Hàng tiền vệ kim cương: Làn gió mới hay 'đồ cổ'?

13/09/2014 07:06 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Sự thành công gần đây của những tập thể sử dụng sơ đồ hàng tiền vệ kim cương, đặc biệt là Liverpool, đang khiến cho kiểu mẫu chiến thuật tưởng như đầy nhược điểm này trở nên đầy “lung linh” trong thời gian qua.

Mùa giải 2013-14 khởi đầu một cách đầy khó khăn với Liverpool. Trên sóng truyền hình, những cựu binh như Jamie Redknapp, Graeme Souness hay Jamie Carragher lần lượt chỉ ra yếu điểm ở vị trí của hai tiền vệ trụ trong sơ đồ 4-2-3-1 và 3-5-2. Steven Gerrard đã già cả, thiếu đi tốc độ cần thiết để trở lại vị trí cũ sau khi dâng cao, khiến cho đội bóng áo đỏ thường xuyên rơi vào tình trạng sơ hở ngay trước cặp trung vệ. Bỏ Gerrard thì không có chân chuyền, giữ Gerrard thì không tiền vệ nào khác đủ khả năng để bù trừ cho đội trưởng.

Kim cương Anfield

Brendan Rodgers quyết định tiếp tục thử nghiệm một phương pháp gần như không ai nghĩ tới: Một hàng tứ vệ kim cương.

Sơ đồ 4-4-2 không có tiền vệ cánh thực thụ được áp dụng vào Liverpool. Ở đó, Gerrard trở thành tiền vệ trụ duy nhất, nhưng luôn được bọc lót và bảo vệ bởi hai “máy chạy” hai bên hông. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở ba vị trí này thì Liverpool vẫn chưa chắc đã có được thành công chiến thuật độc đáo như hiện tại. Sự xuất hiện của Raheem Sterling - một “số 10” dị biệt đã đánh dấu phát kiến chiến thuật lớn của Rodgers.

Là một tiền vệ chạy cánh với tốc độ và sức bền, cầu thủ gốc Jamaica vẫn luôn được đánh giá cao tại lò đào tạo Melwood, nhưng để đá tiền vệ công thì hẳn chưa có HLV nào của đội trẻ nghĩ tới. Sterling thậm chí đã đẩy Philippe Coutinho - một cầu thủ mang dáng dấp “số 10” cổ điển lên ghế dự bị.

Vấn đề nằm ở cách vận hành chiến thuật. Mọi sơ đồ chỉ là bề nổi, điều quan trọng hơn là nó được tổ chức ra sao. Với Liverpool, Rodgers lựa chọn phong cách pressing từ xa đầy mạnh mẽ chính nhờ nền tảng tốc độ, sức bền từ những cái tên như Jordan Henderson, Sterling. Họ không chuyền hay, dứt điểm không tốt, nhưng lại có khả năng áp sát gây áp lực tuyệt vời.

Cặp tiền đạo Luis Suarez và Daniel Sturridge thường dạt sang hai biên thay vì chỉ “cắm trại” ở trung lộ như hình thức cổ điển. Cũng nhờ vậy, Liverpool có thể dễ dàng đánh vào “nách” giữa hậu vệ biên và trung vệ, hoặc kéo dãn hàng thủ đối phương để các cầu thủ khác xâm nhập.

Điểm yếu phòng ngự biên của 4-4-2 kim cương cổ điển được giải quyết bằng sự linh hoạt. Tiền đạo, tiền vệ ở hai cạnh kim cương hoặc Sterling sẽ có nghĩa vụ di chuyển sang biên để hỗ trợ hậu vệ biên, thay vì “việc ai nấy làm”.

Sự tổng hòa hoàn hảo

Thực chất, Rodgers không phải người đầu tiên phát kiến ra mẫu sơ đồ 4-4-2 này. Thậm chí, sơ đồ của ông còn có rất nhiều điểm giống với các “tiền bối” trước kia.

Ví dụ, việc hậu vệ biên dâng cao như những tiền vệ để hỗ trợ tấn công cánh đã từng được AC Milan thể hiện cách đây một thập niên, khi họ sở hữu Cafu - Marek Jankulovski. Cách hai trung vệ tách sang hai biên và dâng cao ngang tiền vệ trụ Gerrard (khiến hình dạng sơ đồ khi tấn công giống như chơi 3 trung vệ) cũng giống với Barcelona thời Pep Guardiola với Sergio Busquets. Sắp xếp hai tiền đạo chơi lệch sang biên? Giống như Jorge Sampaoli ở ĐT Chile, xa hơn nữa là triết lý bóng đá bất tử của “Thánh” Johan Cruyff.

Rodgers đã thành công khi kết hợp tất cả những yếu tố trên trong một sơ đồ 4-4-2 kim cương đầy linh hoạt. Sau cùng, cần khẳng định rằng, tất cả những ý tưởng chiến thuật nói trên đều có hai điểm chung. Thứ nhất, chúng đòi hỏi các cầu thủ phải được huấn luyện từng chi tiết trong cách vận hành. Thứ hai, các cầu thủ phải vô cùng linh hoạt và đa năng, bởi vị trí nào cũng mang rất nhiều nhiệm vụ của 2, 3 vị trí thông thường.

Việc ĐT Anh sao chép sơ đồ và phần nào cách vận hành của Liverpool trong chiến thắng trước Na Uy mới đây, vì thế, cũng có một chút mạo hiểm...

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm