Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 16-20/9/2013

21/09/2013 08:59 GMT+7 | Thế giới

Bỏ ghi tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân; thông tin chính xác về tình hình sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo; quy định việc tạm nhập khẩu, chuyển nhượng xe ô tô ngoại giao; lập dự án xây dựng mới 4 bệnh viện tuyến cuối... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tuần từ 16-20/9/2013.

Bỏ ghi tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân

Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân (CMND) đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007. Theo Nghị định mới ban hành này, bỏ cụm từ "họ và tên cha", "họ và tên mẹ" tại mặt sau của CMND.

Nghị định 106/2013/NĐ-CP cũng rút ngắn thời gian cấp mới, đổi, cấp lại CMND. Cụ thể, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan Công an phải làm xong CMND cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp CMND tại thành phố, thị xã là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp CMND đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp CMND là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

Hiện nay thời gian cấp CMND tối đa không quá 15 ngày (ở thành phố, thị xã) và 30 ngày (ở địa bàn khác).

Nghị định 106/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ, đối với CMND đã được cấp theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”.

Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hoá chất đạt bình quân từ 14-16% và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt đến 14% vào năm 2020 và đạt khoảng 15% vào năm 2030.

Theo Quy hoạch, tiếp tục đầu tư và cải tạo mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2, nâng tổng công suất các nhà máy DAP lên 1.000.000 tấn/năm; nhà máy phân kali tại Lào công suất giai đoạn đầu là 320.000 tấn/năm, sau đó xem xét mở rộng, nâng công suất nhà máy trên lên 700.000 tấn/năm; các nhà máy phân bón NPK với tổng công suất từ 3,5 đến 4,0 triệu tấn/năm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nâng tổng công suất các nhà máy phân lân nung chảy lên khoảng 1,0-1,2 triệu tấn/năm.

Về quy hoạch phát triển nhóm sản phẩm hóa dược, sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và quản lý nhằm đáp ứng về cơ bản nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược; đầu tư xây dựng mới nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp công suất 150-200 tấn/năm, nhà máy sản xuất hoá dược vô cơ và tá dược thông thường công suất 200-400 tấn/năm,...

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng 15.118 triệu USD.

Quy định việc tạm nhập khẩu, chuyển nhượng xe ô tô ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.

Quyết định quy định cụ thể điều kiện đối với đối tượng được tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô. Theo đó, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì được tạm nhập khẩu miễn thuế 3 xe ô tô nếu cơ quan 5 người trở xuống (trường hợp cơ quan có thêm 3 người thì được nhập khẩu thêm 1 chiếc) sau khi được Bộ Ngoại giao cấp sổ định mức xe ô tô, xe gắn máy miễn thuế.

Viên chức ngoại giao thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, viên chức lãnh sự thuộc cơ quan lãnh sự, viên chức thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập (gọi tắt là viên chức ngoại giao) được tạm nhập khẩu miễn thuế 1 xe ô tô (riêng người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được tạm nhập khẩu miễn thuế 2 xe ô tô) nếu thỏa mãn điều kiện có thời gian công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tối thiểu từ 18 tháng trở lên kể từ ngày đối tượng được Bộ Ngoại giao cấp chứng minh thư và còn thời gian công tác tại Việt Nam tối thiểu từ 12 tháng trở lên (thời gian công tác tại Việt Nam ghi trên chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp).

Quyết định cũng quy định cụ thể các trường hợp được tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô, xe gắn máy để bổ sung đủ định lượng.

Nâng cao chất lượng quản lý công tác quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch.

Một trong các giải pháp của Đề án là hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch. Cụ thể, xây dựng, trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Quy hoạch (theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020).

Định hướng cơ bản là xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch; tập trung công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch vào một đầu mối. Tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện quy hoạch.

Tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai, xác định rõ vai trò của Quy hoạch sử dụng đất, các cấp quy hoạch sử dụng đất trong luật đất đai sửa đổi.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các Luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch.

Giải pháp khác của Đề án là nâng cao chất lượng quy hoạch. Theo đó, tăng cường công tác tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng và các chủ thể tham gia trong quá trình lập quy hoạch, đặc biệt là sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học có kinh nghiệm về lĩnh vực quy hoạch.

Mặt khác, đổi mới quy trình và phương pháp lập quy hoạch phát triển một cách khoa học, từ tổng thể chung của cả nước đến các vùng và địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các loại quy hoạch.

Nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật về nuôi con nuôi

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi và tăng cường biện pháp bảo đảm thực thi Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi và yêu cầu của việc thực hiện Công ước Lahay; chỉ đạo việc xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng hỗ trợ nhân đạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chỉ đạo cơ sở nuôi dưỡng trẻ em lập danh sách trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, lập hồ sơ của trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao hướng dẫn Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi; chỉ đạo Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài đang sinh sống ở nước ngoài trong các trường hợp khẩn cấp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nuôi con nuôi tại địa phương; trang bị máy móc, thiết bị và cập nhật dữ liệu về nuôi con nuôi để phục vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

Ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ 1/1/2014

Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ ngày 1/1/2014. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bãi bỏ nội dung về sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 trên thị trường quy định tại Công văn số 348/CP-KG ngày 27/4/2001 của Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, ban hành văn bản bãi bỏ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật về xăng không chì RON 83 sản xuất, lưu thông trên thị trường. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, ban hành văn bản bãi bỏ các quy định về pha màu xăng không chì RON 83.

Thông tin chính xác về tình hình sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo, kết quả thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí đưa tin khách quan, chính xác về tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo, tránh ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu gạo.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo thẩm quyền vướng mắc trong việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mua lúa, gạo thơm, chất lượng cao trong vụ Đông Xuân năm 2012-2013 và việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn hỗ trợ lãi suất vay để mua tạm trữ của các doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản ánh.

UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chỉ đạo việc gieo cấy lúa vụ Thu Đông với cơ cấu giống lúa phù hợp yêu cầu thị trường, nằm trong vùng quy hoạch để chủ động né tránh lũ, giảm thiệt hại do thiên tai, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trước đó, nhiều thông tin tiêu cực về thị trường gạo xuất hiện gần đây khiến nông dân và doanh nghiệp lo lắng. Dù phần lớn thông tin này không có cơ sở kiểm chứng, nhưng đã được các nhà nhập khẩu lợi dụng để ép giá gạo Việt Nam.

Lập dự án xây dựng mới 4 bệnh viện tuyến cuối

Chỉ đạo về giảm quá tải bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và TP. Hồ Chí Minh lập Dự án xây dựng mới 4 bệnh viện tuyến cuối, hiện đại.

4 bệnh viện trên gồm Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (tại Hà Nội); Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng cơ chế đặc thù để xây dựng hoàn thành 4 bệnh viện trên trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế và UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 4 dự án trên trong tháng 10 tới.

Tích cực tìm kiếm nạn nhân chìm tàu cá ở Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn trên biển tích cực tìm kiếm các nạn nhân đang bị mất tích trong vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực biển Vũng Tàu xảy ra ngày 16/9.

Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân trong vụ tai nạn hàng hải nói trên. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tra tai nạn hàng hải trên theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào khoảng 3 giờ sáng 16/9, trên vùng biển ngoài khơi cách Vũng Tàu khoảng 50 hải lý đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu cá TG 92819 TS chở 16 ngư dân của tỉnh Tiền Giang đang trên đường vào bờ và tàu chở container Sima Saphire của Singapore xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đi Malaysia.

Vụ tai nạn đã làm tàu TG 92819 TS bị gãy và chìm. Sau khi xảy ra tai nạn, tàu Sima Saphire đã dừng lại và cứu được 8 thuyền viên, 1 thuyền viên thiệt mạng và còn 7 người mất tích.

Đến sáng ngày 18/9, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã tìm thêm được 2 thi thể nạn nhân mất tích. Hiện công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được các đơn vị tìm kiếm cứu nạn tích cực thực hiện. Tuy nhiên, khả năng sống sót của các nạn nhân đến thời điểm này là rất ít do thời tiết xấu, sóng lớn.

Theo An Nhiên
Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm