"Yêu" hàng Việt, cơ quan công quyền phải đi đầu

06/10/2009 16:21 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

Giữa lúc cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang được phát động sôi nổi, một quan chức Bộ Công Thương vẫn không ngần ngại nói với phóng viên “về mặt quốc gia, xuất khẩu vẫn là ưu tiên, đến lúc thị trường thế giới phát triển thì không bắt buộc về nội địa nữa…”.

Phát biểu trên chắc chắn không sai nhưng có thể không “đúng lúc”.

Nó đã phản ánh trúng tư duy “tất cả cho xuất khẩu” của nền kinh tế Việt Nam, mà vế sau là sự bỏ ngỏ thị trường nội địa trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách.

Khi chính sách hướng ngoại

Siêu thị ngoại, bày hàng thương hiệu ngoại hoành tráng hơn hẳn hàng Việt.
(Ảnh: VietNamNet)

Có một thực tế khi đề cập đến tình hình kinh tế một địa phương, thậm chí cả nước, những thông số nổi bật nhất luôn tính bằng đơn vị USD: GDP, kim ngạch xuất khẩu và tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài.

Với xuất phát điểm của Việt Nam, đó là những ưu tiên đúng đắn. Nhưng dường như quá chuyên chú việc làm thế nào để tăng thêm “đơn vị ngoại tệ”, các nhà làm chính sách đã vô tình bỏ trống nội thương cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này thể hiện rất rõ trong các quy hoạch ngành với mục tiêu hướng ra xuất khẩu lẫn các chính sách của Nhà nước.

Đơn cử, Cục Xúc tiến thương mại thực tế là Cục Xúc tiến xuất khẩu, quỹ xúc tiến thương mại chỉ “chi dùng” cho việc mở rộng thị trường ngoài nước. Trong nhiều quy hoạch ngành cũng như các điều kiện ưu đãi của Nhà nước cũng tập trung cho xuất khẩu, luôn đề ra mục tiêu nổi bật là xuất khẩu được bao nhiêu, làm thế nào để có khách hàng mới.

Minh họa rõ nhất là ngành dệt may. Lọt vào top 10 công xưởng dệt may thế giới, may quần áo cho người Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… nhưng cỡ số quần áo cho người Việt hiện mới đang được ngành này tiến hành xây dựng.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách chê thị trường nội địa nhỏ, tìm mọi cách xúc tiến thị trường mới, thì dưới mắt các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam luôn dẫn đầu danh sách thị trường bán lẻ được “thèm muốn” nhất thế giới.

Bởi cạnh sự hấp dẫn của 86 triệu người tiêu dùng, trẻ, tiêu xài 70% thu nhập vào mua sắm,  còn có sức hút không nhỏ từ ưu đãi trong cấp phép đầu tư của các địa phương cho nhà đầu tư ngoại.

Thị trường bán lẻ là điển hình. Trong cuộc họp hẹp với Bộ Công Thương, đại diện các nhà bán lẻ Việt Nam đã không giấu giếm sự ghen tỵ với doanh nghiệp ngoại như Metro, Big C…

Theo các nhà bán lẻ Việt, họ đã bị các “nhà hoạch định địa phương” cho “ra rìa” ngay trên sân nhà khi luôn từ chối doanh nghiệp nội, nhưng “đùng một cái” đã thấy cấp cho Metro, Big C… ở những vị trí “đẹp giật mình”.

Chính sách kinh doanh cũng vậy. Theo Giám đốc Trung tâm Thương mại Intimex Phạm Ngọc Quý, hệ thống siêu thị của Metro được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nhà bán lẻ trong nước thì không.

Nhiều doanh nghiệp các ngành khác chắc hẳn cũng chia sẻ với ông bởi chuyện địa phương “sính ngoại” là một thực tế hơn hai mươi năm thu hút FDI.

Người dân khó có thể ưu tiên hàng nội, khi hàng ngoại được ưu ái
trên thị trường hơn. (Ảnh: VietNamNet)


Nguyên nhân có thể từ nhiều phía nhưng trong một lần chuyện vãn với phóng viên VietNamNet, có lãnh đạo địa phương nói thẳng, doanh nghiệp ngoại vào sẽ giúp tăng thành tích thu hút FDI của tỉnh. “Chưa kể, họ (FDI) làm lớn, nổi tiếng, tỉnh mình có họ cũng tự hào hơn là mấy ông trong nước chả biết tiềm lực đến đâu”.

Kết quả là một mảng thị trường hàng tiêu dùng rất lớn bao gồm hóa mỹ phẩm, đồ uống, máy móc… đã rơi vào tay các thương hiệu ngoại thuộc Unilever, P&G, Coca Cola, Pepsi… Không ít thương hiệu nội từng “đình đám” một thời như Ngọc Lan, P/S, Lux, Lix, Tribeco, Daso… hoặc là biến mất, hoặc bị DN FDI mua lại hoặc... phải trôi dạt về quê.

Những doanh nghiệp có sức cạnh tranh và có “cửa xuất khẩu” đều chuyển hẳn sang “đánh bắt xa bờ” chấp nhận mất sân nhà cho hàng ngoại cấp thấp và liên doanh tung hoành.

Nội không bằng ngoại – hóa ra không chỉ có trong suy nghĩ của người tiêu dùng mà còn “nằm vùng” trong tư duy của không ít người hoạch định chính sách và đường hướng phát triển của địa phương.

Do vậy, sẽ là một chiều nếu chỉ trách cứ doanh nghiệp Việt mải mê “đánh bắt xa bờ” để “ao nhà” 86 triệu dân cho doanh nghiệp nước ngoài chăm sóc.

Vai trò của Nhà nước trong việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng là vô cùng quan trọng. Và đôi khi, nhiều doanh nghiệp Việt chỉ ước ao có thế!

Cơ quan công quyền cũng “sính ngoại”

Ở vai trò nhà làm chính sách đã vậy, ở vai trò là người tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế, chính Nhà nước cũng chưa thực sự “ưu tiên dùng hàng Việt”, thể hiện qua ứng xử của các công chức và cơ quan công quyền với hàng Việt.

Là người mua sắm, đầu tư lớn nhất, Chính phủ phải ưu tiên hàng nội
trước người dân. (Ảnh: VietNamNet)

Thật khó thuyết phục người dân “dùng hàng nội là yêu nước” khi từ bộ salon tiếp khách đến bộ ấm chén trên bàn, từ chiếc sơmi ông chủ tịch tỉnh mặc đến chiếc xe chở ông… đều ngoại nhập. Thậm chí, trong một cuộc hội thảo về khuyến khích hàng Việt, kích cầu thị trường nội địa được tổ chức bằng ngân sách, ban tổ chức còn phát cho người tham dự bút kim… Trung Quốc.

Những ví dụ “đời thường” như vậy có mặt khắp mọi nơi, ai cũng có thể thấy ngay, nhưng điều làm nhiều người lo ngại nhất chính là “hậu trường” các dự án mua sắm, đầu tư công.

Với việc Nhà nước chiếm tới 43% tổng đầu tư xã hội và là “khách hàng” lớn nhất của nền kinh tế, đó không còn là chuyện sở thích mà là vấn đề có tính quốc gia. Vì ngoài sự “sính ngoại” của những công chức có quyền ra quyết định mua sắm, nguyên nhân sâu xa khiến hàng Việt “khựng chân” trước cổng cơ quan công quyền là vấn nạn “hoa hồng”.

"Đây là cuộc vận động không chỉ nhằm đến người tiêu dùng mà còn hướng đến cả nhà sản xuất, nhà hoạch định chính sách".

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Với tiềm lực hạn chế, phần lớn doanh nghiệp Việt khó “đua” với doanh nghiệp ngoại trong việc chung chi mà điển hình “thua cuộc” là lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng. Nhiều bác sỹ sẵn sàng kê đơn thuốc ngoại, sữa ngoại đắt tiền cho bệnh nhân dù hàng nội tương đương rẻ gấp nhiều lần vì tỷ lệ % hoa hồng.

Nhìn rộng ra, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành không ngần ngại cho rằng, chính “hoa hồng”  đã khiến nhiều vị quan chức, công chức sẵn lòng chọn công nghệ cũ nước ngoài giá cao dù sản phẩm trong nước đã làm được với giá thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam từng không giấu sự thất vọng khi nhiều dự án chi bằng tiền ngân sách lại không hề chừa “kẽ hở” nào cho doanh nghiệp cơ khí nội.

“Thậm chí ta xin làm thầu phụ vòng ngoài, bậc thấp nhất, nhà thầu ngoại cũng không cho vì họ đem cả lao động… nấu cơm sang”, ông Thụ than phiền.

Rõ ràng, trong chiến dịch “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” – các cơ quan công quyền phải là đối tượng hưởng ứng đầu tiên.

Chỉ khi các cơ quan công quyền ưu tiên hàng nội, doanh nghiệp nội từ hoạch định chính sách đến các dự án mua sắm, đầu tư công thì khi đó mới mong người Việt ra nước ngoài cũng cố công tìm hàng Việt để xài, khách sạn Việt để ở như người Nhật, người Hàn yêu hàng Nhật, hàng Hàn vậy.

Bởi người dân không muốn “yêu nước” bằng túi tiền của mình trong khi các vị công chức tiêu tiền ngân sách lại không thể hiện điều đó.

(Phan Hùng, VietNamNet)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm