Tại sao không có nhiều thương vong trong vụ rơi máy bay Boeing 777 ở Mỹ?

09/07/2013 09:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà điều tra tai nạn hôm 8/7 đã tích cực sục sạo quanh xác chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu 214 thuộc hãng hàng không Hàn Quốc Asiana để xem vì sao nó lại bị rơi trong vụ tai nạn đã làm 2 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Nhưng chính con số người chết thấp cũng khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, nhất là khi họ được chứng kiến xác chiếc máy bay không còn nguyên vẹn và đã bị cháy nham nhở.

Chiếc Boeing 777 của Asiana Airlines đã bị rơi khi định hạ cánh xuống một sân bay ở San Francisco trong ngày 6/7 (7/7) giờ Việt Nam.

Rơi vì bay quá chậm?

Trong cuộc họp báo hôm 7/7, lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) Deborah Hersman tiết lộ rằng chiếc Boeing 777 đã di chuyển với tốc độ dưới tốc độ tối thiểu để hạ cánh là 137 knot/giờ, tương đương 252,6km/giờ.

Bà cũng mô tả những giây kinh hoàng cuối cùng trước khi máy bay rơi, trong đó các viên phi công đã cố gắng kiểm soát con chim sắt của họ. Bà nói rằng 7 giây trước khi máy bay rơi, phi công nhận ra nhu cầu phải tăng tốc. 3 giây sau đó, thiết bị cảnh báo phi công về khả năng máy bay rơi kích hoạt. Phản ứng thông thường của phi công khi nghe thấy tín hiệu này là tăng tốc.

Hình ảnh chiếc máy bay của Asiana với phần đuôi bị gãy và thân cháy nham nhở
Hersman nói rằng phi công đã đẩy động cơ lên mức hoạt động hết công suất và các động cơ dường như hoạt động bình thường. Khoảng 1,5 giây trước khi máy bay rơi, phi hành đoàn đã gọi xuống đài không lưu xin hủy bỏ việc cất cánh để bay lên và cất cánh lại. Nhưng có vẻ quyết định này đã được đưa ra quá muộn.

Các thông tin mới được hé lộ đã xác nhận những gì người sống sót và các nhân chứng kể lại về vụ tai nạn. Đó là chiếc máy bay đã bay quá chậm, ngay trước khi đuôi máy bay chạm vào một rào chắn nằm ở cuối đường băng và khiến phần mũi máy bay lập tức cắm xuống đất.

Hersman nói rằng hiện chưa rõ lỗi phi công hay hỏng hóc cơ khí trên máy bay là nguyên nhân gây ra tai nạn. Nhưng bà cho biết không có bằng chứng nào về việc chuyến bay đã gặp sự cố nguy hiểm, cho tới tận 7 giây trước khi nó rơi. Đài không lưu cũng không được thông báo về bất kỳ vấn đề bất thường nào.

Người chết ít không phải do may mắn

Điều đáng kinh ngạc là 305 trong số 307 hành khách đã sống sót sau tai nạn và hơn 1/3 đã không cần phải vào viện. Chỉ có một số nhỏ hành khách bị thương nặng và 2 thiếu nữ Trung Quốc thiệt mạng.

Trong khi nhà chức trách đang tìm hiểu nguyên nhân tai nạn, quan chức pháp y quận San Mateo là Robert Foucrault nói rằng ông đang xem xét khả năng hai thiếu nữ trên đã sống sót sau vụ tai nạn, nhưng thiệt mạng khi bị một chiếc xe cứu hộ của sân bay cán qua người.

Giới quan sát đánh giá con số người thiệt mạng thấp một cách thần kỳ, bất chấp vụ tai nạn nghiêm trọng, là do nhiều yếu tố tạo ra. Đầu tiên, chiếc Boeing 777 bị rơi ở San Francisco thuộc về loại máy bay có thành tích an toàn tốt nhất trong ngành công nghiệp. "777 là một trong những loại máy bay an toàn nhất hiện nay" - Bill Waldock, một giáo sư về khoa học an toàn hàng không ở Đại học Hàng không Embry-Riddle nhận xét - "Nó mới chỉ có 1 vụ rơi duy nhất vào năm 2008 với một chiếc máy bay của hãng hàng không British Airways tại London. Và trong vụ đó chẳng có ai chết. Vì thế đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên của chiếc máy bay, dù nó đã đi vào hoạt động hơn 18 năm qua".

Vụ tai nạn liên quan đến chiếc máy bay 777 ở London hóa ra là do nhiên liệu bị đông lại trong ống dẫn, khiến động cơ máy bay ngưng hoạt động khi nó đang tiếp cận đường băng. Boeing sau đó đã sửa lỗi này.

Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ của hàng không thương mại, các hãng hàng không đã biết được ngày càng rõ hơn những lý do khiến máy bay rơi và hành khách đã sống sót ra sao để đối phó. Về phần mình, các nhà sản xuất máy bay cũng có những sự thay đổi mạnh. Ví dụ họ chế tạo ra ghế hành khách có khả năng chịu lực mạnh hơn. Những chiếc ghế giờ đã có thể chịu được lực gia tốc mạnh khoảng 16G và vì thế, chúng sẽ không bị xé ra khỏi sàn và bay tung tóe trong thân máy bay như trước kia.

"Rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để giúp giảm tốc độ cháy lan của ngọn lửa trong tình huống máy bay bị rơi lúc hạ cánh" - Hans Weber, chủ tịch công ty tư vấn hàng không TECOP International nói - "Ví dụ người ta làm vật liệu trong khoang chứa hành khách có khả năng chống lửa tốt hơn. Người ta còn thay đổi vật liệu chế tạo để chúng không thoát ra khí độc khi cháy". 

Nhà chức trách Mỹ đã thu được hộp đen của máy bay và đang làm rõ nguyên nhân tai nạn
Yếu tố con người trong thảm họa

Các chuyên gia cũng nói rằng thương vong giảm đi còn nhờ sự tiến bộ trong phản ứng của những con người có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn. Tại vụ tai nạn mới nhất, khi chiếc máy bay bị vỡ, phi hành đoàn đã nhanh chóng bung cửa trượt và giúp mọi hành khách thoát ra ngoài trước lúc lửa bùng lên.

"Việc tiếp viên phục vụ trà và cà phê cùng những thứ khác hiển nhiên chỉ là nhiệm vụ phụ của họ" - Tim Tilmon, một chuyên gia tư vấn hàng không đã bay máy bay thương mại trong 29 năm nói - "Ý tôi là các tiếp viên đó đã được huấn luyện rất tốt để xử lý mọi tình huống".

Cuối cùng còn phải kể tới phản ứng nhanh của đội cứu hỏa và cứu hộ tại Sân bay quốc tế San Francisco. Hoạt động của họ cho thấy phản ứng xử lý thảm họa hàng không đã trưởng thành ra sao. "Hoạt động đó không chỉ có ở San Francisco" - Todd Curtis, một chuyên gia an toàn hàng không đang điều hành trang web AirSafe.com nói - "Những gì diễn ra cho thấy một hoạt động đã được gần như mọi đội cứu hỏa trên khắp thế giới hoàn thiện thành thứ giống như một hình thức nghệ thuật".

Được biết vụ tai nạn của hãng Asiana cũng là thảm họa hàng không chết người đầu tiên ở Mỹ trong vòng 5 năm qua.

Hôm 8/7, Asiana Airline cho biết cơ trưởng của chiếc máy bay gặp nạn đang được huấn luyện để điều khiển Boeing 777. "Đây là chuyến bay đầu của Lee Kang Kook tới sân bay cùng chiếc máy bay Boeing 777. Ngay cả một phi công dày dạn kinh nghiệm cũng cần được huấn luyện khi điều khiển máy bay mới" - phát ngôn viên Asiana Airlines tuyên bố hôm 8/7.

Lee được Asiana đánh giá là người có "rất nhiều kinh nghiệm". Ông đã lái nhiều chiếc máy bay tới San Francisco, gồm mẫu Boeing 747 cỡ lớn. Ông đã có 9.793 giờ bay, nhưng mới chỉ có 43 giờ làm quen với Boeing 777. Phi công phụ Lee Jeong Min, người có 3.220 giờ bay với Boeing 777 và 12.387 giờ bay, đã giúp đỡ Lee thực hiện việc hạ cánh.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm