Câu chuyện sính ngoại của bóng đá Việt Nam

01/10/2012 19:56 GMT+7 | Diễn đàn các CLB

(TT&VH Online) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, bóng đá cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ. TT&VH Online đã nhận được bài viết rất tâm huyết của độc giả Văn Trung Trần về những gì đang xảy ra đối với bóng đá Việt Nam và giải V- League.

Tại một buổi tọa đàm có nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cách đây không lâu trên truyền hình, nhiều chuyên gia kinh tế - xã hội đều đã có một nhận định rằng nguyên nhân khiến cho người Việt Nam chưa mặn mà với hàng hóa trong nước là do chất lượng và mẫu mã cũng như niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm...

Đúng, cái này là do lỗi của doanh nghiệp và một phần lỗi nào đó nằm ở các đơn vị phân phối hàng hóa, dịch vụ cũng như sự điều hành quản lý của những người có trách nhiệm.

Từ trước đến nay, hàng nội chưa chứng minh được chất lượng, chưa lấy được lòng tin của người dân thì dĩ nhiên họ sẽ tìm đến những hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài.

Chưa biết rằng sản phẩm trong nước đó tốt hay kém nhưng nếu đứng trước sự lựa chọn giữa một sản phẩm được nhập khẩu và một sản phẩm được gắn mác “Made in Vietnam” thì đa số đều chọn và mua lấy sản phẩm đắt tiền hơn một chút nhưng “chắc ăn” lại được tiếng là mua và dùng hàng nước ngoài.

GDP bình quân đầu người của người dân Việt Nam theo con số năm 2011 vào khoảng 1300 USD/người/năm trong khi đó của người dân Singapore là 57.797 USD (gấp Việt Nam hơn 44 lần).

Vậy phải làm gì để các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để người Việt Nam không sính hàng ngoại nữa và ngược lại, người tiêu dùng có thể giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường chứ không lao đao như hiện nay...?

Quay lại câu chuyện của bóng đá. Nếu đặt ra một câu hỏi hết sức đơn giản dành cho giới hâm mộ túc cầu ở Việt Nam. Bạn thích xem bóng đá nước ngoài hơn hay thích xem V-League cũng như ĐTQG thi đấu hơn? Có lẽ 90% số người được hỏi sẽ loại ngay phương án thứ 2, tức là họ chẳng tiếc gì khi từ bỏ một trận đấu bóng đá trong nước để tìm đến sự lựa chọn của số đông kia.

Có thể hiểu rằng nguyên nhân là do chênh lệch về sự phát triển giữa bóng đá Việt Nam so với bóng đá quốc tế là quá lớn nhưng rõ ràng rằng bóng đá trong nước đang dần bị người hâm mộ quay lưng hay mất niềm tin chứ không phải vì đẳng cấp nào hết. Các CLB như SLNA, V. Hải Phòng, SHB ĐN hay B. Bình Dương...  không phải là không có sự lôi cuốn, sức hấp dẫn, thậm chí nó còn sâu sát và dễ đến gần hơn với người xem hơn là so với bóng đá ở tận tít nửa bán cầu kia.

Người hâm mộ đặt câu hỏi bao giờ bóng đá mới là "hàng Việt Nam chất lượng cao"?

Nếu xem bóng đá là một thứ hàng hóa dịch vụ thì những người làm bóng đá VN cần phải nhìn lại mình và cảm thấy hổ thẹn về doanh thu từ bóng đá cũng như thị phần của mình trên thị trường sân cỏ. Đổ tiền vào bóng đá như nước sông, lương cầu thủ cao, thưởng và chuyển nhượng ở mức ngất ngưởng để chạy đua theo thành tích trước mắt.

Dĩ nhiên khâu đào tạo trẻ và xây dựng lối chơi, bản sắc cũng như truyền thống cho CLB bị xao nhãng, bỏ ra ngoài lề. Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện CĐV được thuê để đến sân cổ vũ chứ không phải tự tiền bỏ ra mua áo, mua quà lưu niệm... Ở nước ngoài, các CLB “sống” được là nhờ tiền chuyển nhượng, tiền bán bản quyền truyền hình, bán và đồ lưu niệm còn ở Việt Nam thì không như thế.

Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện một ông bầu sở hữu 2 đến 3 đội bóng nhưng lại một mực chối cãi rằng mấy đứa con kia tôi không “nuôi”. Hay khó tin hơn là chuyện “ học sinh lưu ban” nhưng vẫn được lên lớp, một CLB bị xuống hạng nhưng hoàn toàn có thể mua một CLB khác để lấy suất chơi ở giải đấu mang danh chuyên nghiệp cao nhất Việt Nam.

Chỉ có ở Việt Nam các ông bầu đầu tư vào bóng đá không vì bóng đá mà vì muốn làm thương hiệu, vì những thứ khác dành cho doanh nghiệp của mình. Dĩ nhiên,

Để ngăn chặn tình trạng người dân Việt Nam bỏ bê hàng trong nước mà chỉ chú trọng hàng ngoại, chúng ta đã phát động phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhưng với bóng đá, thì không ai có thể phát động hay khuyến khích người dân Việt Nam xem bóng đá nội để cứu BĐVN trong khi chính các CLB còn sính cả tây ngoại hơn cả người tiêu dùng hàng hóa.

Trong câu chuyện người tiêu dùng Việt Nam sính hàng ngoại, hoàn toàn không phải do lỗi của họ. Và dĩ nhiên, không ai có thể trách người Việt Nam tại sao lại lạnh nhạt với bóng đá trong nước hay mất niềm hy vọng vào chính CLB “ruột” của mình.

Văn Trung Trần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm