Từ 1/7 nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

25/03/2009 10:00 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 24-3, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu (GRSP), Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo quốc gia “Rượu bia và tai nạn giao thông”.

Đây là lần đầu tiên, một hội thảo tầm quốc gia về vấn đề tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu được tổ chức tại nước ta.

2010 Việt Nam sẽ tiêu thụ 1,5 tỷ lít bia

Tình hình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ rượu bia ở VN liên tục tăng. Quý 1 năm 2005 sản lượng bia đạt gần 1,2 tỷ lít và tiếp tục gia tăng từ 8 – 10% năm. Dự báo đến 2010 sẽ đạt đến 1,5 tỷ lít. Có 328 cơ sở sản xuất rượu trong cả nước, tổng sản lượng đạt khoảng 100 triệu lít mỗi năm. Đó là chưa kể rượu nấu thủ công trong cộng đồng theo ước tính cũng khoảng 250 triệu lít năm. Bên cạnh đó là hàng chục triệu lít rượu ngoại nhập khẩu chính thức và nhập lậu. Như vậy tổng sản lượng rượu cả nước ước tính khoảng 350 triệu lít/năm

Ông Andrew Pearce, Tổng Giám đốc GRSP toàn cầu trao tặng chính thức cẩm nang Rượu bia với ATGT cho đại diện Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVH Hồ Nghĩa Dũng.


Hiện tại, mức tiêu thụ bia bình quân của người dân nước ta là 15,8 lít/năm, bằng 2/3 so với mức tiêu thụ chung của toàn thế giới. Mức tiêu thụ rượu bình quân là 3,9 lít trong đó mức tiêu thụ chung của toàn cầu là 6 lít.

Theo điều tra của Viện chiến lược chính sách Bộ Y tế năm 2002, tỷ lệ người sử dụng rượu ít nhất là 1 lần/tuần tại các địa bàn nghiên cứu trên cả nước là 33,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu trong nhóm nam là 64%, cao hơn so với số liệu điều tra về tình hình sử dụng rượu bia tại 12 quốc gia đang phát triển (50%), trong đó tỷ lệ lạm dụng là 18%. Tuổi trung bình bắt đầu sử dụng rượu ở nước ta là 24, so với thế giới, giới trẻ nước ta bắt đầu uống rượu muộn hơn. Tuy nhiên, độ tuổi uống rượu đang có xu hướng trẻ hóa rất nhanh trong vài năm gần đây. Điều tra về sức khỏe vị thành niên và thanh niên (từ 14 – 15 tuổi) cho thấy: 69% nam và 28% nữ đã từng uống rượu. Trong đó 58% nam và 30% nữ đã từng say rượu.

Tỉ lệ lứa tuổi học sinh 15 – 19 tuổi liên quan đến rượu bia cao 11,5%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số báo cáo của 35 bệnh viện trong cả nước. Một ví dụ tại tỉnh Hải Dương năm 2005 gần 1/3 lái xe máy bị TNGT có uống bia rượu trước khi lái xe.

Ông Nguyến Phước Đức, ủy viên thường vụ TW ĐTNCS HCM, thừa nhận đối tượng thanh niên uống rượu bia ngày càng tăng, cả nam lẫn nữ, không trừ đối tượng, vùng miền. Đáng báo động là số thanh niên lạm dụng rượu bia như uống quá nhiều, uống nhiều lần trong ngày, nhiều lần trong tuần và có chiều hướng tăng nhanh. Việc uống rượu bia trở thành hoạt động ngày càng được coi là việc bình thường với giới trẻ, họ uống mọi lúc, mọi nơi, ngày lễ tết cũng uống, ngày thường cũng uống, buồn uống, vui uống, bình thường cũng uống.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đa số thanh niên uống rượu bia là do thụ động, có tới 70% số sinh viên đến với rượu bia là do người khác mời rủ, chỉ có 15% là tự mình tìm đến với rượu bia.

Gia tăng rượu bia có liên quan mật thiết tới tình hình TNGT. Ước tính trên thế giới, mỗi năm chi phí cho TNGT đường bộ là 518 tỉ USD. Thiệt hại do TNGT chiếm 1-5% tổng sản phẩm quốc nội ở các nước thu nhập thấp và trong bình, chiếm 2% ở các nước có thu nhập cao.

Ở Việt Nam, tỉ lệ người dân gặp TNGT liên tục tăng lên qua các năm, đến nay, so với năm 2002, đã tăng gấp 3,3 lần.

Thiết bị đo nồng độ cồn của lái xe


Nên “siết chặt” quản lí rượu bia

Luật Giao thông đường bộ quy định từ 1/7/2009: Nghiêm cấm người điều khiển giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50miligam/100ml máu hoặc 0,25 mm/1lit khí thở.

TS Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không thể loại trừ rượu ra khỏi đời sống nhưng phải loại trừ các tác hại của nó. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất ý kiến nên siết chặt lại vấn đề quản lý đối với bia rượu. Ông Nguyến Phước Đức kiến nghị: Nên bắt buộc “ghi trên bao bì các sản phẩm rượu bia dòng chữ cảnh báo “Lạm dụng rượu bia – Có hại cho sức khỏe và gây hậu quả cho xã hội” tương tự như đã làm với thuốc lá, hạn chế quảng cáo bia rượu trên các phương tiện truyền thông. Với mức tiêu thụ rượu bia ở mức xấp xỉ 20 lít/người/năm, mỗi năm Việt Nam sẽ tiêu tốn tới 14,4 nghìn tỷ đồng, trong khi, thu nhập của ngân sách từ rượu chỉ đạt 30% số này. Nhưng con số thiệt hại phía sau đó còn lớn hơn rất nhiều và chưa thể thông kê đầy đủ. Theo số liệu chưa đầy đủ, báo cáo giám sát tai nạn thương tích tại các bệnh viện, năm 2006 chi phí cho 10 nghìn trường hợp tai nạn là trên 11,8 nghìn tỷ đồng. Đây là con số thiệt hại, gánh nặng rất lớn cho xã hội.

Thượng tá Trần Sơn, Cục cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt cho biết: rượu là nguyên nhân làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe 10 – 30%, say rượu còn làm giảm khả năng tự chủ và giảm thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não gây ước tính sai về khoảng cách, làm gia tăng mức độ rủi ro.

Theo thống kê của cục CSGT đường bộ và đường sắt, từ 2004 – 2008 tai nạn do nguyên nhân từ say rượu bia luôn chiếm từ 6 – 8% tổng số vụ TNGT. Năm 2008, tổng số ca cấp cứu vì TNGT tại các bệnh viện là trên 183 nghìn ca, trong đó trường hợp TNGT do dùng rượu bia chiếm tỉ lệ 12,6% tổng số ca. Nam giới chiếm 97% số ca đó.

Trên thực tế, để xử lý lái xe có biểu hiện say rượu còn rất nhiều khó khăn. Thượng tá Trần Sơn cho biết, để phát hiện được dấu hiệu vi phạm của người lái xe uống rượu bia quá nồng độ quy định cần phải dựa vào sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như máy thử nồng độ bia rượu, ống thở. Vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên ở Việt Nam, đây vẫn còn là điều rất mới. Nhiều lái xe vi phạm uống rượu, bia say khi bị phát hiện đã không chịu ngậm ống thở, thậm chí không tin vào kết quả chính xác định nồng độ cồn mà máy in ra, không chấp hành xử lý của CSGT. Cần phải có sự tuyên truyền sâu rộng để người dân chấp hành.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm