16/06/2021 09:10 GMT+7 | Hậu trường
(Thethaovanhoa.vn) - Tiền vệ ngôi sao Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bỗng nhiên gục ngã và bất tỉnh trên sân cỏ EURO 2020 không chỉ khiến cả thế giới phải bàng hoàng, mà ở góc độ y tế, đây còn là lời cảnh tỉnh cho cả làng cầu thế giới, không chỉ với bóng đá chuyên nghiệp mà cả bóng đá phong trào, cộng đồng. Trong số báo này, xin được giới thiệu đến độc giả bài viết của chuyên gia sơ cấp cứu người Australia, ông Tony Coffey - Giám đốc đào tạo tại Kỹ Năng Sinh tồn (Survival Skills Vietnam - SSVN) viết riêng cho Thể thao và Văn hóa.
Sự cố của Christian Eriksen là gì? Có thường gặp không?
Sự cố cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen đột ngột tự ngã gục rồi rơi vào trạng thái bất tỉnh và nhanh chóng bị ngưng thở ngưng tim, trong y học được gọi là tình trạng “Ngưng tim đột ngột”. Đây là tình trạng mà trái tim 1 người đột ngột không thể thực hiện chức năng thông thường của nó là co bóp để bơm máu do hệ thống điện tim đột ngột bị sự cố nào đó. Sự cố điện tim này khiến tim giật hoặc rung bất thường, thay vì co bóp nhịp nhàng để đẩy máu lên não và các cơ quan trong cơ thể. Rất may mắn là cầu thủ Eriksen đã nhận được sự sơ cấp cứu cực kỳ nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp từ đồng đội cũng như đội ngũ y bác sĩ trên sân bóng nên duy trì được tính mạng của mình.
Chứng Ngưng tim đột ngột, tiếng Anh là Sudden cardiac arrest-SCA, có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào, từ trẻ em đến người lớn, ở người khỏe mạnh đang có hoặc không có bất kỳ bệnh lý nền nào.
Khi tình trạng rung tim đột ngột xảy ra, sau 3-4 phút não của người bị nạn sẽ bắt đầu chết dần và tử vong thường xảy ra sau vài phút nếu họ không được sơ cấp cứu ngay đúng cách ngay lập tức. Chứng Ngưng tim đột ngột có ít hoặc không có dấu hiệu gì báo trước, không thể chẩn đoán trước nên đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng và phụ thuộc rất lớn vào việc sơ cấp cứu ban đầu đúng và kịp thời của những người xung quanh.
Theo số liệu năm 2020 của Hiệp hội Tim mạch Úc và Mỹ thì tỉ lệ người bị chứng Ngưng tim đột ngột được cứu sống là từ 5% và không quá 10%. Đáng quan ngại hơn là chứng Ngưng tim đột ngột là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đột tử ở các vận động viên thể thao.
Cách xử lý đúng và sai?
Cách xử lý đúng khi 1 người chứng Ngưng tim đột ngột là ngay lập tức kiểm tra tình trạng phản ứng và việc thở của họ. Nếu họ không có phản ứng, hay bất tỉnh và còn thở bình thường thì lập tức cho họ nằm nghiêng 1 bên.
Việc đưa họ nằm nghiêng 1 bên (đưa vào tư thế phục hồi - Recovery position) nhằm giúp tránh tình trạng họ tự tắt thở, có thể do lưỡi rũ mềm do bất tỉnh chắn vào đường thở, hoặc chất nôn ói, máu, dịch chất trong dạ dày trào lên tràn vào đường thở gây tắc thở. Lưu ý, con người không thể tự nuốt lưỡi, nhưng khi 1 người bị bất tỉnh, cơ thể rũ mềm thì có khả năng lưỡi cũng bị rũ mềm, có thể nằm chắn ngang trên đường thở, khiến người bị nạn khó hoặc không thể thở bình thường.
Khi đưa họ nằm nghiêng 1 bên (thường là bên nào cũng được, trừ trường hợp có thêm nghi ngờ chấn thương cột sống/cột sống cổ thì cho nằm ngửa và vẫn cho lăn nghiêng khi người bị nạn có dấu hiệu nôn/ói ) với cổ mở rộng và hướng miệng mũi chúc xuống mặt đất/sàn, lúc đó đường thở họ được duy trì mở, có thể tránh tình trạng lưỡi rũ ngang đường thở, cũng như nếu họ có nôn/ói thì dịch chất sẽ chảy xuống mặt sàn, không đi ngược vào đường thở gây bít/tắt đường thở.
Người sơ cấp cứu quan sát chặt chẽ người bị nạn, nếu họ bắt đầu thở bất thường hoặc ngưng thở thì ngay lập tức cho họ nằm ngửa trên mặt sàn cứng, phẳng, khô ráo và tiến hành thao tác Hồi sinh tim phổi (CPR – Cardio-pulmonary Resuscitation) gồm ép tim ngoài lồng ngực 30 lần và 2 hơi thổi oxy vào miệng/mũi người bị nạn và thực hiện liên tục chu trình CPR 30-2 này không ngừng để giúp đẩy máu có oxy lên não cũng như các tạng chính để duy trì sự sống cơ bản cho người bị nạn.
Thực hiện CPR liên tục không ngừng cho đến khi nào họ được chăm sóc bởi đội sơ cấp cứu chuyên nghiệp và đội ngũ y bác sĩ.
Người bị nạn ở trạng thái bất tỉnh, ngưng thở ngưng tim được làm CPR càng sớm trong 4-8 phút vàng ban đầu thì khả năng duy trì sự sống não và tim họ cao hơn. Đặc biệt người bị Ngưng tim đột ngột là do vấn đề điện tim nên cần CPR kết hợp máy sốc điện tim là cực kỳ quan trọng. Với sơ cấp cứu ban đầu tại hiện trường ngoài CPR ngay lập tức thì nên kết hợp máy sốc điện tim tự động bên ngoài (tiếng Anh là AED, viết tắt của Automated External Defibrillator), để hỗ trợ ngay sau khi tiến hành Hồi sinh tim phổi CPR. Nếu được tiếp cận với CPR và máy sốc tim sớm thì cơ hội sống sót của người bị nạn càng tăng.
Các đội bóng đá theo phong trào, cộng đồng cần chuẩn bị những yếu tố gì về mảng y tế?
Các trận thể thao từ chuyên nghiệp như EURO đang diễn ra đến bán chuyên và nghiệp dư, dù do bất kỳ đơn vị hoặc nhóm cá nhân tự tổ chức trong nhà hay ngoài trời thì ngoài yếu tố chuyên môn, sân bãi, an ninh thì cần phải hết sức chú trọng đến vấn đề y tế.
Ban tổ chức phải đảm bảo mỗi trận thể thao đều có 1 đội ngũ sơ cấp cứu được đào tạo bài bản định kỳ hàng năm túc trực để ứng phó cũng như có sẵn đội ngũ y bác sĩ chuyên môn, thậm chí nên có xe cứu thương túc trực bên ngoài đối với những trận lớn.
Ban tổ chức cũng nên trang bị sẵn những túi sơ cứu đạt chuẩn để sẵn sàng ở vị trí dễ tiếp cận khi cần sử dụng để sơ cứu nếu có sự cố không may xảy ra. Đặc biệt, nên trang bị thêm máy sốc điện tim tự động bên ngoài-AED, loại thiết bị sốc điện tim hiện trường mà người sơ cấp cứu cơ bản đã qua đào tạo đều có thể dễ dàng sử dụng trong trường hợp có người bị bất tỉnh, ngưng thở ngưng tim.
Cách xử lý sai có thể bao gồm 1. Tìm cách kéo lưỡi nạn nhân ra vì cho rằng họ có thể nuốt lưỡi; hoặc tìm cách nhét tay, khăn, vải, thìa/muỗng... vào miệng họ. 2. Cho người bất tỉnh nằm ngửa vì sợ nằm nghiêng ép tim hoặc không tốt cho họ. 3. Không làm gì cả vì không biết cách sơ cứu hoặc sợ liên lụy hoặc cho rằng đấy cần chuyên môn sâu về y khoa, đây là việc dành riêng cho đội y bác sĩ nên chỉ ngồi chờ họ đến... *** Ông Tony Coffey là chuyên gia sơ cấp cứu làm việc tại thành phố lớn nhất Australia, thành phố Sydney. Ông phụ trách chuyên môn sơ cấp cứu cho vùng nội thành, vùng biển và 2 bệnh viện lớn tại Sydney. Chuyên gia Tony Coffey trực tiếp tham gia công tác sơ cấp cứu, cứu hộ bờ biển và đào tạo về sơ cấp cứu, cứu hộ từ năm 1991 với vai trò là một chuyên gia cứu hộ chuyên nghiệp trong 10 năm và cũng là một tình nguyện viên cứu hộ hơn 20 năm qua. Trong suốt thời gian trên, ông đã thực hiện các chương trình đào tạo, công tác đánh giá và làm việc ở các vị trí điều hành tại Hiệp hội Cứu hộ thủy nạn bang New South Wales và Học viện Cứu hộ Úc tại bang New South Wales của Australia. Hiện ông Tony Coffey là giám đốc đào tạo tại Kỹ năng Sinh tồn SSVN (Survival Skills Vietnam) - doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh giảm thương vong có thể phòng tránh được thông qua phổ cập giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế. Đến nay SSVN đã giúp hơn 59.000 người Việt Nam tiếp cận giáo dục sơ cấp cứu, nhờ đó học học viên của SSVN đã cứu được hàng nghìn nạn nhân. SSVN cung cấp hệ sinh thái giáo dục và hỗ trợ thực hành sơ cấp cứu hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng bao gồm chương trình truyền hình, Youtube, ứng dụng di động, E-learning và các tài nguyên tuyền truyền và giáo dục nhận thức sơ cấp cứu khác. Thông tin chi tiết và tải các tư liệu giáo dục tại: https://survivalskills.vn/cong-dong. |
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất