Thái Lan hoang mang trước ngõ cụt

13/01/2014 07:24 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Những người biểu tình chống chính quyền đang có kế hoạch khiến thủ đô Bangkok của Thái Lan ngưng hoạt động trong ngày hôm nay (13/1) thông qua việc chặn xe cộ qua lại tại các giao lộ quan trọng. Hành động của họ vô tình đã giống sự minh họa cho tình hình chính trị trong nước: tiến không được mà lui cũng không xong.

"Khủng hoảng tăng thêm" là tiêu đề lớn đăng trên tờ Bangkok Post, kèm theo tít nhỏ: "Tẩy chay bỏ phiếu kéo đất nước tới chỗ hoang địa".

Căng thẳng đối đầu

Các tiêu đề này xuất hiện trong ngày 28/2/2006, thời điểm Thủ tướng khi đó, ông Thaksin Shinawatra, đang tìm cách làm xẹp hơi các cuộc biểu tình đe dọa chính quyền của ông, thông qua việc tổ chức bầu cử sớm. Đảng Dân chủ đối lập đã tẩy chay bầu cử. Tới tháng 9 năm đó, quân đội lật đổ Thaksin.

8 năm sau, em gái Thaksin là Thủ tướng Yingluck Shinawatra lại tiếp tục tổ chức bầu cử sớm để người biểu tình chống chính quyền không làm căng. Như lần trước đảng Dân chủ lại tẩy chay hoạt động bỏ phiếu.


Phe đối lập chống chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc vận động biểu tình trong mấy ngày qua

Những người biểu tình yêu cầu bà Yingluck và nội các tạm quyền của bà phải từ chức. Sau đó, hoạt động bầu cử phải tạm ngưng trong vòng 2 năm trời và đất nước sẽ nằm dưới sự quản lý của "Hội đồng Nhân dân" (hiển nhiên do lực lượng biểu tình lập ra). Hội đồng sẽ triển khai các cải cách cần thiết để chống tham nhũng, đặt dấu chấm hết cho cái mà họ gọi là nền "chính trị đồng tiền".

Chính quyền đã không thể chấp nhận những yêu sách này. Kết quả là căng thẳng giữa đôi bên đã lên cao, với ít nhất 8 người chết trong 2 tháng qua do các hoạt động liên quan tới biểu tình.

Người biểu tình đã tham gia các cuộc xô xát trên phố với cảnh sát, cắt đứt đường nước và điện chạy tới trụ sở cảnh sát quốc gia. Họ còn chiếm trụ sở của vài cơ quan chính quyền. Vài vụ lái xe qua và nổ súng đã diễn ra gần nơi họ cắm chốt và vụ mới nhất diễn ra hôm 11/1 làm 7 người bị thương.

Khẩu hiệu của người biểu tình hiện là "Cải cách trước bầu cử". Nhưng các nhà phân tích cho rằng mục tiêu thực của họ chỉ là "Ngăn chặn Thaksin, thêm một lần nữa". Họ nói rằng cuộc biểu tình phản ánh việc người biểu tình vẫn tin bà Yingluck đang làm bình phong cho anh trai ngồi sau điều hành đất nước.

Nhiều kịch bản thay thế chính quyền

Đã có nhiều kịch bản được vạch ra về cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan. Một trong số đó được nhiều người đề cập tới là đảo chính quân sự. Những người biểu tình nằm dưới sự lãnh đạo của cái gọi là Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân đang hy vọng sẽ tạo đủ sự hỗn loạn để quân đội nhảy vào cuộc và khôi phục trật tự. Gần đây nhất, vào ngày 7/1, tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã không bác bỏ khả năng sẽ tiến hành một cuộc đảo chính mới.


Một cậu bé Thái Lan chụp ảnh cùng tấm biển mang nội dung kêu gọi phong tỏa Bangkok trong ngày 13/1

Nhưng nếu quân đội không can thiệp, phe đối lập vẫn có thể lật đổ chính quyền hiện nay qua kịch bản "đảo chính về mặt pháp lý". Vài vụ kiện đang được treo ở tòa án và các cơ quan giám sát độc lập ở Thái Lan, tất cả đều chống lại bộ máy chính trị của nhà Shinawatra. Nếu thua kiện, đảng của bà Yingluck sẽ bị giải tán và các thành viên sẽ bị cấm tham gia chính trị. Điều đáng chú ý là các cơ quan chủ chốt xử lý những đơn kiện này đều đầy những người phản đối Thaksin và họ được chỉ định bởi một chính quyền thành lập sau cuộc đảo chính 2006.

Một kịch bản thứ ba là cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 2/2 sẽ vẫn diễn ra. Nhưng nếu các ứng cử viên bị người biểu tình ngăn chặn không cho đi đăng ký tranh cử, số nghị sĩ được bầu vào Quốc hội có thể không đủ. Trong tình huống Quốc hội không thể triệu tập được, nội các tạm quyền sẽ vẫn tiếp tục điều hành đất nước. Nhưng khi đó Thái Lan không thể thảo ra các điều luật hoặc hiệp ước, thông qua ngân sách hoặc thực hiện các chức năng đầy đủ của chính quyền.

Tình huống này càng đẩy mạnh động cơ để chính quyền bị thay thế, bằng vũ lực hoặc thậm chí là qua sự can thiệp của Hoàng gia, như hiến pháp đã cho phép.

Tương lai ảm đạm

Hiện các giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho cuộc khủng hoảng vẫn chưa xuất hiện, do cả hai phe đều kêu gọi cải cách chính trị, nhưng quá khác biệt về mục tiêu và con đường tới đích.

Sự bế tắc chính trị có thể sẽ gây tác động không nhỏ tới các khía cạnh khác trong xã hội Thái Lan. Theo ông Anusorn Thammachai, Trưởng khoa Kinh tế ở Đại học Rangsit, bạo lực và đổ máu tiếp tục diễn ra tại Bangkok sẽ có ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Nỗi lo lắng hiện đã thể hiện qua việc thị trường chứng khoán sụt giảm và đồng baht yếu đi.

Ông Anusorn nói rằng nếu tình hình hiện nay dẫn tới cải cách, giúp sinh ra một hệ thống kinh tế chính trị mới minh bạch hơn, tốt hơn thì đó sẽ là cái giá mà Thái Lan cần phải trả. Song trước mắt, không khí ảm đạm vẫn tồn tại.

"Các tín hiệu đang rất rõ ràng và đáng ngại. Chúng ta đang ở bên vách núi nhìn xuống vực sâu thăm thẳm" - bài xã luận đăng trên trang nhất tờ Bangkok Post viết, cảnh báo rằng đảo chính không mang lại giải pháp - "Với việc tình trạng chia rẽ chính trị đã nhấn chìm đất nước trong thập kỷ qua, các hậu quả của một cuộc đảo chính trong lần này sẽ còn tồi tệ hơn vòng xoáy dữ dội mà chúng ta đã trải qua trước đây. Lần này, một cuộc đảo chính sẽ là tia lửa đẩy cả đất nước vào rối loạn".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm