Xung đột giữa voi và người

24/04/2012 10:30 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - “Ngày nào voi cũng về, ngày nào chúng tôi cũng phải làm biên bản để xin hỗ trợ thiệt hại. Nếu tình hình cứ tiếp tục căng thẳng như vậy, sớm muộn gì đàn voi hơn 10 con ở đây sẽ mất hết. Từ 2007 đến nay đã có 9 con voi bị chết ở khu bảo tồn này” – ông Nguyễn Hữu Đạo, Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh các vấn đề về voi ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai thuật lại sự xung đột giữa người dân với đàn voi suốt nhiều năm qua.

Chỉ trong 12 ngày đầu tháng 4 đã có 50 lượt voi phá rẫy hoa màu của dân. Nhắc đến đàn voi, hầu hết nông dân xã Phú Lý đều khiếp sợ gọi chúng là “ông Bồ”.

Khổ vì “ông Bồ”

Từ trụ sở khu bảo tồn (nằm ngay bờ hồ Trị An), anh Nguyễn Đức Tú, Phó trưởng phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Hợp tác của Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai dẫn chúng tôi đi sâu vào khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) trên địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Vượt hơn 30km đường nhựa, luồn sâu vào những con đường đất đỏ bụi mù, chúng tôi chứng kiến cảnh tan hoang của những rẫy xoài, mía, sắn…

Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc, xoài ba mùa, thế nhưng ông Đặng Văn Nhơn, Trưởng ấp 2 xã Phú Lý, đi cùng chúng tôi lại rầu rĩ: “Vụ này được mùa nhưng rớt giá thê thảm chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg xoài. Đã khổ vậy mà còn bị voi vào phá tan hoang, làm người dân điêu đứng”.

Trưởng ấp Đặng Văn Nhơn chỉ đống xoài mà voi làm rụng được người dân gom lại

Chỉ một cây xoài vừa bị voi quật gốc và một đống xoài tươi bị vứt bỏ, ông Nhơn nói: “Đêm rồi, mấy ông voi vào phá, cây xoài 5 - 6 năm tuổi mà voi trốc gốc quá dễ dàng. Ăn là một nhẽ, mấy ông voi còn rung cây, khua vòi làm rụng biết bao nhiêu là trái nên đành phải vứt đi, tiếc đứt ruột”.

Rẫy xoài ba mùa của ông Cồ Văn Lâm, diện tích 1ha đang trĩu quả có đến hàng chục cây xoài bị đàn voi quật ngã. Có cây đã khô quắt, có cây lá còn xanh nguyên.

Chúng tôi lại tiếp tục qua vài rẫy xoài, mía, sắn của các hộ dân khác, đến rẫy nào cũng thấy chung một thảm cảnh. Nhìn đám sắn bị nhổ tung gốc, khô quắt, ông Nhơn nói tiếp: “Các anh thấy đó, voi không ăn sắn mà vẫn nhổ. Còn rẫy mía, trông xanh um vậy nhưng cây nào cũng “chột” hết cả vì bị voi ăn hết đọt. Như rẫy mía rộng 20ha của bà Ngô Thị Hoa, đợt rồi tỉnh phải hỗ trợ thiệt hại lên tới 534 triệu đồng vì bị voi phá. Dân ở đây nghe đến voi là điếng người kinh sợ”.

Bà Đào Thị Hoàng, có 2 ha rẫy xoài Thái trong vùng đệm khu BTTN buồn bã: “Đến mùa thu hoạch, chưa kịp bán là “ông Bồ” vào phá hết. Nhà canh rẫy cũng bị ông phá sập, máy bơm nước, ống nước ông đập gãy hết. Hỗ trợ thiệt hại từ nhà nước chỉ có 6 triệu đồng, còn thiệt hại thực tế của tôi tới vài trăm triệu. Nay đang mắc nợ tiền phân bón 200 triệu đồng nữa, không biết lấy tiền đâu ra trả”.

Từ tế lễ đến xua đuổi…

Bà Hoàng vào nhà và mang ra vài trái xoài Thái chín ngọt mời chúng tôi ăn cho dịu cái nắng. Vừa bổ xoài, bà vừa kể: “Ông Bồ khôn lắm. Xoài Thái ngon nhất, có giá trị cao nhất là ông ăn trước. Hết xoài Thái ông mới chuyển qua vườn xoài cát Hòa Lộc và cuối cùng mới đến loại xoài ba mùa. Chúng tôi làm đủ cách để “mời” ông về rừng, có nhà lập đàn tế lễ với trứng, thịt, nhang đèn các kiểu nhưng ông cũng không chịu đi. Đến giờ coi như là hết cách”.

Người dân Phú Lý đã tìm đủ mọi cách, có nhà sử dụng hóa chất có mùi hôi thối, kể cả thuốc diệt chuột để rải xung quanh vườn, rẫy nhằm xua đuổi voi. Thậm chí người dân sử dụng những biện pháp rất nguy hiểm như: Ném bình gas nhỏ vào voi cho nổ, ném bùi nhùi lửa vào voi… Thêm vào đó, phần lớn người dân đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, cũng như nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng, khi voi ăn phải nguy cơ ngộ độc, thậm chí tử vong là rất cao.

Chú voi con này rất thong dong và dạn người khi ra phá rẫy

Cứu voi, cứu dân

Sự đối kháng giữa người và voi đã lên đến đỉnh điểm. Ông Nguyễn Hữu Đạo cho biết: “Chưa có thống kê tổng thể, nhưng chỉ tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2011, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ cho người dân khoảng 4 tỷ đồng tiền thiệt hại hoa màu. Nhiệm vụ của chúng tôi chủ yếu làm sao vừa bảo vệ được đàn voi, vừa bảo vệ tính mạng cho dân. Còn hoa màu thì phải chấp nhận thiệt hại thôi”.

Theo ông Đạo, voi thường về ban đêm và biện pháp mà các ông làm khi đuổi voi là bằng đèn pha siêu sáng và còi hụ. Nhưng chỉ khi nào voi đến tận nhà dân thì mới xua đuổi để bảo vệ tính mạng cả voi và dân, ngoài rẫy trời tối không thể biết được voi về bao nhiêu con và đứng ở đâu mà xua đuổi, thì họ không dám… liều.

“Chúng tôi tuyên truyền cho người dân, cứ đến 16h chiều là phải về nhà, không ra rẫy nữa. Voi về thì phải báo ngay cho chúng tôi để xử lý, không tự tiện đốt đuốc, hun khói nhất là trong mùa khô. Nhưng chúng tôi lo, không biết biện pháp chiếu đèn này hiệu quả được bao lâu. Voi khôn lắm, chúng biết mình chỉ dọa chứ chẳng làm được gì. Như con voi đực có cặp ngà lệch mà tôi gọi nó là “đại ca”, bây giờ mình có soi đèn thì nó cũng cứ đứng trơ trơ nhìn. Có hôm giữa trưa nó đi nghênh ngang ngoài đường, thấy mình la, nó quay lại nhìn mình xong rồi ung dung đi tiếp” - Ông Đạo kể.

Bài 2: Chắn voi bằng hàng rào điện

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm