Trái tim dũng cảm!

03/06/2008 20:29 GMT+7 | Champions League

Đã có kẻ khóc, người cười sau khi trận chung kết Champions League giữa Manchester United và Chelsea kết thúc. Đêm trắng ở nước Nga sáng hơn mọi lần để chúc mừng những "ông vua mới" của bóng đá châu Âu. Đó không phải là đội bóng mà "đứa con xa xứ" Abramovich của đất nước này sở hữu, mà là MU, "những con quỷ đỏ" thành Manchester, những cầu thủ đã mang hết sức lực và tinh thần để làm hài lòng những bậc tiền bối đã ngủ yên. Điều đó khiến cho việc đánh bại Chelsea của MU không chỉ đơn thuần là một chiến thắng...

 
Chắc chắn các CĐV của MU và Chelsea đã có một đêm không ngủ sau trận đấu giữa hai đội bóng đều đến từ “xứ sở sương mù“ vừa qua. Trong khi những ai yêu mến màu áo xanh của đội bóng thành London sẽ còn phải rất lâu mới có thể nuốt trôi được nỗi buồn thua trận, thì "phe áo đỏ" lại được sống trong một cảm giác tuyệt vời, cảm giác mà đã hơn 9 năm nay họ mới lại được... gặp lại, kể từ khi MU vượt qua Bayern Munich trong trận chung kết mùa bóng 1998/1999.
 
Trận đấu đêm qua xứng đáng là một trong những trận chung kết kịch tính nhất trong lịch sử Champions League. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở loạt đá luân lưu 11m. Trong khi người hùng trong cả mùa giải của MU là Ronaldo thực hiện không thành công lượt đá của mình, đồng thời trao vào tay đối thủ cơ hội ngàn vàng để lần đầu tiên mang về chiếc cúp danh giá, thì Terry - người đội trưởng mẫu mực của The Blues lại... trả lại cơ hội đó cho MU bằng pha sút bóng trúng cột dọc ở lượt thứ 5 - lượt sút quyết định số phận của Chelsea trong một đêm mưa gió ở Moscow.
 
 
Tất nhiên, khi đó áp lực đè nặng lên vai của Anelka, đặc biệt là khi Ryan Giggs đã thực hiện thành công pha sút bóng của mình trước đó. Và tiền đạo người Pháp đã không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, khi đối mặt với kinh nghiệm và khả năng phán đoán tuyệt vời của Van der Sar. "Màu đỏ" trên sân Luzhniki như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Họ đã cầu nguyện rất nhiều cho chức vô địch này, vì hơn ai hết, các cầu thủ MU cũng như những CĐV yêu mến đội bóng này đều tâm niệm một điều: Phải thắng để tưởng niệm những con người đã đi vào huyền thoại cách đây tròn nửa thế kỷ.

Phải chăng những linh hồn đã khuất của Geoff Bent, Roger Byrne, Eddie Colman, Duncan Edwards, Mark Jones, David Pegg, Tommy Taylor và Liam 'Billy' Whelan - những cầu thủ thiệt mạng trong thảm họa Munich 1958 - đã cùng... sánh vai với Sir Bobby Charlton trên khán đài SVĐ Luzhniki để chứng kiến và truyền sức mạnh cho các hậu bối của mình? Liệu có phải họ đã khiến trái bóng từ chân Drogba đi đúng vào cột dọc khi Van der Sar đã bó tay trong tình huống diễn ra ở nửa cuối hiệp hai? Hay họ đã "phù phép" cho Lampard... đưa bóng vào xà ngang khi hiệp phụ thứ nhất mới diễn ra được vài phút? Rồi ai đã sửa sai cho Ronaldo khi... bắt Terry phải sút bóng đập cột khi chỉ còn cách chiếc cúp một bước chân?
 
Phải chăng tất cả những "vận đen" đó của Chelsea chính là do yếu tố tâm linh tác động? Dễ lắm! Vì "người thường" như chúng ta ít ai có thể nghĩ ra được một kịch bản "khủng khiếp" đến như vậy. Chắc chắn trên Thiên đường, những người đã ra đi sẽ nở nụ cười mãn nguyện... Dù sao MU cũng đã thắng, không ai phủ nhận là họ đã may mắn hơn đối phương trong trận đấu này. Nhưng bóng đá là thế, không thể thiếu đi người bạn đồng hành mang tên "nữ thần may mắn". Và cũng như những lần khác, khi MU chơi trong một trận chung kết cúp châu Âu trước đây, "người đàn bà đẹp" này lại đứng về phía đội bóng đến từ Manchester một lần nữa.
 
 
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tài năng của HLV Ferguson và các học trò, họ đã có một hiệp thi đấu thứ nhất áp đảo hoàn toàn khi vượt trội về thời gian cầm bóng so với đối phương. Không ai có thể chối cãi được rằng ở hiệp một trận đấu đó, các cầu thủ MU là những người chơi hay hơn với bàn thắng từ cú đánh đầu của Ronaldo, và rất nhiều những pha bỏ lỡ đáng tiếc. Nếu như Tevez và Carrick hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong những pha dứt điểm có phần trăm ăn bàn cực cao, thì có lẽ số phận của trận đấu đã được định đoạt ngay ở những phút đầu tiên.
 
Và tất nhiên, chúng ta không thể có cơ hội được chứng kiến một trận đấu hồi hộp và kịch tính đến giây cuối cùng như vậy. Muốn có được điều đó, phải gửi lời cảm ơn đến Petr Cech. Thủ thành người CH Séc đã có những pha cứu thua rất ngoạn mục. Đó chính là một trong những yếu tố tạo nên những cung bậc cảm xúc khác nhau trong một trận cầu được chờ đợi nhất trong thời gian qua.

Abramovich đã không có cơ hội cùng các cầu thủ con cưng lên ngôi ngay trên quê hương, Avram Grant đã không có cơ hội mang về danh hiệu lần đầu tiên trong sự nghiệp dẫn dắt một đội bóng, còn các cầu thủ Chelsea đã không có cơ hội đăng quang ở đấu trường số 1 châu Âu trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại của CLB. Tất cả những điều tiếc nuối đó đã... làm nền cho chiến thắng vĩ đại của các cầu thủ Manchester United. Sir Alex đã mang về "cú đúp" cho CLB trong mùa giải năm nay, và đây cũng là "cú đúp Champions League" mà ông có được kể từ khi dẫn dắt CLB vào năm 1986. Dấu ấn đậm nhất của Sir Alex có lẽ là việc sắp xếp Ronaldo đá penalty ở lượt thứ 3, thay vì những lượt quyết định như lượt thứ nhất hoặc thứ 5.
 
Có lẽ ông đã có linh cảm về việc Ronaldo nhiều khả năng sẽ đá trượt nên đã để Tevez làm nhiệm vụ khơi mào còn Nani là người sút cuối cùng trong loạt 5 quả đầu tiên. Rõ ràng áp lực đối với Tevez và Nani quá nhỏ bé so với người đồng đội ở Bồ Đào Nha, nên họ rất tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tính toán của ông hoàn toàn đúng, cộng với sự trợ giúp của "thần may mắn" ông đã thành công. Với chiến tích lẫy lừng này, chiến lược gia người Scotland càng khẳng định thêm tài năng thiên phú của một nhà cầm quân lão luyện vào bậc nhất hành tinh. Thật không có gì vui hơn đối với những người hâm mộ "Quỷ đỏ" khi thấy ông cười thật tươi và ôm thật chặt các học trò của mình, cùng nhau hân hoan trong niềm vui chiến thắng.
 
Đây cũng là một kết cục xứng đáng cho những thế hệ cầu thủ trung thành với đội bóng như Giggs, Scholes, Neville, Brown... và mở ra một kỷ nguyên thống trị mới cho thế hệ trẻ đang ngày đêm dốc sức vì vinh quang của "Quỷ đỏ", nhưng lớp cầu thủ mới với những khát khao chiến thắng không bao giờ ngừng nghỉ.
 
Những hình ảnh cuối trận đấu đã khiến những khán giả giàu tình cảm không khỏi rơm rớm nước mắt. Khóc vì cảm thông với nỗi thất bại cay đắng của Terry và các đồng đội, khóc vì mừng cho MU đã lên bục vinh quang, nơi mà họ đã phải mất rất nhiều công sức và tính toán trong mùa giải này mới có được. Các cầu thủ MU cũng tỏ ra rất fairplay khi họ xếp thành hai hàng dài để vỗ tay an ủi các đồng nghiệp bên phía Chelsea. Những cái bắt tay, những chiếc vỗ vai, thậm chí là cả những cái ôm thắm thiết của các cầu thủ hai bên đã khiến "đêm Moscow" trở nên cực kỳ hoàn hảo.
 
Terry chắc chắn sẽ còn phải nhớ đến khoảnh khắc quyết định của anh rất nhiều, đi cùng với nó sẽ là sự nuối tiếc và ân hận. Nhưng bù lại, trung vệ người Anh lại có được những tình cảm rất chân thành của các đồng đội trong màu áo Chelsea, hay trong ĐT Anh như Gary Neville và Paul Scholes (những người đã ôm và an ủi Terry sau trận đấu). Bóng đá là thế, trong trận đấu là đối thủ không đội trời chung, nhưng sau khi trận đấu đã kết thúc, mọi người lại chan hòa với nhau. Cùng nhau chúc mừng kẻ thắng, an ủi người thua. Những hành động mang đầy tính nhân văn mà trong cuộc sống không thể thiếu.

Theo Bongda24h


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm