Cúp châu Âu nên loại bỏ luật bàn thắng sân khách?

15/03/2013 13:00 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Thử tưởng tượng rằng vào sáng thứ Tư, thay vì thực hiện pha đá phạt ngắn khiến Milan mất bóng và để thua bàn thua thứ 4 trước Barcelona, Robinho tạt mạnh vào vòng cấm và Mexes đánh đầu ghi bàn. Tỉ số sẽ là 3-1, 3-3 sau 2 lượt và Milan đi tiếp nhờ luật bàn thắng sân khách.

1. Điều đó đã không xảy ra, AC Milan bị loại dù đã thắng 2-0 trên sân nhà, một tỉ số về lý thuyết là an toàn. Một ngày sau đó, Arsenal đánh bại Bayern hùng mạnh với tỉ số 2-0 đầy quả cảm trên sân Allianz Arena, nhưng vẫn bị loại bởi luật bàn thắng sân khách do đã thua tới 1-3 trên sân nhà.

Hãy thử đánh giá trận đấu giữa Newcastle và Anzhi ở Europa League (diễn ra rạng sáng nay). Newcastle đã xuất sắc cầm hòa đội chủ nhà 0-0 ở lượt đi. Nếu để thua sớm ở trận lượt về trên sân nhà, họ sẽ cần 2 bàn thắng mới đi tiếp và phải tấn công dồn dập. Một bàn thua ở phút bù giờ cuối cùng ở Moskva với một bàn thắng ở phút thứ nhất ở St James Park có sự khác biệt rất lớn.

Đó là vấn đề lớn nhất của luật bàn thắng sân khách: không công bằng. Một số bàn thắng quan trọng hơn các bàn thắng khác. Khi M’Baye Niang sút đập cột dọc ở Nou Camp, anh đã bỏ lỡ cơ hội ghi “1 bàn thắng rưỡi”. Nếu luật bàn thắng sân khách thúc đẩy bóng đá đẹp, làm cho các trận đấu hấp dẫn hơn, thì có lẽ sự phi logic vốn có của nó có thể được bỏ qua. Nhưng thực tế, nó đã đi ngược lại mục tiêu ban đầu mà những nhà làm luật đặt ra.


Arsenal bị loại bởi luật bàn thắng sân khách

Luật bàn thắng sân khách xuất hiện lần đầu ở Cúp C2 năm 1965, mục đích ban đầu là để loại bỏ các trận đá lại, vốn tốn kém và khó sắp lịch. Khi đó, đấy là một ý tưởng hay, bởi chỉ 16% số trận sân khách ở Cúp Châu Âu thời điểm đó kết thúc với chiến thắng cho đội khách. Các chuyến làm khách luôn khó khăn: việc di chuyển mệt mỏi, và bầu không khí thù địch hoặc lạ lẫm. Hệ quả là các đội khách có xu hướng phòng thủ tiêu cực, hạn chế số bàn thua. Ở Cúp C1 mùa giải 1964-65, 3 trong số 30 trận đấu chứng kiến các đội bóng lội ngược dòng sau khi thua 2 bàn hoặc hơn. Luật bàn thắng sân khách khuyến khích các CLB mạo hiểm, bởi thua 1-3 thì tốt hơn là thua 0-2.

2. Nhưng tình hình đã thay đổi. Trong 5 năm qua, có tới 30-35% số trận đấu ở Cúp Châu Âu được phân định bằng luật bàn thắng sân khách. Ngày nay, phương tiện di chuyển tốt hơn, phong cách thi đấu giữa các nước không còn quá khác biệt. Các trận đấu sân khách không còn đáng sợ như trước, và luật bàn thắng sân khách, vốn được dùng để giúp các trận đấu lượt đi-lượt về dễ phân định thắng thua hơn, bắt đầu bị bóp méo.

Lấy ví dụ như trận bán kết Champions League giữa Bayern Munich và Real Madrid năm ngoái. Bayern dẫn 2-1 ở lượt đi. Real Madrid khởi đầu mạnh mẽ trong trận lượt về và dẫn trước 2 bàn chỉ trong 14 phút. Phút thứ 27, Bayern gỡ hòa từ chấm penalty và tổng tỉ số 2 lượt là 3-3. Trận đấu cực kì hấp dẫn trong nửa tiếng đầu tiên đã “chết” từ đó. Bayern thi đấu chắc chắn như mọi đội bóng làm khách khác, trong khi Real Madrid thì đá rất thận trọng, vì hiểu rằng nếu thua thêm 1 bàn, họ sẽ phải ghi thêm 2 bàn nữa mới đi tiếp. Thay vì khuyến khích đội khách thi đấu máu lửa hơn, luật bàn thắng sân khách lại khiến các đội chủ nhà “nhát” hơn.

3. HLV Arsene Wenger từng phát biểu tại một cuộc họp báo hồi năm 2008: “Các đội bóng hòa 0-0 trên sân nhà và rất vui. Thay vì có tác dụng tích cực, luật bàn thắng sân khách khiến các trận đấu hiện đại nặng về chiến thuật nhiều hơn. Nó có tác dụng ngược lại so với khi mới xuất hiện. Nó khiến các đội muốn phòng thủ chắc khi đá trên sân nhà”.

Luật bàn thắng sân khách vẫn chưa thể thay thế vào thời điểm này, nhưng có vẻ như nó đang khiến bóng đá hiện đại nhàm chán hơn.

Thanh Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm