Những chỗ ngờ về “nguyên bản” chiếu Cần Vương

28/05/2008 20:00 GMT+7 | Tin di sản

LTS: Báo TT&VH có nhận được bài viết của ông Hà Văn Thịnh- giảng viên Khoa Lịch sử (Trường ĐH Khoa học Huế) bày tỏ những nghi ngờ về bức chiếu Cần Vương được cho là nguyên bản mới được tìm thấy vừa qua, nhất là chi tiết Vua Hàm Nghi sang Đức cầu viện.
 
Nhận thấy đây là một vấn đề lịch sử lớn, lại được công bố vào thời điểm chuẩn bị đưa di hài vua Hàm Nghi về nước..., cho nên, bắt đầu từ số này, chúng tôi sẽ đăng tải những ý kiến trái chiều về vấn đề này.
 
Những chỗ ngờ về “nguyên bản” chiếu Cần Vương
 
Vua Hàm Nghi
 
Tuổi Trẻ Cuối tuần số ra ngày 11/5/2008 có đăng “nguyên bản chiếu Cần Vương” của “vua Hàm Nghi” (xem box dưới bài) - một trong những vị vua đáng trân trọng nhất của lịch sử nước ta. Điều trước tiên phải khẳng định, đây là một tài liệu quý - rất quý (nếu là sự thật 100%) và người có công lao phát hiện ra nó thật đáng ghi nhận.
 
 Tuy nhiên, văn bản là có thực về chất liệu, văn phong; nhưng cái ảo mà như thật, cái có thực mà không thật như cách nói của cố GS Trần Quốc Vượng về lịch sử; lại là chuyện rất đáng phải bàn.

1. Vua Hàm Nghi sinh ngày 3.8.1871, ở ngôi (tại Kinh thành Huế) từ 2.8.1884 đến 9h30 phút sáng 5.7.1885, vị chi là 11 tháng. Sau sự biến Kinh thành Huế ngày 23.5 năm ẤT Dậu, vua Hàm Nghi xuất Kinh để thực hiện cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, sau đó ông bị bắt ngày 1.11.1888. Và, theo tác giả Thái Lộc thì ông bị đưa đến Alger (Algérie) vào ngày 13.1.1889.

Như vậy, tính từ khi lên ngôi đến thời điểm bị bắt – là thời điểm từ đó về sau không thể nào ban chiếu nữa), chỉ có 4 năm. Nói cách khác, không thể nào có Hàm Nghi năm thứ 5, ngày 6.6 như tác giả đã trình bày. Lênh đênh trên biển từ cuối năm 1888, đến Alger đầu năm 1889, thời gian đâu để ban chiếu, gửi cho ai, truyền về nước bằng cách nào?... Một loạt câu hỏi không thể trả lời.

Chiếu Cần Vương được cho là nguyên bản. Ảnh TTO

2. Cái đáng quý của “chiếu thực nhưng lại giả” là ở chỗ, sau khi vua bị bắt, những người Việt Nam yêu nước vẫn giả thảo ra chiếu vua để duy trì cuộc kháng chiến. Thời phong kiến, minh chủ hay vua mất là quân tan, đó là chuyện bình thường. Điều tuyệt vời của giai đoạn lịch sử này là dù mất vua, phong trào Cần Vương vẫn tiếp tục. Đó là lý do để có Nguyên bản Chiếu Cần Vương mà tác giả bài báo đã trình bày. Và theo chỗ tôi biết, không phải chỉ có một bản “giả mà rất thực” đó mà thôi. Đây là khả năng thứ nhất của bức chiếu và tôi hy vọng nó là khả năng duy nhất(?)

Vua Hàm Nghi bị bắt (tranh vẽ)
3. Nhưng đáng sợ là cái khả năng thứ hai mà theo tôi, không phải là không có cơ sở. Nếu nói rằng vua Hàm Nghi “đích thân sang nước Đại Đức để cầu cứu giúp đỡ” thì quả là oa biện (ngây thơ), coi thường sự thật đến mức khó chấp nhận.
 
Dân ta hồi đó có ai biết nổi nước Đức ở đâu? Làm sao Hàm Nghi sang Đức khi chỉ mới mười mấy tuổi? Tuổi ấy, sang với văn minh phương Tây nói ai mà nghe?... Phải chăng đây chỉ là một tài liệu thuộc dạng tâm lý chiến của người Pháp tạo ra để quy cho vua Hàm Nghi cùng về phe với Đức (phát xít)?
 
Nên nhớ rằng văn bản này nằm trong thư viện riêng của đô đốc D’Argenlieu, người căm thù nước Đức phát xít tới tận xương tủy. Hơn nữa, không thể nói một cách võ đoán rằng nó là văn bản “thật” bởi GS Pháp là Léon Vandermeersch đã tin là… thật! Rất tiếc là chúng tôi chưa thể chứng minh theo con đường logic thực tế rằng nước Đức > Hàm Nghi = phát xít = phong trào yêu nước của nhân dân ta gần với chủ nghĩa phát xít(!) = tài liệu của sau năm 1945.
 
Nếu đúng thế thì quả là rất đáng giật mình về trình độ tâm lý chiến cao siêu bằng cách làm giả văn bản một cách tuyệt tác của người Pháp bởi họ đã “lồng” được chuyện năm Ất Dậu 1885 với Ất Dậu của 1945(!)? Sa vào chỗ này thì không phải là đề cao mà là hạ thấp danh tiếng, tấm lòng và nhiệt huyết của vua Hàm Nghi và cả của dân ta, nhiều lắm.

Chính sử VN mới
 ghi 2 bức chiếu Cần
 Vương. Đó là Chiếu
Cần Vương thứ nhất
(13/7/1885) và Chiếu
Cần Vương thứ 2
(19/9/1885)
 
4. Chẳng bao giờ tiến hành một cuộc kháng chiến suốt 5 năm rồi mới ban chiếu “cần”(!) Bởi nó vô lý và vô nghĩa. Nếu có, phải là gần như ngay tức khắc sau thời điểm vua Hàm Nghi rời Kinh thành Huế. Nội dung của bức “chiếu” mà tác giả đưa ra thực ra chỉ là lời kêu gọi quyên góp tiền bạc để kháng chiến lâu dài. Vua đã ban theo tính chất thông báo như Chiếu dời đô thì gọi là chiếu; còn văn bản ra lệnh thì phải gọi là dụ. Lâu nay đã có nhiều người nhầm lẫn về lịch sử nhưng âu đó cũng là chuyện riêng của người Việt mình - Để lâu… hóa bùn.
 
Về mặt văn phong của “chiếu nguyên bản”, rõ ràng không thể là của vua. Vua chẳng bao giờ nói với dân đen hai chữ “kính thay”. Mặt khác, ngôn từ trong văn bản đã nêu, nói là chiếu thì không phải, nói là dụ cũng không nên tác giả thực của nó phải là một người sống cách xa triều đình nhiều lắm. Xin dẫn chứng: Đã là chiếu thì không thể có câu như “tuân thủ nghiêm ngặt” và đã là dụ thì không thể “hãy cố gắng thay… Kính thay”.

Có rất nhiều điều để nói xung quanh bài Chiếu Cần Vương “nguyên bản” của vua Hàm Nghi nhưng có lẽ nên để người đọc suy luận thêm. Người viết bài này rất quý trọng tác giả nhưng vẫn buộc lòng phải viết, vì lịch sử, không thể là sự suy luận trên cơ sở những tài liệu “có vẻ giống như thật”.

Hà Văn Thịnh (Khoa Lịch sử, ĐH KH Huế)

Bài 2: Nhà nghiên cứu Huế- Phan Thuận An: “Hiện vật này có nhiều điểm bất thường”

 

“Nguyên bản” chiếu Cần Vương (trích)

“Bài đại cáo về mưu lược của hoàng đế, quan viên và nhân dân trung nghĩa ở miền Nam tuân hay.

Bản mật chiếu đại cáo này phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Hàm Nghi năm thứ năm, ngày mồng sáu tháng sáu.

Trẫm vâng noi đại thống, nối tiếp cơ đồ lớn lao, nhưng vận nước gian truân, bọn giặc thôn tính, thế thậm lan dần, không thể tạm yên. Vì thế đã mật triệu các bề tôi vào viện Cơ Mật uống máu ăn thề, hẹn trước hết đánh phá tại kinh thành, sau đó đuổi dài vào Gia Định. Chẳng ngờ Văn Tường hai lòng, nên xa giá phải dời đi Cam Lộ.

Bởi thế, vua tôi lại phải ăn thề lần nữa để lo khôi phục, mưu định đi nước khác cầu viện. Trẫm nào tiếc thân hèn, nên chẳng ngại lao nhọc vượt núi non biển cả, xông pha chỗ chết, đích thân sang nước Đại Đức cầu sự giúp đỡ. Đã được nước ấy chuẩn thuận.

...Nếu như các bề tôi trung, người dân có nghĩa ở miền Nam hẵng xuất của cải giúp nước, thì sẽ đem họ tên, số tiền ghi vào sổ vàng, đợi ngày sau sự nghiệp hoàn thành, chiếu theo số mà hoàn trả gấp bội và đền bù vàng, phong hộ (phong thực ấp) chẳng dè sẻn gì đối với ơn xưa. Hãy cố gắng thay tướng sĩ! Hãy thấu cho lòng trẫm. Kính thay.”

(Bức chiếu được tìm thấy ở Bảo tàng gia đình ông Thierry d'Argenlieu tại Pháp, cao ủy Pháp ở Đông Dương. Bản dịch trên Tuổi trẻ Online)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm