tài Hoàng Anh Tuấn thực sự không nhìn thấy hành vi bạo lực của Chinedu, hay thấy mà không xử lý. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, tôi dám khẳng định trọng tài Tuấn sẽ bị kỷ luật.


Đấy là sự sòng phẳng. Chẳng hạn như Đỗ Quốc Hoài đã bắt rất rắn, rất dũng cảm và chuẩn xác  trên sân Chi Lăng vòng này. Hoài đã trưởng thành sau khi bị “phốt” vì để sót hành vi bạo lực của Benicio, trận HN.T&T gặp SLNA vòng 9 trên sân Hàng Đẫy.


* Ông thấy cơn bão thẻ như thế vẫn còn ít ư? Vậy phải chăng ban Kỷ luật và HĐTT QG khuyến khích  trọng tài nên tiếp tục gia tăng thẻ?


- Khuyến khích thì không, nhưng trọng tài không nên rụt rè trong việc rút thẻ với bạo lực sân cỏ. Nhưng muốn thể hiện được cái uy, trọng tài phải chứng minh được mình có chuyên môn, có tâm với nghề và có thiện chí với cầu thủ. Như thế cầu thủ họ mới tôn trọng các quyết định của trọng tài.



 Ông Mùi cho rằng các trọng tài ở V-League vẫn chưa dùng hết số thẻ vàng lẽ ra phải sử dụng.

Theo tôi, với bóng đá VN, muốn ngăn ngừa bạo lực cũng cần trọng tài phải thật nghiêm khắc, ban Kỷ luật cũng vậy. Nếu có những vụ giảm án, thì dứt khoát không nên giảm cho cầu thủ bạo lực.

Tuy nhiên, ý thức của các đội bóng mới là quan trọng. Tôi đồng ý với quan điểm của TT&VH từng đề cập vấn đề: tại sao cầu thủ Bình Dương không dám gây sự với trọng tài sau khi họ cho rằng bàn thắng ấn định tỷ số 4-3 của SHB.ĐN là việt vị? Bàn thắng đó sẽ tước hết cơ hội của họ cơ mà, chứ đâu còn thời gian sửa sai như V-League. Xin thưa, vì đụng đến trọng tài là chạm đến AFC.


Nhưng chỉ 3 ngày sau, cũng từ tình huống tương tự trên sân  Đồng Tháp, thì B.BD đã làm loạn cả cầu thủ lẫn HLV. Với tình huống gián đoạn trận đấu như thế, ban Kỷ luật cũng nên phạt đội bóng này để làm gương, tạo dựng kỷ cương.


*  Ông đã nhiều lần phàn nàn trọng tài  còn nhẹ tay với bạo lực sân cỏ. Nếu từ đầu giải, ban Kỷ luật, lực lượng trọng tài tuyên chiến với vấn nạn này, thì đâu đến mức mất kiểm soát như hiện nay, để rồi  chỉ còn cách phạt thẻ thật nhiều như một hình thức gọi là nghiêm.


- Tôi nói rồi, bạo lực, phản ứng vô lối đã thành căn bệnh không thể chữa một sớm một chiều với bóng đá VN. Các CLB phải đi tiên phong trong việc thực hiện luật chơi của bóng đá chuyên nghiệp, bởi họ mới là nhân vật chính.


Lẽ ra, khi cầu thủ mình sai, chơi bóng ác ý hoặc phản ứng phi đạo đức bị thẻ đỏ, bị kỷ luật, họ phải ủng hộ trọng tài cũng như ban Kỷ luật. Đằng này, phần lớn phản ứng tiêu cực. Hình thức thường thấy nhất là viết đơn xin giảm án. Vậy thì lạ gì họ không sẵn sàng lách luật, bẻ luật hoặc muốn “ăn tươi, nuốt sống” trọng tài.


* Ông dự đoán 14 vòng đấu còn lại sẽ thế nào?


- Theo tôi, sẽ còn nóng hơn nữa. Tôi không sợ bạo lực, chỉ sợ trọng tài không đáp ứng được chuyên môn hoặc thiếu lòng dũng cảm thôi. Nếu đáp ứng được 2 tiêu chí đó, chẳng có gì phải sợ hãi trong việc rút thẻ nhiều với tình trạng bạo lực gia tăng như hiện nay.


* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỮU QUÝ (thực hiện)

Đừng trở về vạch xuất phát

Sau cơn bão tiêu cực, trong cuộc họp sơ kết lượt đi mùa giải 2006, GĐKT HA.GL, Nguyễn Văn Vinh từng nêu lên một thực trạng các trọng tài để khỏa lấp trình độ chuyên môn còn hạn chế, để vãn hồi cái uy, đã thể hiện bằng cách rút thẻ vô tội vạ. HLV Lê Thụy Hải thì đỏ gay mặt bức xúc: “Trọng tài cứ chỉ mặt cầu thủ mắng xơi xơi là sao”.

Giờ đây,  ngôn ngữ trọng tài đã được chấn chỉnh, nhưng cơn bão thẻ thì đang lên cao điểm, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Phải chăng cũng là hàn thử biểu đánh giá năng lực trọng tài chưa bắt kịp với bóng đá chuyên nghiệp, trong bối cảnh này.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm