Vọng Nguyên Hương...

11/01/2010 00:03 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Tuổi thơ của tôi quanh quẩn bên cây lúa, cây ngô và những con cào cào châu châu nhảy tanh tách ngoài ruộng. Những gánh lúa nặng trĩu trên vai mẹ, mỗi bước chân đi lại thấy kêu “kẽo kẹt, kẽo kẹt”.... Nhưng thứ mà tôi thấy nhớ mãi đến tận bây giờ có lẽ là những phong bánh đậu xanh.

Ngày ấy bánh đậu xanh Nguyên Hương không có nhiều nhưng rất dễ tìm mua vì mỗi hàng quán đều có một hai hộp bánh để bán. Những miếng bánh đậu màu vàng nhạt, cho vào miệng là tan ra, hương thơm, vị ngọt mát lặn xuống tận cuống họng. Ăn hết cả chục cái mà vẫn thèm thuồng vì hương thơm vẫn còn nguyên vẹn và vị ngọt mát vẫn lẩn khuất nơi đầu lưỡi.

Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, không có đủ tiền để mua bánh Nguyên Hương hàng tháng mà ăn chứ nói gì đến mua hàng tuần. Mỗi Tết phải đấu tranh mãi mẹ tôi mới dám mua 2 hộp bánh để thờ tổ tiên. Thế là lũ con cái chúng tôi phải cãi nhau chí chóe để chia bánh cho đều. Đứa nào cũng muốn phần hơn. Tôi là chị cả nhưng cũng không muốn nhường em út chỉ vì bị cái vị và hương thơm của Nguyên Hương quyến rũ sâu sắc lắm rồi...

Tuổi thơ của tôi đi qua cùng với phong bánh đậu xanh... sự thèm thuồng không được đáp ứng khiến tôi nhiều khi quên hẳn mất mình đã từng nghiện món bánh ấy đến mức nào cho tới ngày tôi trở thành sinh viên...

Ngày mới vào trường tôi bắt đầu làm quen với thói quen uống trà đá. Mọi người thích uống trà với kẹo lạc thì tôi thích uống trà với bánh đậu xanh. Nhưng tìm mãi mà không thấy loại bánh gắn với tuổi thơ tôi ngày xưa. Rất nhiều thương hiệu mới nhưng quả thật, tôi không thể nào tìm lại vị Nguyên Hương ngày xưa... Tôi quyết định chấm dứt “mối tình” với bánh đậu xanh từ ấy...

Nhưng mãi sau này, sau những ngày trăng mật từ Hải Phòng về, tình cờ chúng tôi đi ngang tiệm Nguyên Hương (nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương)... Không chần chừ, tôi vào thẳng đấy, mua cho mình cả chục hộp bánh mang về ăn dần... Cái vị của nó vẫn vậy, cái hương của nó vẫn thế... khiến tôi có cảm giác như được trở về tuổi thơ của mình...

Tôi mở tất cả những dòng thông tin có trong hộp bánh, nào là việc từ thiện của ông chủ Nguyên Hương, nào là sử dụng bánh như thế nào cho hợp lý nhưng thông tin mà tôi thấy sung sướng nhất là dòng địa chỉ mua bánh tại Hà Nội. Tuy nhiên, đã bao nhiêu lần tôi ngang qua cái dốc Hàng Than ấy, trở đi, trở lại mấy lần để tìm “người yêu dấu” mà chẳng thấy đâu... Tôi lại đành ngậm ngùi chia tay “mối tình câm lặng” ấy.

Gọi là chia tay nhưng quả thực, tôi vẫn không thể quên được và trong lòng cứ canh cánh, muốn tìm đến ngọn nguồn vấn đề để hiểu vì sao “người tôi yêu” lại... hiếm hoi và khó tìm đến thế.

Vào một ngày nắng đẹp, tôi cũng tìm về Hải Dương, gặp “cha đẻ” của “người yêu tôi”. Ông năm nay đã ngoài 70 rồi, vẫn giữ “người yêu tôi” bên mình...

Tôi hỏi sao ông không để Nguyên Hương bay xa, bay rộng như các thương hiệu khác. Ông trầm ngâm rồi trả lời: Nguyên Hương là thương hiệu đầu tiên khôi phục lại được hương vị của bánh đậu xanh của cha ông sau gần 50 năm đất nước chiến tranh loạn lạc. Đó là lý do để Nguyên Hương phải có trách nhiệm duy trì và phát triển nghề truyền thống này. Và để phát triển được nó thì phải nhân rộng mô hình và phải để đất cho các thương hiệu khác “canh tác” chứ.

Nghĩ thế và ông làm ngay. Trong khi các thương hiệu đi sau lần lượt lập công ty, làm thương mại thì ông vẫn duy trì mô hình xưởng sản suất và kiên quyết không phát triển mạng lưới phân phối.

Tôi hiểu ý của ông. Tôi hiểu tấm lòng của ông. Nhưng tôi vẫn thấy không thỏa mãn với câu trả lời và suy nghĩ của ông. Vì như thế sẽ thiệt thòi cho người tiêu dùng. Họ muốn chọn thương hiệu Nguyên Hương của ông, nhưng nhìn quanh chỉ thấy Hương Nguyên, Nguyên Hưng...

Ông bảo “Nhiều thương hiệu, hàng Việt Nam càng phát triển chứ sao”. Ông đúng! Nhưng ông không nghĩ đến việc, có khi thử vài thương hiệu mà thấy không ngon, người tiêu dùng có thể tẩy chay ngay hàng Việt. Và lúc ấy, thua thiệt sẽ là ai?

Chúng tôi gần như ngồi “nói lý” với ông về việc phân phối rộng thương hiệu Nguyên Hương nhưng ông kiên quyết không thay đổi vì ông muốn ở Hải Dương sẽ có thật nhiều thương hiệu bánh đậu xanh và nghề này sẽ được gìn giữ để phát triển mạnh hơn nữa.

Chia tay ông khi trời đã gần tối, chúng tôi vẫn ghé qua cửa hàng mua một thùng bánh đậu về làm quà... Về Hà Nội, không biết sẽ tìm bánh ở đâu, nếu không phải là ngược đường 5 về Hải Dương mua bánh?

Lê Ngọc Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm