Nhạc nền phim Việt - Giã từ tuổi hồng hoang

30/11/2010 07:58 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Kể từ thời mà cứ hễ nhân vật trong phim buồn bã là những giai điệu nhè nhẹ của Secret Garden được tấu lên cho đến lúc một hợp đồng làm nhạc nền (film score, hay còn gọi là nhạc tình huống) cho phim Việt có giá trị được tính theo đơn vị nghìn đô, nhạc phim và nhạc nền cho phim Việt đã đi được một chặng đường dài.

Người anh nhạc phim và cây khế vàng trong sân  

Từ xưa nhưng không xa lắm, khi nền công nghiệp phim truyền hình Việt Nam bắt đầu rục rịch phát triển, hầu hết mỗi một bộ phim đều thủ cho mình một ca khúc đinh để bắt người nghe phải nhớ đến mình. Giã từ dĩ vãng, Trống vắng, Thiên đường mong manh, Chị tôi, Cô Tấm ngày xưa, Những nẻo đường phù sa… đều có thể xem là đã vượt khỏi bối cảnh của bộ phim và tiếp tục duy trì sức sống độc lập, bền bỉ của mình trong lòng người hâm mộ.

Tới nay, khi nền phim ảnh Việt Nam phát triển năm sau gấp đôi năm trước, những ca khúc chính (main theme) hay những bộ nhạc phim (original soundtrack, viết tắt là OST) đã có được vị trí xông xênh với những mức cát-sê sẵn sàng lên đến con số (vài) trăm triệu là chuyện bình thường như trường hợp của Nữ tướng cướp, Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc, Để mai tính...

Cùng với hình ảnh, có vẻ như cả khâu âm thanh của các bộ phim cũng đã được chú trọng, trở thành một trong những phương tiện thông tin dễ lan truyền và thu được hiệu quả cao nhất. Chỉ cần một bài hát tạo được “hit” trong từ 2 đến 3 tháng, tự khắc thông tin liên quan về bộ phim cũng được mọi người nhắc tới, chưa kể còn được cập nhật liên tục mà không phải tốn quá nhiều chi phí vào khâu quảng cáo.

Với những nhạc sĩ có khả năng viết nhạc phim, sự phát triển của điện ảnh Việt như cây khế mọc trái vàng ở ngay trong sân, chẳng cần đi xa xôi cũng có mùa quả vàng ươm.


Loại nhạc hay được “lẩy” làm nhạc nền một thời

Một thu ở “vô tư”

Trong khi đó, nhạc nền dù cũng là một phần âm nhạc của bộ phim lại không có được số phận may mắn như vậy.

Giữ tư tưởng nhạc nền - hay nhạc tình huống - chỉ dùng để phụ họa cho tình huống chứ không tạo ra ảnh hưởng đặc biệt với người xem, khâu lồng nhạc của các bộ phim truyền hình đều được thực hiện hết sức qua loa. Chủ nhiệm phim (producer) hay đạo diễn của mỗi bộ phim sẽ giao khoán cho người phụ trách xử lý kỹ thuật âm thanh và họ chỉ thực hiện một thao tác đơn giản là vào kho nhạc sẵn có của mỗi hãng phim (library music), chọn ra vài bài vừa tai, vài đoạn nhạc hợp cảnh và cứ như vậy “nhét” vào tình huống phim.

Chính vì vậy mới có chuyện khán giả nhiều phen chưng hửng khi tới cảnh lãng mạn yêu đương lại ngờ ngợ nghe ra những giai điệu nhạc hiệu dự báo thời tiết hay bản tin kinh tế, mà chung quy vì sự lựa chọn cũng chỉ nằm quanh quẩn trong những cái tên như Yanni, Kitaro hay Secret Garden. Sau này khi khả năng tiếp xúc với các nguồn văn hóa ngoại lai tăng lên, kho nhạc của các nhà đài cũng phong phú hơn với nguồn từ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc hay những bộ phim hoạt hình anime của Nhật Bản. Thậm chí có một bài báo đã từng chỉ ra phim Nước mắt và Danh vọng sử dụng nhạc phim Clannad, hay cùng trong bộ phim Thứ ba học trò xuất hiện cả nhạc của Trái tim mùa Thu (phim Hàn) và 1 Litre of Tears (phim Nhật), khiến khán giả trót yêu các bộ phim nước ngoài nói trên không khỏi sửng sốt và tức tối.

Các hãng chính còn vậy, nên dễ hiểu khi hầu hết các đạo diễn trẻ độc lập hiện nay của Việt Nam đều hình thành sẵn nếp tư tưởng xài đồ “chùa” ngay từ khi còn ở trong trường hay chập chững làm những thước phim đầu tiên. Và tất nhiên nguyên nhân chủ quan đầu tiên được nhắc đến luôn rất dễ đoán: tiền đâu mà làm!?

Với yêu cầu mỗi năm phải thực hiện (ít nhất) 1 phim trong suốt 3 năm theo học khóa đạo diễn đào tạo chính quy tại trường Sân khấu Điện ảnh, kinh phí trung bình cho một bộ phim của 2 năm đầu rơi vào khoảng từ 5 tới 10 triệu, và dù được hỗ trợ ưu đãi tiền thuê máy quay, số tiền đó vẫn được xem là quá ít ỏi để đầu tư nghiêm túc cho những khâu phụ như... làm nhạc phim chẳng hạn.

Tại hội đàm của liên hoan phim độc lập Yxine Film Fest, một đạo diễn trẻ xuất thân từ trường Điện ảnh cho biết phương thức lựa nhạc phổ biến của bạn vẫn là tới cửa hàng băng đĩa ngồi nghe hết đĩa này đến đĩa khác cho tới khi lựa được âm nhạc phù hợp với cảnh quay thì chọn đem vào phim. Yêu cầu quá cao trong khi ý thức bản quyền lại hầu như bị tiêu biến, chẳng có gì lạ khi biết rằng cũng đạo diễn này đã khước từ sự giúp đỡ từ chính những người bạn sáng tác ở trong nước vì cho rằng chưa đạt tầm... Hollywood.  

Hồng hoang ơi xin giã từ

Thực ra, hiện trạng cố tình “cầm nhầm” nhạc phim như hiện tại không phải chỉ là căn bệnh đặc thù của giới làm phim Việt Nam. Ngay cả ở Mỹ, trong những bộ phim có ngân sách cực thấp, hay là phim sinh viên, vẫn có một số nhà làm phim sử dụng lại nhạc từ những bộ phim khác. Dẫu sao, cùng với tốc độ và quy mô phát triển nhanh chóng của điện ảnh Việt, nhu cầu tưởng chừng rất cơ bản này cũng bắt đầu được chú trọng.


Nhạc sĩ Đức Trí, người nhận hợp đồng viết nhạc phim
kỷ lục 100 triệu đồng đầu tiên ở Việt Nam


Ở mảng phim truyền hình, nhà sản xuất tìm đến những nhạc sĩ như Quốc Bảo, Đức Trí, tin tưởng giao cho họ sáng tác cả ca khúc chủ đề lẫn một bộ dao động từ 70 đến 100 track nhạc tình huống lồng vào các diễn tiến trong phim. Có thể kể đến những bộ phim đã phát sóng như Người đẹp Bình Dương, Hoa dã quỳ dưới bàn taycủa nhạc sĩ Quốc Bảo, hay gần đây là bộ phim Cá rô em yêu anh qua phần “phù phép” của Đức Trí. Mới chỉ cách đây vài năm, mức tiền cát-sê cho một nhạc sĩ để theo suốt mấy chục tập của bộ phim là không đủ sống thì giờ đây những bản hợp đồng trị giá nghìn đô cho việc thực hiện nhạc phim đã không quá xa lạ và đủ để người nhạc sĩ sẵn sàng chiều theo những nhu cầu khắt khe từ ê-kíp sản xuất.

Giới làm nhạc phim Việt còn phải kể đến một số tên tuổi đáng chú ý khác như (vẫn là) nhạc sĩ Đức Trí thực hiện nhạc nền cho phim Huyền thoại bất tử, Áo lụa Hà Đông (hay một dự án gần tương tự là nhạc kịch Ngàn năm tình sử...), nhạc sĩ cổ điển đương đại (contemporary classical) người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiện Đạo với phần nhạc nền xuất sắc cho bộ phim Trăng nơi đáy giếng...

Ở cấp độ thấp hơn, sự xuất hiện của những bạn trẻ với đam mê làm nhạc phim Feel of Life Records (http://www. facebook.com/folrecords) đem lại một làn gió mới cho những bộ phim độc lập hay phim sinh viên kinh phí thấp tại Việt Nam. Chính một thành viên của nhóm là người thực hiện phần nhạc nền âm u huyền bí cho bộ phim kinh dị Số tử (The 4th) đã đoạt giải tại Liên hoan phim Sinh viên quốc tế tại Mỹ. Hiện tại, nhóm còn đang mở rộng hợp tác với các đạo diễn trẻ không chỉ tại Việt Nam mà còn đến từ nhiều nơi trên thế giới với tiêu chí “Âm nhạc là hơi thở của cuộc sống và không có biên giới nào ngăn cách”.

Những thái độ làm nghề nghiêm túc đó không chỉ do kinh phí dành cho các bộ phim ngày càng tăng lên mà còn là một yếu tố bắt buộc gắn liền với khát khao chuyên nghiệp hóa nền điện ảnh Việt Nam và mong muốn đưa điện ảnh Việt hội nhập với xu hướng chung của nền công nghiệp làm phim quốc tế.

Dù thường xuyên bị chê bai và nhận xét tiêu cực, không phủ nhận rằng điện ảnh Việt vẫn đang đi đúng hướng con đường của mình, vẫn phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng. Cùng với đó, cần nhiều hơn nữa những tư duy chuyên nghiệp để thực sự nhận ra được vai trò của việc làm nhạc nền cho phim, một trong những khâu cuối cùng nhưng không vì thế mà kém quan trọng trong việc quyết định mạch cảm xúc của khán giả. Như chính Hans Zimmer - nhà soạn nhạc người Đức thực hiện nhạc nền cho hai siêu phẩm The Dark Knight, Inception..., đã nhận xét: “Một bản nhạc mang theo mình một hình ảnh, trở thành một ấn tượng không thể quên được cho bộ phim. Và đôi khi sẽ có một khoảnh khắc rất ngắn, khi bản nhạc kia không còn phụ thuộc vào bộ phim nữa, nó sẽ đứng riêng ra như một sáng tác âm với một vẻ đẹp của riêng mình”.

Đón đọc Bài Kết - Christopher Wong: Không nhất thiết phải thuần Việt

Lê Hiển

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm