Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2009 tăng 0,35%

25/04/2009 11:11 GMT+7 | Thế giới

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2009 đã tăng nhẹ 0,35% so với tháng trước đó, khiến việc CPI tháng 3/2009 giảm 0,17% đã không “kéo” thành xu hướng. Nếu so với tháng 12/2008, chỉ số giá tháng này chỉ tăng 1,68%. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng của tháng này vẫn còn cao tới 9,23%, nhưng đây là lần đầu tiên trong năm nay, mức so sánh này về lại một con số.

Việc chỉ số giá tăng trong thời điểm này có thể lại là tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo, vì đây là một chỉ báo quan trọng, cho thấy xu thế nền kinh tế Việt Nam không đi vào giảm phát

Ở một tương quan khác, so sánh chỉ số giá tiêu dùng bình quân của 4 tháng đầu năm 2009 với kỳ tương ứng của năm 2008, mức tăng là 13,14%, đã giảm đi khá nhiều so với các tháng trước đó.

Do mức tăng không lớn nên gần như chỉ ảnh hưởng rất ít đến đời sống người dân. Nhưng việc chỉ số giá tăng trong thời điểm này có thể lại là tín hiệu đáng mừng hơn đáng lo, vì đây là một chỉ báo quan trọng, cho thấy xu thế nền kinh tế Việt Nam không đi vào giảm phát.

Hơn nữa, mức tăng rất nhẹ của chỉ số giá trong tháng Tư này là có tính quy luật. Trong những năm kinh tế ổn định, chỉ số giá tháng Tư luôn cao hơn tháng Ba. Vì vậy, có thể dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trong tháng này, một diễn biến quan trọng khi xét đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay.

Liên quan đến xu thế của chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2009, hôm Thứ Hai đầu tuần, phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam Toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ chỉ tăng vào khoảng 6%, thấp xa so với mức tăng 19,89% của năm 2008.

Trở lại chỉ số giá tháng này, theo dõi diễn biến 10 nhóm hàng hóa dịch vụ thiết yếu, có thể thấy nhóm văn hóa, thể thao, giải trí vẫn như tháng trước, tiếp tục giảm 0,64%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,20% đến 0,48%.

Ở những nhóm hàng hóa, dịch vụ có mức tăng cao trong tháng này, đáng chú ý là nhóm phương tiện đi lại, bưu điện đã tăng 0,48%. Nguyên nhân chủ yếu là do hai đợt tăng giá xăng dầu vào các ngày 2/4 và 11/4, với giá xăng A92 tăng tổng cộng 1.000 đồng lên 12.000 đồng/lít.

Tăng thấp hơn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, ở mức 0,43%. Nhưng nhóm này lại có quyền số đến trên 42%, vì vậy là nguyên nhân chính “đẩy” chỉ số giá tiêu dùng tháng này đi lên.

Trong nhóm, chỉ số giá lương thực tháng này chỉ tăng 0,03%; nhưng chỉ số của mặt hàng thực phẩm đã tăng tới 0,46%; và đáng lo ngại nhất là ăn uống ngoài gia đình đã tăng tới 0,83%.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm